Thán thư

Giới thiệu chung

Ớt (Capsicum annuum L.) là cây gia vị chính được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới vì nó là một thành phần không thể thiếu trong ẩm thực hàng ngày của người dân . Người ta sử dụng ớt dưới dạng tươi, khô, bột, hoặc chế biến thành nước sốt. 

Nhưng một trong những trở ngại chính cho sản xuất ớt đó là bệnh thán thư gây ra bởi nấm Colletotrichum. Nấm bệnh này xuất hiện gây hại ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới: các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới. 

Ở châu Á, thiệt hại do bệnh thán thư làm giảm 13% năng suất đã được ghi nhận tại Hàn Quốc (Yoon cùng cộng sự 2004), khoảng 50% ở Malaysia (Sariah 1994), 66 – 84% ở Ấn Độ (Thind và Jhooty 1985) và 75% ở Indonesia (Kusandriani và Permadi 1996) . Tại Thái Lan, bệnh thán thư có thể gây ra thiệt hại năng suất quả từ 50% đến 100% (Pakdeevaraporn cùng cộng sự 2005).1,3 Thiệt hại năng suất đáng kể đã được báo cáo từ Punjab và Haryana (20 – 60%) và Assam (12 – 30%).3 

Bệnh không những làm giảm năng suất mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị thương phẩm do gây hại cả sau thu hoạch. 

Ngoài ớt, Colletotrichum còn gây hại trên phạm vi rộng lớn các cây trồng như cây ăn quả (chanh và cây có múi khác,…), các loại đậu, ngũ cốc (ngô, mía, cao lương,…), rau quả (cà chua, khoai tây, cà tím, bầu bí, rau diếp,... ), dâu tây, chuối và cây lâu năm (Bailey & Jeger, 1992).2,3,10

Hình 1: Triệu chứng do Colletotrichum gây ra trên ớt.

1.1 Triệu chứng

Bệnh thán thư trên ớt có thể gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, phát triển và cả giai đoạn sau thu hoạch. Người ta quan sát thấy bệnh biểu hiện ở ba giai đoạn. Đó là: mầm (thối mầm) và cây con (chết ẻo); đốm lá và chết héo ở giai đoạn cây con và thối quả (Mistry et al 2008).6,14

Trên cây giống, các vết bệnh nhỏ màu nâu hình thành trên lá mầm. Bệnh nặng sẽ gây ra hiện tượng thối lá mầm và sau đó là chết ẻo.8,11

Trên lá, lúc đầu có những vết nhỏ, hình dạng không cố định. Mầu sắc vết bệnh chuyển từ màu vàng sang nâu với đường viền xung quanh nâu đậm (hình 2).6,7,10,12,15,17,18

Hình 2: Vết bệnh trên lá.

Theo Viện Nghiên cứu rau quả (Việt Nam) thì vết bệnh trên cuống lá và thân cây lõm xuống tạo thành vết dọc màu nâu đen. Cây bị bệnh kém phát triển, lá vàng và rụng sớm. 

Trên quả, thông thường các triệu chứng đầu tiên chỉ xuất hiện trên vỏ quả trưởng thành (quả ngừng sinh trưởng và đạt kích thước tối đa) với những vết nhỏ, hình tròn riêng lẻ mọng nước. Tại vị trí lây nhiễm phần thịt quả hơi trũng xuống (hình 3).

Hình 3: Vết bệnh ban đầu.

Khi bệnh phát triển, các vết bệnh xuất hiện riêng lẻ có thể liên kết lại với nhau (hình 4).7,10,15,17

Hình 4: Các vết bệnh liên kết với nhau.

Các triệu chứng có từ khi quả non nhưng thường sẽ không xuất hiện cho đến khi quả chín vào thời điểm thu hoạch. Đây là hiện tượng tiềm ẩn của bệnh.2,8,11 Tuy nhiên người ta đã phân lập được loài Colletotrichum acutatum từ các vết bệnh trên quả non (Harp và cộng sự 2008).1 Hình 5. Các vết bệnh trên quả non do C. acutatum được gọi là "bệnh thán thư sớm" nhằm phân biệt có tính hình thức với loài C. gloeosporioides xảy ra trên quả chín.5,6

Hình 5: Vết bệnh 3 ngày sau khi cấy bào tử vô tính của C. acutatum.

Gặp điều kiện thuận lợi vết bệnh nhanh chóng phát triển về kích thước. Đường kính có thể đạt cực đại 3 – 4 cm.6,10,11,12,15

Trên nền hồng – da cam của vết bệnh hình thành các chấm màu đen tạo thành các vòng tròn đồng tâm. Sự hình thành các bào tử tạo thành vòng tròn đồng tâm là triệu chứng điển hình của bệnh thán thư có thể được nhìn thấy trên các loại quả ớt.4,9,13,18 (hình 6). Trong điều kiện ẩm ướt từ vòng tròn đồng tâm tiết ra dịch kem mầu hồng chứa rất nhiều bào tử. 

 

 

Hình 6: Vòng tròn đồng tâm trên các loại quả.

Từ vết bệnh bên ngoài vỏ quả, nấm bệnh có thể phát triển vào bên trong làm đổi màu hạt giống và khoang chứa hạt giống.4 Hình 7.

Hình 7: Bệnh do Colletotrichum gây hại trong quả.

1.2 Nguyên nhân

Hầu hết các loại nấm bệnh thán thư là thành viên của chi Colletotrichum. Trên thế giới Colletotrichum có đến 5 loài thường xuyên gây hại trên ớt. Đó là C. capsici, C. acutatum, C. gloeosporioides, C. coccoides, và C. graminicola.3 

Tuy nhiên, các loài gây bệnh thán thư trên ớt là khác nhau. Ví dụ, C. capsici là phổ biến rộng rãi trong các loại quả chín đỏ (Than và cộng sự 2008), trong khi C. acutatum và C. gloeosporioides đã được báo cáo là phổ biến hơn ở cả quả non và chín (Park và cộng sự 1990; Kim và cộng sự 1999; Kang và cộng sự 2005). C. coccodes và C. dementium gây hại lá và thân, nhưng C. acutatum và C. gloeosporioides chỉ gây hại quả ớt.3

Trong số các Colletotrichum gây hại trên ớt, C. gloeosporioides có phổ ký chủ rộng nhất trong số các loại cây họ cà. Nó cùng C. capsici là hai loài chính gây bệnh thán thư ớt ở các nước và vùng lãnh thổ của châu Á. Chúng đem lại những tổn thất lớn về năng suất. Trong khi đó C. coccodeslà loài gây hại nặng nhất và phổ biến ở các vùng ôn đới.6,8,15

Bảng: Thành phần các loài Colletotrichum ở các nước3
 Các nước  Các loài
 Úc   Colletotrichum acutatum, C. atramentarium, C. demantium, C. gloeosporioides var. minor, C.gloeosporioides var. gloeosporioides
  
 Ấn Độ  C. capsici
 Indonesia  C. acutatum, C. capsici, C. gloeosporioides
 Hàn Quốc  C. capsici, C. gloeosporioides, C. coccodes, C.demantium
 Myanmar  Gloeosporium piperatyum E. and E., C. nigrum E. and Hals
 Papua New Guinea  C. capsici, C. gloeosporioides
 New Zealand  C. coccodes
 Đài Loan  C. acutatum, C. capsici, C. gloeosporioides
 Thái Lan  C. acutatum, C. capsici, C. gloeosporioides
 Anh  C. acutatum, Glomerella cingulata
 Mỹ  C. acutatum
 Việt Nam  C. acutatum, C. capsici, C. gloeosporioides, C. nigrum

(Thành phần loài Colletotrichum ở Việt Nam theo Don, L.D., Van, T.T., Phuong Vy, T.T., Kieu, P.T.M.,2007. Colletotichum spp. gây hại ớt trồng ở Việt Nam. Báo cáo quốc gia. Trong tóm tắt của Hội nghị quốc tế chuyên đề đầu tiên về bệnh thán thư trên ớt. Viện Nghiên cứu làm vườn quốc gia, Cục Quản lý Phát triển nông thôn, Hàn Quốc, p.24. Oh, DG, Kim, KT, (. Eds) trích đăng). 

Những chấm đen xuất hiện trên những vòng tròn đồng tâm của vết bệnh chính là những mâm bào tử – đĩa cành bào tử (acervuli). Với một kính lúp thông thường, những mâm bào tử đó trông giống như các chấm nhỏ màu đen (hình 8 a). Nhưng dưới kính hiển vi chúng trông giống như những túm lông nhỏ, cứng, màu đen (hình 8 b).5,7,16,18

(a) (b)
Hình 8 (a,b): Acervuli với các mức phóng đại khác nhau.

Dưới kính hiển vi chúng còn được thể rõ như hình 9 (a,b) ở dưới đây:

(a) (b)

Hình 9 (a,b): Mâm bào tử (Acervuli) có lông cương và các bào tử.16

Acervuli giải phóng ra các bào tử đơn bào, hình ống cong giống lưỡi liềm (hình 10 a,b). Kích thước 19 – 28 x 2,7 – 5 µm (C.capsici), 16 – 24 x 2 – 5 µm (C.coccodes), hoặc 11– 19 x 2,7 – 5 µm (C. gloeosporioides).12

(a) (b)
    
Hình 10 a,b: Bào tử C.coccodes, x 400 (10 a).16

Nhiệt độ tối ưu cho C. capsici là 28ºC trong khi đó C. gloeosporioides là 32oC.3

Một số loài Colletotrichum có cấu trúc bảo tồn là các sợi nấm màu nâu đen, đan kết lại với nhau có kích thước nhỏ. Ví dụ: C. coccdes và C. gloeosporioides (0,2 – 0,4 mm). Cấu trúc bảo tồn hình dạng bất thường này được gọi là “hạch” – ổ nấm (hình10).8,12,15 Các “hạch” nấm của các loài C. coccdes và C. gloeosporioides đóng một vai trò quan trọng trong sự duy trì nòi giống trong những điều kiện khắc nghiệt.

Hình 11: “hạch” nấm trên vết bệnh.

Chú thích: Khái niệm “hạch” ở đây khác với hạch trong phân loại nấm. Trong phân loại: Hạch là do các sợi nấm đan kết với nhau tạo thành một khối rắn chắc có hình dạng bất kỳ (hình cầu, bầu dục,…). Lúc đầu có mầu trắng sau chuyển sang màu nâu. Cuối cùng sang màu đen. Khi cắt ngang hạch nấm ta thấy bên ngoài có lớp vỏ dày màu xẫm, có màng bảo vệ. Lớp ruột bên trong có màng tế bào mỏng hơn, màu nhạt chưa đầy chất dinh dưỡng dự trữ. Hạch dễ dàng rời khỏi vết bệnh.

1.3 Phát sinh gây hại

Nấm tồn tại trong đất dưới dạng “hạch”, mâm bào tử (acervuli) hoặc bằng sợi nấm trên tàn dư thực vật.5,6,12,16,18 Chúng có thể tồn tại trên cỏ dại và cây trồng khác trong họ Solanaceae (cà chua, khoai tây, cà tím).8 Chúng cũng có thể tồn tại bên trên và bên trong hạt giống ớt.3,7,12,16,18

Bào tử của Colletotrichum không có chức năng như cấu trúc bảo tồn, chính vì thế khả năng tồn tại của nó giảm xuống nhanh chóng theo thời gian. Tuy nhiên, sợi nấm lại có thể duy trì khả năng sống trong thời gian dài trong và trên hạt, tàn dư thực vật, hoặc tiềm ẩn trong các cây chủ hoặc ký chủ không có triệu chứng bệnh.8

Bào tử nẩy mầm trên các bộ phận của cây và xâm nhiễm nhờ các ống mầm. Điều kiện thuận lợi cho quá trình nảy mầm của các ống mầm này khi độ ẩm tương đối 95 – 100%, nhiệt độ 20°C – 30°C. Người ta quan sát thấy các bào tử của C. gloeosporioides  nảy mầm trong vòng 2h sau khi lây nhiễm nhân tạo với điều kiện tối thích như trên.8

Bào tử thường không nảy mầm tại chỗ (ngay tại vết bệnh) mà nhờ những giọt nước mưa hoặc nước tưới bắn đến các vị trí khác. Ở đó quá trình nảy mầm mới xảy ra. Chính vì thế mà người ta coi các bào tử nấm gây bệnh thán thư là nguồn lây lan thứ cấp. Trong điều kiện bình thường, bào tử phân tán do mưa vẫn còn trên bề mặt cây trồng có thể duy trì khả năng gây bệnh cho cây trong khoảng thời gian trên 7 ngày (Estrada et al., 1993). 

Nước (nước mưa, nước tưới) là điều kiện tối cần thiết cho quá trình xâm nhiễm và lây lan của nấm bệnh có sẵn ở trên cây hoặc trên tàn dư.5,6,7 Độ ẩm trên lá rất cần thiết để đảm bảo thực hiện các nhu cầu của một quá trình xâm nhiễm. Ở nhiệt độ trong phạm vi 20°C – 25°C thì độ ẩm trên lá vẫn cần duy trì trong khoảng thời gian 12h.18 Những vết thương trên quả không phải là quá cần thiết cho quá trình lây nhiễm nhưng ẩm ướt là không thể thiếu cho sự nảy mầm bào tử.6

Nhiệt độ khoảng 27°C là nhiệt độ tối ưu cho sự phát triển bệnh, mặc dù quá trình này có thể xảy ra ở cả nhiệt độ cao hơn và thấp hơn (10°C – 30°C).5

Ngoài ra, gió cũng là yếu tố góp phần phân tán nấm bệnh trên đồng ruộng. Con người có thể di chuyển các bào tử nấm cùng với dụng cụ lao động trong quá trình xử lý các cây bị nhiễm bệnh.

Quả ớt bị lây nhiễm thường do bào tử của nấm từ các nguồn bệnh bị nước mưa bắn văng đến. Do đó, thiệt hại cho ớt trong mùa mưa thường nặng hơn. Với những quả mọc phía dưới gần mặt đất thường có nguy cơ bị xâm nhiễm cao hơn những quả phía trên.

Cây ớt dễ bị bệnh nhất trong giai đoạn ra hoa đến thu hoạch.

Đất thoát nước kém cũng tạo điều kiện cho bệnh lây lan.

Thời tiết nắng nóng buổi chiều và mưa buổi tối tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển bệnh thán thư.

Để quản lý dịch hại cần áp dụng các biện pháp:

Biện pháp canh tác

Tất cả tàn dư thực vật cần đươc thu gom và tiêu hủy ngay lập tức sau mỗi vụ. Hãy nhớ rằng, mầm bệnh có thể tồn tại (mặc dù không phải là rất tốt) trong đất  nhiều năm. Tiến hành cày sâu. 

Xử lý hạt giống cẩn thận trước khi gieo bầu bằng nước nóng 52°C trong vòng 30′ hoặc bằng thuốc hóa học. Chú ý hạt giống tươi ngay sau thu hoạch chống chịu với xử lý nhiệt tốt hơn so với một hoặc hai tuổi giống.

Loại bỏ ngay từ ban đầu những cây con bị bệnh ngay khi mới ra bầu. Đối với những cây trưởng thành nếu bị nhiễm bệnh (tức là, điểm nóng tại chỗ) thì cần được nhổ bỏ ngay là rất quan trọng cho việc quản lý bệnh thán thư ớt. Nếu một “điểm nóng” được phát hiện ngay từ đầu mùa, tất cả trái cây (của bất kỳ kích thước) ở các khu vực bị nhiễm và từ các cây gần kề nên loại bỏ ngay lập tức. 

Thực hiện luân canh với những cây không thuộc họ cà, bầu bí, dâu tây,….

Tránh tưới kiểu phun mưa. Nên tưới vào buổi sáng để hạn chế độ ẩm duy trì lâu trên lá, quả. Sử dụng nguồn nước ngầm sâu, không bị lây nhiễm bởi nấm bệnh thán thư. 

Sử dụng các giống chống chịu, giống kháng sẵn có ở địa phương.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)

D.A.M

Tài liệu tham khảo