Phấn trắng

Giới thiệu chung

Đây là loại bệnh phổ biến và là một bệnh hại phải chi phí nhiều nhất trong vụ đông xuân và xuân hè ở tất cả các vùng trồng cây thuộc họ bầu bí như: dưa chuột, dưa lê, dưa hấu, bầu, bí, mướp đắng (khổ qua)... Bệnh gây hại nặng cả cây trồng trong nhà kính, nhà màng và ngoài đồng ruộng.    

1.1 Triệu chứng  

Bệnh phát sinh và gây hại ngay từ thời kỳ cây con. Ban đầu trên lá xuất hiện những chấm nhỏ mầu vàng chanh, dần dần xuất hiện một lớp nấm trắng như bột phấn  ở mặt trên của phiến lá (không bị giới hạn bởi gân lá). Lá bị bệnh chuyển dần từ màu xanh sang mầu vàng rồi phiến lá bị khô cháy và dễ rụng. Bệnh nặng lớp phấn trắng xuất hiện trên cả thân, cành, hoa, quả non. 

Bệnh gây hại chủ yếu ở mặt trên của phiến lá, nhưng trong điều kiện thuận lợi cũng quan sát thấy lớp phấn trắng ở mặt dưới của lá. Cây bị bệnh sinh trưởng yếu, phẩm chất kém, năng suất thấp.

Trên đồng ruộng triệu chứng bệnh ở mặt dưới của lá có thể nhầm lẫn với bệnh giả sương mai. Trên cây họ bầu bí bị bệnh phấn trắng người ta cũng quan sát thấy đồng thời có cả bệnh giả sương mai. (xem phần bệnh giả sương mai)

bi do phan trang nong duoc bi do phan trang nong duoc dua chuot phan trang nong duoc
Bệnh phấn trắng ở mặt dưới của lá bí đỏ Bệnh phấn trắng trên mặt trên của lá bí đỏ Bệnh phấn trắng trên dưa chuột

 

dua chuot phan trang nong duoc bau phan trang nong duoc
Cây dưa chuột bị bệnh phấn trắng và giả sương mai Bệnh phấn trắng trên lá bầu

 

phan trang kho qua muop dang nong duoc phan trang bi ngoi
Bệnh phấn trắng trên mặt trên của lá mướp đắng (khổ qua) Bệnh phấn trắng trên cây bí ngồi

1.2 Nguyên nhân 

Nấm bệnh phấn trắng trên cây họ bầu bí thường được biết đến với tên gọi Erysiphe xanthii(1845) hoặc Erysiphe cichoarcearum. Sau đó tác giả L.Junll đặt tên synonym là Sphaerotheca xanthii. Nấm phấn trắng có kích thước bào tử vô tính, 25-45 x 14-22 µm. Tế bào chân đế hình trụ, thẳng hoặc uốn cong có kích thước 30-100 x 10-13 µm.

 

Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của nấm phấn trắng trên bầu bí:

A, Bào tử; B, cành bào tử; C, Sợi nấm; D, ascoma (Thể sinh quả thể); E, appendages (phần đuôi phụ); F, Túi bào tử và bào tử túi.

(Hình vẽ minh họa của tác giả H.-D. Shin)

Năm 2015, các tác giả Lê Thị Thanh Tâm (Viện Bảo vệ thực vật) Yukio Sato (Đại học Toyama, Nhật Bản), Susumu Takamatsu (Đại học Mie, Nhật Bản) tiến hành thu thập, nghiên cứu đặc điểm hình thái của nấm và tiến hành Phản ứng PCR nhân vùng ITS nấm phấn trắng trên một số cây thuộc họ bầu bí với cặp mồi chung ITS5, ITS4. Các tác giả kể trên ghi nấm phấn trắng gây hại trên các cây họ bầu bí ở vùng Hà Nội và phụ cận đều thuộc chi Podosphaera chủ yếu căn cứ vào khóa phân loại bào tử vô tính của nấm, nảy mầm có ống mầm dạng đĩa. (kiểu Fibroidium, dạng brevitubus) (xem hình minh họa). Giai đoạn hữu tính của các chủng nấm phấn trắng gây hại trên bầu bí mà đặc trung nhất là quả thể của nấm tới nay chưa được tìm thấy ở Việt nam cũng như ở các  nước có khí hậu nhiệt đới khác.

A. Triệu trứng bệnh phấn trắng trên lá cây dưa chuột; 

B. Giác bám dạng núm mọc trên sợi nấm; 

C. Cành bào tử phân sinh dạng chuỗi với fibrosine xuất hiện trong bào tử vô tính conidia; 

D. Bào tử vô tính nấm phấn trắng nẩy mầm có dạng hình dĩa (Fibroidium, subtype brevitubus) 

(Ảnh của tác giả Lê Thị Thanh Tâm)

Dựa trên kết quả phân tích đặc điểm hình thái, giải mã trình tự gen và phân tích phả hệ, nhóm tác giả trên đã thông báo bệnh phấn trắng cây dưa chuột và mướp đắng (khổ qua) ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng do nấm Podosphaera xanthii (Castagne) U. Braun & Shishkoff, 2000 gây ra. 

1.3 Phát sinh gây hại 

Nấm phấn trắng trên bầu bí phát triển thuận lợi trong điều kiện ấm và ẩm. 

Nhiệt độ phù hợp trên 20˚C, tối thích ở nhiệt độ 24 - 28˚C  

Ẩm độ không khí cao trên 80% thuận lợi cho bệnh phát triển. Nấm phấn trắng có thể phát sinh và gây hại khi ẩm độ không khí thấp trên 50%.

Bệnh gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây, giai đoạn mẫn cảm với bệnh là khi cây bắt đầu ra hoa và đậu quả.

Trồng mật độ cao và bón nhiều phân đạm thuận lợi cho bệnh phát triển.

Ở các tỉnh phía Bắc, cây họ bầu bí ở đông xuân và vụ xuân  hè thường bị nặng hơn các vụ khác. Vụ Xuân hè thường có sương mù, mưa phùn ở vùng đồng bằng và trung du bắc Bộ bệnh thường gây hại nặng.

Ở các tỉnh phía Nam, bệnh gây hại nặng trong điều kiện vụ đông xuân, vùng  có nhiệt độ ngày và đêm chệnh lệch cao thuận lợi cho bệnh phát sinh và gây hại.

Cây họ bầu bí trong nhà kính, nhà màng thường bị bệnh phấn trắng nặng hơn so với trồng trên đồng ruộng.

Một số cây thuộc họ Cúc (Asteracea, họ Đậu đỗ (Fabaceae)...là ký chủ trung gian của nấm phấn trắng hại bầu bí.

Biện pháp canh tác

Chọn giống tốt, sạch bệnh, có khả năng kháng bệnh.

Mật độ trồng thưa hợp lý để cải thiện tiểu khí hậu đồng ruộng  khi cây giao tán. 

Bón phân N.P.K cân đối, khi bệnh chớm phát nên ngừng bón phân đạm.

Dọn sạch cỏ dại trong luống, tỉa bỏ bớt các chồi, nhánh  phía trên giàn  để tạo thông thoáng.

Cắt tỉa lá già, lá bị bệnh  và tiêu hủy.  

Tỉa bỏ bớt lá bị bệnh, thu gom và tiêu hủy.

Biện pháp thuốc BVTV

Thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm triệu chứng tác hại của bệnh.

Khi bệnh chớm phát sinh và gây hại có thể sử dụng thuốc trừ nấm chứa hoạt chất: Difenoconazole, Propiconazole + Difenoconazole, Thiophanate - Methyl, Hexaconazole…, phun theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì và phun vào cả mặt trên và mặt dưới của lá.

Đảm bảo thời gian cách ly để sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.

(Liên hệ với chúng tôi).