Cây ớt

Tổng quan

CÂY ỚT CAY

1. Cây ớt cay

Ớt là một chi thực vật có hoa thuộc họ Solanaceae đã được thuần hóa ít nhất năm lần bởi những cư dân tiền sử ở các khu vực khác nhau của Nam và Bắc Mỹ, (từ Peru đến Mexico) hơn 6000 năm trước.1
Cristoforo Colombo là một trong những người châu Âu đầu tiên thấy ớt ở Caribe. Diego Álvarez Chanca, một thầy thuốc trong chuyến đi thứ hai của Colombo đến West Indies năm 1493, đã mang những hạt ớt đầu tiên về Tây Ban Nha và đã lần đầu viết về các tác dụng dược lý của chúng vào năm 1494.1 Sau khi được đưa vào châu Âu, ớt được trồng tại các khu vườn của tu viện Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tăng lữ Christian đã thử nghiệm với các tiềm năng ẩm thực của ớt và phát hiện ra rằng độ cay của nó có thể là một thay thế hợp lý cho hạt tiêu đen (một loại gia vị lúc đó rất đắt được người dân sử dụng).2,3

Từ Mexico, thời đó đang là thuộc địa của Tây Ban Nha (một nước có nhiều hoạt động thương mại với châu Á), ớt đã nhanh chóng được chuyển qua Philippines.1 Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã đưa ớt đến Nhật Bản năm 1542 và sau đó nó đã được đưa đến Hàn Quốc. Gia vị mới này đã nhanh chóng được sử dụng trong chế biến thức ăn của các quốc gia này. Một con đường khác mà ớt di chuyển là do người Bồ Đào Nha lấy từ Tây Ban Nha, sau đó đưa qua Ấn Độ trong cuối thế kỷ 15 – đầu thế kỷ 16. Từ đó, ớt đi qua Trung Á và Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary.1
Do nhanh chóng thích nghi với các vùng sinh thái đa dạng, cây ớt được trồng ở nhiều nước và trở thành một gia vị không thể thiếu của các món ngon. Ví dụ, sambal Indonesia, súp nóng và chua Thái, kim chi Hàn Quốc và cà ri Ấn Độ. Ớt được sử dụng dưới dạng tươi, khô, bột hoặc chế biến dưới dạng nước sốt (sauce) kiểu tương ớt ở Việt Nam, Sriracha (Thái Lan), Sốt ớt Tabasco® (Mỹ),  jjamppong (Hàn Quốc), rāyu (Nhật Bản), harissa (Bắc Phi),... Mặc dù gần như tất cả các loại cây họ cà khác có độc tố trong lá, nhưng ớt thì không. Lá được nấu chín như rau xanh trong ẩm thực Philippines, nơi họ được gọi là DAHON ng sili (nghĩa là "ớt lá"). Chúng được sử dụng trong các tinola súp gà. Trong ẩm thực Hàn Quốc, những chiếc lá có thể được sử dụng trong kimchi. Ở Nhật Bản, những chiếc lá được nấu chín như rau xanh.2

Trong ớt đỏ có chứa một lượng lớn vitamin A, C (gấp 5 – 10 lần có trong cà chua và cà rốt). Hàm lượng vitamin C rất cao cũng có thể làm tăng đáng kể sự hấp thu sắt từ các thành phần khác trong một bữa ăn, chẳng hạn như đậu và ngũ cốc. Ngoài ra, ớt có chứa hầu hết các vitamin nhóm B, vitamin B6 nói riêng. Ớt rất giàu kali, magiê và sắt.  Một nghiên cứu lớn đăng trên Tạp chí Y học Anh tìm thấy một số dấu hiệu cho thấy rằng con người ai tiêu thụ thực phẩm nhiều gia vị, đặc biệt là ớt tươi, ít có khả năng chết vì ung thư hay tiểu đường.2
Sự tương phản về màu sắc nên cây ớt trồng trong chậu có thể làm một loại cây cảnh với nhiều màu sắc: trắng, đỏ, vàng, cam, xanh, tím,…tùy theo giống.

 


Chất tạo ra cảm giác cay trong quả ớt gọi là Capsaicin được dùng nhiều trong y học. Ngâm rượu xức ngoài da trị nhức mỏi, bong gân. Ớt bột trị được chứng say sóng. Ớt bột trộn với quế và đường trị bệnh mê sảng. Các bệnh đau bụng, đau răng, nhức đầu, sưng cổ họng, tê thấp, thần kinh cũng được điều trị bằng ớt. Lá ớt giã nhỏ đắp vào vết thương bị rắn cắn hay các vết lở ngứa ngoài da. Rễ ớt, nhất là ớt hiểm, sắc uống để trị bệnh sốt rét.
Bằng cách trồng ớt cay xung quanh cây trồng có giá trị, người nông dân tạo ra một vùng đệm ngăn cản voi. Bởi vì voi có một khứu giác nhạy cảm, mùi của ớt khiến chúng khó chịu và ngăn cản chúng xâm phạm đến các loại cây trồng. Đốt cháy Chilly-Dung Bom (là những viên gạch làm bằng trộn phân và ớt) cũng có tác dụng xua đuổi voi.2

Trong năm 2013, sản xuất toàn cầu của cả ớt tươi và khô là 34,6 triệu tấn.  Những nước sản xuất ớt tươi hàng đầu trên thế giới gồm: Trung Quốc: 15.8 triệu tấn; Mexico: 2.3; Thổ Nhĩ Kỳ: 2.2; Indonesia: 1.7; Tây Ban Nha: 1.0. Trong đó Trung Quốc chiếm khoảng gần 1/2 sản lượng của thế giới. Ấn Độ là nước sản xuất hàng đầu của ớt khô (1,4 triệu tấn).3
Theo số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2013-2014: Diện tích trồng ớt là 2.000 ha (năm 2014), sản lượng là 80.000 tấn (năm 2013). Các vùng trồng ớt chính được mô tả trong bản đồ dưới:

2. Đặc tính thực vật

Rễ: Ớt có rễ trụ, nhưng khi trồng rễ phân nhánh mạnh và cây phát triển thành rễ chùm, phân bố trong vùng đất cày là chính.

Thân: Thân có lông hoặc không lông, chiều cao 35 – 65cm hoặc có giống cao hơn 100cm. Khi cây già phần gốc thân chính hóa gỗ. Sinh trưởng vô hạn nên khả năng phân cành cao.

: Mọc đơn, đôi khi mọc chùm thành hình hoa thị, có hình lưỡi mác hay hình quả trứng, bầu dục, phiến lá nhọn ở đầu, có lông hoặc không lông.

Hoa: Lưỡng tính, mọc đơn hoặc thành chùm 2 – 3 hoa. Hoa nhỏ, dài, hoa màu xanh có hình chén, lá đài nhỏ, hẹp và nhọn. Tràng hoa có 6 – 7 cánh màu trắng hoặc tím. Số nhị đực bằng số cánh hoa và mọc quanh nhụy cái. Đầu nhụy chia 2 vòi dài, rất thuận tiện cho quá trình tự thụ phấn. Phần trong cánh hoa có lỗ tiết mật. Những bông hoa có thể tự thụ phấn hay thụ phấn chéo do côn trùng (đây là điều cần quan tâm để giữ được giống thuần). Là loài thực vật chịu nhiệt và rất nhạy cảm với sương giá. Do đó, ở nhiệt độ rất cao 33 – 38°C hoặc thấp < 15°C phấn hoa mất khả năng tồn tại và ít có khả năng thụ phấn thành công.


Quả:  Quả mọng, có 2 – 4 thùy, hình dạng khác nhau, bề mặt quả có thể phẳng, gợn sóng. Quả khi chín có màu đỏ, xanh, vàng,... khác nhau. Quả  chứa nhiều hạt tròn dẹp màu sáng. P1000 hạt 4 – 5g. Sức nảy mầm của hạt giống khá cao nếu bảo quản tốt có thể giữ được 2 – 3 năm. Phần thịt quả biểu bì và trục đính hạt là những nơi cay nhất của quả ớt.


Chất tạo ra vị cay hoặc bỏng rát khi dính vào da của ớt là capsaicin (8-methyl-N-vanillyl-6-nonenamide) – C9H14O2 . Capsaicin nguyên chất là một chất kỵ nước, không màu, không mùi, ở dạng tinh thể hoặc sáp rắn ở nhiệt độ phòng và có độ cay là 16.000.000 SHU.
Số lượng capsaicin trong ớt khác nhau đáng kể giữa các loại và được đo bằng đơn vị nhiệt Scoville (tên dược sĩ người Mỹ Wilbur Scoville) – SHU. Giống ớt được biết là cay nhất hiện nay trên thế giới như đánh giá trong SHU là “Carolina Reaper” là 2.200.000 SHU. So sánh độ cay của các giống ớt khác nhau trên thế giới:

Bell pepper  0 SHU
New Mexico green chile  0 – 70,000 SHU
Fresno, Jalapeño  3,500 – 10,000 SHU
Cayenne, Serenade  
30,000 – 50,000 SHU
Piri piri  50,000 – 100,000 SHU

Habanero, Scotch Bonnet, Birds Eye, Finger
 100,000 – 350,000 SHU
Naga  855,000 – 2,200,000 SHU

3. Kỹ thuật canh tác

Chọn đất, chuẩn bị đất:

Tránh trồng ớt trên những ruộng vừa trồng các cây họ cà như cà chua, cà tím và thuốc lá. Các loại đất thích hợp cho trồng ớt: đất cát pha, đất thịt pha sét, đất phù sa ven sông và đất canh tác lúa. pH = 5,5 – 6,5.
Cày sâu, phơi ải 10 – 15 ngày. Tiến hành bón lót phân hữu cơ + vôi, NPK.

Tùy theo điều kiện địa hình, thời tiết, vốn,...cụ thể của mỗi địa phương mà lên luống cao hay thấp, trồng hàng đơn hay đôi, phủ nilon hay không.

 

Gieo hạt, mật độ:

Hạt giống mua ở các cơ sở có uy tín. Tỷ lệ nảy mầm 90 – 95%. Ẩm độ của hạt ≤ 7 – 8%.
Hạt giống trước khi gieo cần được xử lý. Có thể gieo thẳng. Lượng hạt giống cần cho 1ha tùy thuộc vào giống và tỷ lệ nảy mầm, trung bình khoảng 150 – 200g/ha. Tuy nhiên, hạt ớt thường nẩy mầm chậm (8 – 10 ngày sau khi gieo mới mọc khỏi đất) cho nên tiến hành gieo bầu sẽ tiết kiệm hạt giống và bảo đảm được mật độ cây trên một diện tích. Cây con cấy khi đạt 30 – 35 ngày tuổi.

Mật độ cây tùy thuộc vào vị trí của cây ớt trong cơ cấu luân canh. Nếu cần thu hoạch nhanh (để có đất cho cây trồng khác trên cùng diện tích) thì có thể trồng với mật độ 3.000 – 4.000 cây/ ha. Còn nếu thời gian thu hoạch có thể kéo dài thì trồng với mật độ 2.000 – 2.500 cây/ ha. Trong mùa khô có thể trồng dày hơn mùa mưa.

Chăm sóc:

Tỉa bỏ tất cả những cành mọc phía dưới gốc, tạo điều kiện thông thoáng, đủ ánh sáng bên dưới tán cây để hạn chế mầm bệnh tấn công. Khi có cành, lá, quả bị sâu bệnh xâm nhiễm cũng nên mạnh dạn cắt bỏ và đem ra khỏi ruộng tiêu hủy để tránh lây lan. Thực hiện khi có nắng.
Tiến hành bón thúc 4 – 5 lần (có thể kéo dài hơn tùy theo thời gian thu hoạch). Lần 1 vào khoảng 20 – 25 ngày sau trồng. Lần hai khi cây đậu quả rộ. Lần ba khi quả chín rộ. Các lần tiếp theo sau mỗi lần thu hoạch. Có thể sử dụng phân bón lá khi cây sinh trưởng kém.

Tùy theo tình hình bệnh hại trên đồng ruộng mà sử dụng các phương pháp tưới khác nhau như tưới thấm, tưới phun, tưới gốc,...Tưới định kỳ, không để thiếu nước trong giai đoạn cây ra hoa và cho trái, nếu thiếu nước năng suất và chất lượng trái ớt không đạt tiêu chuẩn.
Cây ớt trong thời kỳ hình thành và phát triển quả gặp gió mạnh dễ đổ ngã, nên cần tiến hành cắm giàn. Khoảng 3 – 4 cây cắm một cọc, dùng dây nilon căng ngang theo luống để đỡ cây.
Tỉa bớt những quả ở phía dưới gốc.

Thu hoạch:

Thông thường từ 35 – 40 ngày sau khi đậu trái có thể bắt đầu chín và thu hoạch được. Quả chín không đồng đều nên khoảng 2 – 3 ngày tiến hành thu một đợt.

4. Dịch hại chính

Các loại bệnh chính gồm: bệnh héo rũ (chết ẻo) do tập đoàn nấm Rhizoctonia sp., Fusarium sp., Pythium sp.; bệnh thán thư do nhiều loài nấm thuộc loại Colletotrichum sp. gây ra; bệnh héo xanh vi khuẩn do Ralstonia solanacearum; bệnh thối mềm quả do Erwinia carotovora,...  
Sâu hại chính có bọ trĩ, sâu đục quả, rệp muội, sâu khoang,...
Các loại cỏ dại hàng năm cũng phát triển trên ruộng trồng ớt.

D.A.M

Tài liệu tham khảo