Bọ cánh tơ

Giới thiệu chung

Bọ cánh tơ hại chè có tên khoa học là Mycterothrips setiventris, họ Thripidae, bộ cánh tơ (Thysanoptera).

Bọ cánh tơ là dịch hại quan trọng trên chè, gây hại nghiêm trọng đến năng suất và phẩm chất chè.

1.1 Triệu chứng, mức độ hại

Bọ cánh tơ có kiểu miệng giũa hút, cả sâu non và trưởng thành bám ở mặt dưới lá non, tôm chè và trên cọng búp để gây hại, làm cho mặt dưới lá và trên cọng búp nổi lên hai đường sần sùi màu nâu xám song song với gân chính, ngoài ra chúng còn gây hại trên cành non đoạn gần chồi gây vết nhám trên bề mặt cành.

Chỉ cần một vài con bọ cánh tơ vẫn có thể làm giảm chất lượng búp chè, búp chè bị hại sẽ bị khô, giòn dễ vỡ vụn, chè chế biến sẽ có vị đắng hơn, pha chè nước bị vàng kém xanh. 

Khi chè bị bọ cánh tơ hại nặng, lá và tôm chè bị rụng sớm, lá non bị biến dạng, các mầm non héo thâm và ảnh hưởng đến năng suất búp chè lứa tiếp theo. 

Búp chè bị hại có biểu hiện cứng, lá dày màu xanh sẫm, có thể lá bị nhăn hoặc biến dạng, sau khi chế biến chè có vị đắng. Nước chè vàng hơn không có màu xanh đặc trưng.

Cành chè bị hại Lá chè bị hại Búp chè bị hại nặng  Các lá phía dưới và mép lá bị cháy

1.2 Nhận dạng

Trưởng thành cơ thể màu vàng, lưng và cánh màu xám nhạt, hai mắt kép màu nâu đen, có 3 mắt đơn màu đỏ xếp chụm vào nhau theo hình tam giác. Bụng có 10 đốt. Râu đầu 6 đốt, trên râu có lông thưa, ngắn và cứng. Cơ thể dài 0,8 - 1 mm. Trên cơ thể có lông thưa.

Trứng hình hạt đậu, lúc mới đẻ có màu trắng, đẻ ở trong mô lá non và mầm non. Trứng dài 0,15 mm, rộng 0,11 mm.

Sâu non có 2 tuổi. Hình dáng giống như trưởng thành nhưng không có mắt đơn và không có cánh, cơ thể nhẵn bóng, chỉ ở đốt cuối bụng có lông thưa. Tuổi 1 dài 0,3 - 0,5mm, lúc mới nở màu trắng trong, sau chuyển dần thành màu nâu đỏ, bụng thuôn. Tuổi 2 cơ thể dài 0,5 - 0,65mm màu vàng, bụng phình to hơn tuổi 1.

Tiền nhộng kích thước 0,6 - 0,7mm. Giai đoạn này được nhận biết nhờ hai mầm cánh. Đôi cánh trước kéo dài đến giữa đốt bụng thứ 3. Toàn cơ thể có lông trắng thưa. Hai mắt kép màu nâu đỏ.

Nhộng dài 0,7 - 0,8mm. Hai mắt kép to và nhỏ. Nhộng phân biệt với tiền nhộng nhờ đôi mầm cánh trước kéo dài đến đốt bụng thứ 8 và râu đầu quặt chặt về phía sau. Các lông cứng trên cơ thể dài hơn ở giai đoạn tiền nhộng.

1.3 Sinh vật học

Thời gian sinh trưởng phát dục của các pha phụ thuộc vào nhiệt độ. Trong điều kiện nhiệt độ trung bình 20 - 280C, vòng đời 12 - 22 ngày.

Trứng: 5 - 8 ngày; sâu non: 2 - 7 ngày; tiền nhộng: 1 - 1,5 ngày; nhộng 2 - 2,5 ngày; trưởng thành - đẻ trứng: 2 -3 ngày.

Thời gian đẻ trứng kéo dài từ 5 - 6 ngày, số sâu non được sinh ra từ một cặp trưởng thành là 38 - 59 con.

Bọ cánh tơ là loài đa thực, ngoài chè còn gây hại trên nhiều cây trồng khác như lúa, mía, họ bầu bí, họ cà...

Vòng đời Bọ cánh tơ

1.4 Sự phát sinh phát triển

Bọ cánh tơ phân bố ở hầu hết các vùng trồng chè ở Việt Nam và và một số khu vực trồng chè ở Nam Á.

Bọ cánh tơ thường ít di động, sống chủ yếu ở mặt sau lá rất non và ở khe hở của tôm chè. Trứng của chúng đẻ từng quả vào mô lá gần gân lá. 

Bọ cánh tơ thường phát triển mạnh trong thời tiết khô, nóng, mỗi năm bọ cánh tơ gây hại 2 đợt chính:

Đợt 1: từ tháng 4 đến tháng 8, đợt này chè đang ra lá mới nên bọ cánh tơ gây hại nặng.

Đợt 2: khoảng từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11, đợt này gây hại ít và thường trên diện hẹp.

Một đặc tính rất đáng chú ý đối với bọ cánh tơ là chúng thường bay lên cao khỏi mặt ruộng vào lúc sẩm tối (gọi là "bốc bay"), vì vậy chúng có thể phát tán khá xa trên đồng ruộng nhờ gió.

Thiên địch của bọ cánh tơ rất đa dạng bao gồm: bọ rùa đỏ (Micraspis discolor Fabr.), bọ rùa hofmani (Scymnus hoffmani Weis.), bọ rùa đen nhỏ (Stethorus sp.), kiến ba khoang (Paederus fuscipes Cur.), bọ cánh cộc (Oligota sp.); bọ trĩ bắt mồi (Scolothriips sexmacultus); ruồi ăn rệp (Ischiodon scutellaris Fabr.); nhện lướn bắt mồi, nhện nhỏ bắt mồi (Amblyseius sp.); ong ký sinh kén trắng (Apanteles spp.), ong ký sinh nhộng (Xanthopimpla spp.).

Biện pháp canh tác

Trồng và chăm sóc cây chè khoẻ mạnh để có thể chống chịu được bọ cánh tơ.

Kiểm tra nương chè thường xuyên.

Hàng năm cày đất để diệt nguồn bọ cánh tơ cư trú trong đất.

Trồng cây che bóng.

Tưới nước giữ ẩm cho nương chè.

Dùng vật liệu phủ kín đất xung quang gốc chè không để rễ chè lộ lên trên mặt đất.

Bón phân đầy đủ cân đối giữa đạm, lân, kali để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, không để cây chè bị thiếu dinh dưỡng, còi cọc.

Hái chè thường xuyên, triệt để để loại bỏ trứng, bọ cánh tơ non và trưởng thành.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Bảo vệ các loại thiên địch trên nương chè. Trồng cây che bóng để thiên địch có chỗ cư trú. Hạn chế sử dụng thuốc hóa học, nếu cần thiết chỉ nên sử dụng các thuốc ít độc, có phổ tác động hẹp, ít ảnh hưởng đến thiên địch.

Nghiên cứu áp dụng việc nuôi lượng lớn một số loài bắt mồi ăn thịt (bọ rùa, bọ cánh cộc Oligota sp., nhện nhỏ Amblyseius sp.,...) và thả vào hệ sinh thái cây chè.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)