Cây hồ tiêu

Tổng quan

Cây hồ tiêu (Piper nigrum Linnaeus), thuộc họ tiêu Piperaceae, có nguồn gốc ở vùng Tây Nam Ấn Độ. Cây hồ tiêu phát triển thích hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm vùng xích đạo từ 150 vĩ độ Bắc đến 150 vĩ độ Nam. 

1.1 Tình hình gieo trồng

Hiện nay cây tiêu đã được trồng ở 70 nước trên thế giới. Sản lượng tiêu thế giới đạt khoảng 316.400 tấn. Các nước trồng tiêu với diện tích, sản lượng cao trên thế giới là: Ấn Độ, Srilanca, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Banglades, Brasil, Madagasca, Việt Nam.

Ở Việt Nam cây hồ  tiêu mọc hoang được tìm thấy trước thế kỷ XVI nhưng đến thế kỷ XVII mới được đưa vào trồng. Cuối thế kỷ XX hồ tiêu được trồng với diện tích khá lớn ở Phú Quốc, Hòn Chồng và Hà Tiên (Kiên Giang), đầu thế kỷ XX cây hồ tiêu theo chân các chủ đồn điền người Pháp phát triển lên Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị và Quảng Nam. Tại Tây Nguyên cây hồ tiêu được phát triển mạnh từ sau năm 1975. Đến nay cây hồ tiêu được trồng tại 21 tỉnh từ Quảng Trị trở vào (chỉ tính đối với các tỉnh có quy mô diện tích trồng trên 100 ha). Đến năm 2013, diện tích trồng hồ tiêu cả nước đạt khoảng 60.000 ha (diện tích trồng hồ tiêu có biến động hàng năm theo sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng). Cây hồ tiêu ở nước ta được trồng tập trung chủ yếu tại các vùng như sau:

Đông Nam Bộ chiếm khoảng 45,1% diện tích trồng cả nước (các tỉnh trồng nhiều gồm Bình phước 10.300 ha; Bà Rịa-Vũng Tàu 7.800 ha; Đồng Nai 7.300 ha).

Tây Nguyên chiếm khoảng 35,7% diện tích trồng cả nước (các tỉnh trồng nhiều gồm Đắc Nông 11.200 ha;  Gia Lai và Đắc Lắc mỗi tỉnh trồng khoảng 7.300-7.800 ha; Lâm Đồng và Kon Tum diện tích trồng hồ tiêu không nhiều).

Các tỉnh duyên hải Miền Trung chiếm khoảng 13% diện tích trồng cả nước (các tỉnh trồng nhiều gồm Bình Thuận 2.500 ha; các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên diện tích trồng mỗi tỉnh biến động từ 100 đến 300 ha).

Sản lượng tiêu của Việt Nam đạt khoảng 125.000 tấn, lượng xuất khẩu hàng năm trên dưới 120.000 tấn, sản phẩm hồ tiêu đã xuất khẩu tới 80 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ và Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu tiêu đứng đầu thế giới. 

1.2 Kỹ thuật canh tác

Để cây hồ tiêu phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao người trồng cần áp dụng Quy trình kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu do cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp tại địa phương ban hành dựa trên đặc điểm sinh thái của cây hồ tiêu và điều kiện đất đai cũng như thời tiết khí hậu tại địa phương. Đối với Quy trình chăm sóc cây hồ tiêu giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh người trồng cần nắm vững kỹ thuật then chốt sau: thiết kế đồng ruộng; trụ tiêu và mật độ khoảng cách; trồng tiêu (thời vụ trồng, dựng trụ tiêu); chăm sóc vườn tiêu (buộc dây, làm cỏ, cắt tỉa tạo hình, điều chỉnh ánh sáng, tủ gốc và tưới nước, phân bón và cách bón…); phòng trừ sâu bệnh; thu hoạch.

1.3 Dịch hại chính    

Cây hồ tiêu cũng giống như nhiều loại cây trồng khác thường xuyên bị các dịch hại tấn công gây tổn thất về năng suất và chất lượng sản phẩm. 

Kết quả điều tra cho thấy trên cây hồ tiêu có 12 loại sâu và 17 loại bệnh gây hại. Tuy nhiên đối tượng gây hại cần quan tâm gồm:

Về sâu hại có rệp sáp Pseudococcus sp là sâu hại quan trọng nhất và xuất hiện gây hại ở tất cả các vùng trồng tiêu, nhiều vườn tiêu tỷ lệ bị hại lên tới 80 - 90% số cây. 

Về bệnh hại có bệnh chết nhanh do nấm Phytopthora capsici và Pythium sp; Bệnh chết chậm do nhiếu tác nhân gây ra như: Tuyến trùng vùng rễ, rệp sáp, mối, nấm Fusarium sp. Ngoài ra nhiều mẫu bệnh chết chậm bị gây hại có sự hiện diện của nấm Phytopthora sp Pythium sp; Bệnh gây hại do vi rút và bệnh tuyến trùng Meloidogyne cũng gây hại phổ biến tại các vùng trồng tiêu. 

Bảo vệ tổng hợp

Việc phòng trừ các loại dịch hại trên cây hồ tiêu có ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và phẩm chất sản phẩm. Việc áp dụng Quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây hồ tiêu là xu thế chung hiện nay, biện pháp hóa học là một trong nhiều biện pháp của Quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp. Trong trường hợp phòng trừ dịch hại bằng thuốc hóa học cần được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc đại lý bán thuốc BVTV. (Liên hệ với chúng tôi)