Giới thiệu chung
Rệp sáp có tên khoa học là Pseudococus sp. Trên cây tiêu rệp sáp gây hại tất cả các bộ phận của cây từ thân, lá, quả đến rễ. Rệp sáp hại rễ là đối tượng gây hại nguy hiểm, đã từng gây nạn dịch làm hủy diệt nhiều vườn tiêu tại Đăk Lăk vào những năm trước 1990 và hiện nay chúng cũng là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá, chết cây tại các vùng trồng tiêu ở nước ta.
1.1 Triệu chứng, mức độ hại
Trên mặt đất, rệp sáp thường tấn công gié bông, gié trái, đọt non, kẽ cành, mặt dưới lá tiêu. Chúng chích hút dinh dưỡng làm cho các bộ phận này không phát triển được và khô héo.
Ngoài ra, trên các bộ phận bị gây hại nặng còn xuất hiện nấm muội đen làm cây quang hợp kém, ảnh hưởng đến khả năng đậu quả và chất lượng hạt tiêu. Nếu bị rệp sáp gây hại nặng, cây tiêu sẽ phát triển kém, lá bị vàng, rụng, gié bông, quả non bị rụng, hoặc lép.
Dưới mặt đất, rệp sáp thường chích hút thân ngầm và rễ của cây tiêu, tạo vết thương để nấm xâm nhập và làm thối rễ. Khi có sự hiện diện của nấm cây sẽ chết nhanh hơn. Thường rất khó phát hiện triệu chứng trên thân lá khi cây bị rệp gây hại ở mức độ nhẹ. Cây bị hại nặng thì vàng lá, cằn cỗi, sau đó cây rụng hết lá và chết. Triệu chứng này tương tự như triệu chứng của bệnh chết chậm, vì thế cần kiểm tra rễ của các cây bị vàng lá để xác định nguyên nhân.
Rễ các cây bị rệp nặng thường có măng xông bao xung quanh tạo thành những vùng u lớn, bên trong có rất nhiều rệp sáp. Lớp măng xông này sẽ bảo vệ rệp không bị tác động bởi các điều kiện ngoại cảnh, vì thế khi cây đã có măng xông ở rễ thì rất khó diệt rệp. Rệp sáp thường tấn công vào phần thân ngầm tiếp giáp với mặt đất (cổ rễ) trước, sau đó đến các rễ ngang và rễ chính. Do vậy, đối với các cây có triệu chứng vàng lá nặng, khi kiểm tra cổ rễ nếu không thấy rệp sáp, cần phải đào sâu đến vùng rễ ngang và rễ chính.
1.2 Nhận dạng
Rệp sáp là loài côn trùng chích hút, cơ thể có hình oval hơi tròn, chiều dài 2,5 - 3,5 mm, chiều rộng 1,8 - 2,0 mm, xung quanh cơ thể có 18 cặp tua ngắn, cặp thứ 17 dài hơn các cặp khác. Trên cơ thể của rệp sáp có nhiều bột sáp trắng nhưng vẫn còn vệt ngang theo ngấn các đốt. Nếu gạt bỏ lớp bột sáp ra cơ thể rệp sáp có màu hồng nhạt, nâu nhạt hay vàng nâu.
Rệp non hình bầu dục, mới nở có màu vàng hồng, di chuyển rất nhanh. Sau khi nở vài ngày trên mình rệp xuất hiện một lớp sáp màu trắng. Khi rệp càng lớn thì khả năng di chuyển càng giảm dần, đặc biệt là rệp trưởng thành hầu như không di chuyển.
1.3 Sinh vật học
Rệp sáp thường sinh sản vô tính. Vòng đời của rệp sáp trung bình 40 - 50 ngày.
Rệp sáp là loài côn trùng ăn tạp có thể gây hại trên 2.000 loại cây trồng và cỏ dại.
1.4 Sự phát sinh phát triển
Rệp sáp phân bố ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Trong năm rệp có thể phát triển 6 - 7 lứa.
Rệp sáp lây lan chủ yếu nhờ vào các loài kiến, cây tiêu bị rệp sáp gây hại thường có nhiều kiến. Rệp sáp tiết ra chất thải có hàm lượng đường cao là thức ăn cho nhiều loài kiến, đồng thời chất thải này cũng tạo điều kiện cho nấm muội đen phát triển. Kiến ăn dịch của rệp sáp và mang rệp đi khắp nơi. Ngoài ra rệp sáp còn lây lan qua các con đường khác như: mưa, nước tưới, dụng cụ lao động.
Biện pháp canh tác
Cần chăm sóc vườn cây, cắt bỏ những cành mọc sát mặt đất, vệ sinh đồng ruộng để hạn chế sự lây lan của rệp qua kiến.
Thường xuyên theo dõi và kiểm tra phát hiện rệp sáp, nhất là đối với các vườn đã bị rệp sáp gây hại nặng.
Cắt bỏ các cành nhánh tiêu bị rệp sáp nặng.
Nếu cây đã bị măng xông thì nhổ bỏ, việc phòng trừ giai đoạn này không có hiệu quả bởi vì rễ tiêu đã bị thối không thể hồi phục lại được.
Hạn chế trồng tiêu trên các vùng đất đã bị rệp sáp gây hại nặng.
Biện pháp lợi dụng thiên địch
Khuyến khích sự phát triển của các loài nấm ký sinh và thiên địch bằng cách chỉ phun thuốc khi cần thiết và chỉ phun những cây nào có rệp.
Biện pháp thuốc BVTV
Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.
(Liên hệ với chúng tôi)