Cây cà chua

Tổng quan

Cà chua (Solanum lycopersicum.Thuộc họ Cà Solanaceae) được cho là có nguồn gốc ở tây Nam Mỹ và Trung Mỹ. Ban đầu là một loại cây dại nhưng trong quá trình được di thực lên phía Bắc của châu lục này, chúng được thuần hóa và trở thành một loại thực phẩm được cư dân vùng Aztec và các dân tộc khác ở Trung Mỹ sử dụng trong ẩm thực của mình. Người ta không rõ quá trình thuần hóa bắt nguồn từ lúc nào. Ban đầu cây cà chua bản địa có quả nhỏ như cà chua anh đào.1

Một người Tây Ban Nha Hernán Cortés nhìn thấy tiềm năng của loại cây này ở thành phố Aztec của người Tenochtitlan và lấy hạt của nó đem về châu Âu. Nhận thấy rằng cà chua có thể phát triển mà không gặp phải một vấn đề gì với khí hậu Địa Trung Hải ấm áp, Tây Ban Nha bắt đầu khuyến khích sản xuất trên lãnh thổ của mình, ở một số nước châu Âu và các lãnh thổ thuộc địa xa xôi khác. Ngay từ năm 1540 cà chua bắt đầu được trồng trên các cánh đồng của Tây Ban Nha và được sử dụng thường xuyên như một thực phẩm phổ biến vào đầu thế kỷ 17.

Ở các nước châu Âu khác cà chua không được chấp nhận ngay lập tức. Ví dụ, mặc dù quý tộc Ý và các nhà khoa học phát hiện về cà chua từ năm 1548 nhưng họ sử dụng nó chỉ như là một loại cây trang trí bàn ăn cho đến cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Cà chua cũng nhận số phận tương tự ở Anh, nơi nó được giới thiệu vào năm 1597, nhưng nó vẫn được xem như là loại trái cây có độc và không thích hợp để ăn kể cả trong cả hai thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ. Cà chua không được trồng ở Anh cho đến thập kỷ 1590.1 Nhận thức này chỉ thay đổi vào giữa thế kỷ thứ 18 sau khi có nhiều tiến bộ trong nhân giống chọn lọc từ Tây Ban Nha và Ý.2,3

Sau khi thuộc địa hóa châu Mỹ, người Tây Ban Nha đã đem giống cà chua đi phổ biến ở khắp các thuộc địa của họ trong vùng biển Caribe. Họ cũng mang đến Philippines, từ đó phổ cập sang Đông Nam Á và toàn bộ lục địa Á châu.1
Cà chua đã được quảng bá để trồng ở Trung Đông bởi John Barker, lãnh sự Anh tại Aleppo vào khoảng năm 1799 đến năm 1825.1
Có một điều khá thú vị là mặc dù với vị trí địa lý rất gần nơi được coi là xuất xứ của cà chua nhưng phải mất nửa vòng trái đất nó mới được trồng rộng rãi ở Mỹ kể từ khi Thomas Jefferson (Tổng thống thứ 3 của Mỹ từ 1801 đến 1909) đã mang hạt giống cà chua từ Pháp về.1

Trong thành phần của cà chua chứa 95% nước, 4% carbohydrate còn các chất béo và protein dưới 1%. Trong quả chín có nhiều chất dinh dưỡng như đường, vitaminA, vitamin C và các chất khoáng quan trọng như Ca, Fe, P, K, Mg. Cà chua cũng chứa axit folic. Giúp giữ mức homocysteine (được xem là nguyên nhân gây xơ vữa và hẹp lòng động mạch) ổn định, do đó làm giảm yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim.

Cà chua là loại thực phấm bổ dưỡng được sử dụng ở tất các các nước trên thế giới trong nhiều cách khác nhau, bao gồm cả nguyên liệu trong món salad, chế biến thành nước sốt cà chua hoặc súp cà chua. Cà chua xanh chưa chín cũng có thể được tẩm bột và chiên. Nước ép cà chua được bán như là một thức uống và có khi còn được sử dụng trong cocktail. Cà chua có tính axit, làm cho chúng đặc biệt dễ bảo quản trong đóng hộp, ngâm trong dấm hoặc dầu ăn.

                  
Trong năm 2014, sản lượng cà chua của thế giới là 170.800.000 tấn. Trong đó Trung Quốc sản xuất 52,6 triệu tấn; Ấn Độ – 18.7; Mỹ – 14.5; Thổ nhĩ Kỳ – 11.9; Ai Cập – 8.3; Iran – 6.0; Italia – 5.6; Tây Ban Nha – 4.9.

Ở Việt Nam cà chua được trồng ở nhiều tỉnh, thành. Phân bổ như hình dưới:


2. Đặc tính thực vật

Rễ: Rễ chùm, ăn sâu 1 – 1,5m. Hệ thống rễ phụ phát triển có thể tới 1.5 – 2.5m. Như với bất kỳ thực vật khác, rễ của cà chua tạo nên khoảng một phần tư đến một phần ba tổng trọng lượng của nó. Đáng ngạc nhiên, các loại rễ cây cà chua nói riêng sẽ phụ thuộc vào cách nó được bắt đầu. Nếu trồng từ hạt giống, cây sẽ phát triển một rễ cái lớn với hệ thống rễ phụ nhỏ phát triển từ nó. Nhưng nếu cây cà chua trồng từ bầu sẽ hình thành hệ thống rễ phụ, phân nhánh và tập trung vào tầng đất mặt.

Thân: Thân tròn, trên thân có nhiều lông bao phủ. Khi cây lớn gốc thân dần dần hóa gỗ.

Tùy theo đặc tính giống mà thân có thể phát triển hữu hạn hoặc vô hạn.

: Lá thuộc lá kép lông chim lẻ, mỗi lá có 3 – 4 đôi lá chét. Chóp đỉnh có một lá đơn. Rìa lá chét đều có răng cưa nông hay sâu tùy giống. Phiến lá thường phủ lông tơ. Các lông tơ này tiết là mùi đặc trưng của cây cà chua.

Hoa: Cây cà chua có hoa nhỏ, màu vàng, lưỡng tính. Tuy nhiên cà chua với cấu tạo các tràng hoa bao bọc lấy nhị nên nó có khả năng tự thụ phấn. Hoa thường nở đồng loạt trên một cành. Những bông hoa có thể hình thành trong một cụm hoa hoặc hãn hữu chỉ là một hoa. Số lượng hoa xuất hiện trong một cụm hoa phụ thuộc vào các yếu tố môi trường như nhiệt độ. Thời gian từ bắt đầu xuất hiện đến thuần thục khoảng 2 tuần.

Quả: Quả mọng. Tùy theo giống mà hình dáng và màu sắc là khác nhau. Bên trong thường chia thành các khoang. Một số giống quả nhỏ có 2 khoang. Các giống quả tròn có 3 – 5 khoang.

 


Quá trình phát triển của quả có thể được chia thành một loạt các giai đoạn, như thể hiện ở dưới. Ban đầu có một quá trình phân chia tế bào ở noãn của hoa. Sau đó là phát triển về kích thước và tích lũy acid hữu cơ. Lúc này quả nhỏ, cứng, màu xanh. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn chín thu hoạch. Đây là giai đoạn tích lũy vật chất mạnh nhất. Các hạt giống trở nên trưởng thành trước khi quả chín. Kết thúc giai đoạn này là quá trình chín sinh lý. Trong quá trình chín trái cây kết cấu trở nên mềm mại và tích lũy đường hòa tan và các este tạo nên hương vị. Lúc này, hạt đã đạt đến độ chín sinh lý, nếu gặp điều kiện môi trường thuận lợi có thể nảy mầm, quá trình sinh trưởng và tích lũy chấm dứt. Sau giai đoạn này, quả chuyển sang giai đoạn già hóa. Cấu trúc tế bào sẽ xấu đi và trái cây sẽ trở nên nhạy cảm với tác nhân gây bệnh. Quá trình chín diễn ra trong khoảng thời gian 10 – 15 ngày.

Hạt: Hạt cà chua nhỏ, có lớp chất nhầy bao quanh, nhiều lông, màu vàng sáng hoặc hơi tối. Số lượng hạt tùy theo giống.

3. Kỹ thuật canh tác

Chọn đất, chuẩn bị đất:

Đất trồng cà chua thích hợp nhất trên đất thịt pha cát, giữ ẩm, thoát nước. pH khoảng 6.0 – 6.5.

Không trồng cà chua trên những ruộng đã trồng các cây họ cà như ớt, cà tím, cà pháo, thuốc lá vì dễ nhiễm các loại bệnh hại của cây trồng vụ trước. Tốt nhất là trồng trên những ruộng vụ trước trồng lúa nước.

Cày phơi ải khoảng một tuần trước khi lên luống. Trồng luống đơn với kích thước ngang 60 – 70cm hoặc luống kép 1.2 – 1.4m. Cà chua trồng trong mùa mưa (vụ trái mùa) cần lên luống cao hơn để tránh luống bị ngập.

Gieo hạt, mật độ:

Hạt giống (hoặc cây con) cần được mua từ những cơ sở có uy tín. Đối với hạt giống tự bảo quản cần thử độ nảy mầm trước khi gieo.

Hạt giống gieo có thể bằng cách gieo theo luống trên vườn ươm hoặc gieo bầu. Lượng hạt gieo khoảng 100 – 150g/ ha.

Hạt cần được xử lý để phòng ngừa nấm bệnh và bảo đảm nẩy mầm tốt trước khi gieo. Khi cây con 5 – 6 lá là có thể đem trồng.

Mật độ trồng tùy theo giống, thời vụ mà có thể bố trí mật độ 25 ngàn cây – 30 ngàn cây/ ha.

Chăm sóc:

Trong vườn ươm cần tiến hành tỉa cây con hai lần khi có 2 và 4 lá thật. Đất vườn vươn chỉ giữ ẩm mà không tưới, nhất là trước chuẩn bị nhổ trồng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, trước khi nhổ 4 – 5 giờ cần tưới đẩm để tránh bị đứt nhiều rễ.

Để bộ rễ phụ phát triển nhanh có kinh nghiệm là tỉa bớt lá của cây con (chỉ để lại 2 – 3 cành lá trên cùng) và đặt cây giống hơi xiên ngang so với mặt đất. Cây con trồng xong cần tưới luôn.

Khi cây hồi xanh thì tiến hành xới nhẹ. Sau đó cứ cách 10 ngày tiến hành xới và vun cho cây thêm hai lần nữa. Lần cuối cùng là trước khi bắc giàn.

Đối với những giống sinh trưởng mạnh cần tiến hành bấm chồi nách, tỉa cành nhánh. Mỗi cây chỉ giữ lại một thân phụ (ngay dưới chùm hoa thứ nhất). Mỗi cây chỉ giữ lại 3 – 5 chùm hoa, mỗi cùm chỉ giữ lại 3 – 5 quả. Sau chùm hoa cuối cùng thì chừa 2 lá còn bấm đến ngọn. Do chồi nách phát triển liên tục nên khoảng 4 – 5 ngày lại tiến hành bấm chồi một lần. Thường chồi nách 3 – 4cm thì bấm ngay. Loại bỏ những lá già ở gốc cây tạo điều kiện ruộng được thông thoáng.


Tưới theo rãnh vào buổi sáng. Hạn chế tưới kiểu phun mưa (nhất là vào chiều tối) để tránh bệnh hại lây lan. Khi cây con bén rễ, thì 2 – 3 ngày tưới 1 lần. Khi cà chua ra hoa và quả phát triển thì luôn phải bảo đảm đủ ẩm trong đất.
Bắc giàn cho cây khi có chùm hoa thứ nhất.

Lượng phân hữu cơ cần bảo đảm 15 – 20 tấn/ ha. Đối với những ruộng thâm canh có thể bón cao hơn. Đối với phân vô cơ bảo đảm 100 – 150kg N/ ha, 70 – 100kg P2O5/ ha, 100 – 150kg K2O/ ha. Khối lượng phân được bón theo các lần khác nhau. Bón lót toàn bộ phân chuồng. Toàn bộ phân lân và 1/2 lượng phân Kali trộn đều trong đất bón theo hốc cây khi trồng. Lượng phân vô cơ còn lại chia ra bót lót ba lần. Lần thứ nhất: 1/3 lượng phân đạm khi cây bán rễ, hồi xanh. Lần thứ hai: 1/3 lượng phân đạm + 1/2 lượng Kali khi cây ra chùm hoa đầu tiên. Lần thứ ba: 1/3 lượng phân đạm khi quả bắt đầu phát triển.

Thu hoạch:

Thời gian từ khi quả chín xanh (chín thu hoạch) đến chín đỏ (chín sinh lý) khoảng 10 – 15 ngày. Đây là thời điểm thu hoạch tùy theo mục đích (bán – chín thu hoạch và để giống – chín sinh lý). Thời gian thu hoạch kéo dài 60 – 80 ngày.

Đối với những quả làm giống thì chọn quả thịt tươi, sáng bóng và chắc. Lưu ý chọn quả giống trên những cây không bị bệnh và hạt giống phải thu từ những quả chín sinh lý. Không chọn quả của chùm hoa thứ nhất mà chọn ở chùm thứ 2,3. Mỗi chùm giống chỉ để 2 – 3 quả. Trung bình 150 – 200 quả thu 1kg hạt giống. Hạt giống thu được cần đãi, phơi chô thoáng trước khi cất giữ.

4. Dịch hại chính

Các loại bệnh hại thường phổ biến và gây nhiều thiệt hại. Chúng bao gồm các loại nấm Rhizoctonia solani, Phytophthora sp., Pythium sp. (héo rũ cây con), Colletotrichum sp. (thán thư), Ph. infestan (mốc sương), F. oxysporum (héo vàng),...; Vi khuẩn R. solanacearum  (héo xanh),...; Virus,...

Sâu hại thường xuất hiện trên ruộng cà chua gồm: Heliothis armigera (Sâu xanh đục quả); Spodoptera litura (Sâu khoang), Liriomyza spp (Dòi đục lá), Bemisia tabaci (Bọ phấn trắng),...

Cỏ dại hàng niên cũng gây nhiều thiệt hại cho sản xuất.

D.A.M

*** 

***