Cây lạc

Tổng quan

Lạc là một cây họ đậu (Fabaceae) được con người trồng trọt ngày nay có nguồn gốc từ những cây họ đậu hoang dã được chọn lọc tự nhiên và nhân tạo hàng ngàn năm. Việc thuần hóa nhân tạo ban đầu có thể đã diễn ra ở tây bắc Argentina hoặc ở đông nam Bolivia, nơi mà các giống lạc với các tính năng nhất hoang dã đang được trồng.     

Những di tích khảo cổ lâu đời nhất cho biết lạc đã xuất hiện vào khoảng 7.600 năm trước đây. Nhiều nền văn hóa thời tiền Colombo, chẳng hạn như Moche (tên gọi nền văn hóa Moche được lấy từ tên của dòng sông Moche chảy qua miền này. Nơi đây từng là trung tâm nền văn hóa Indian cổ xưa nhất châu Nam Mỹ, xuất hiện vào năm 100 sau Công nguyên, sớm hơn nền văn hóa Inca 1200 năm) đã miêu tả lạc trong các tác phẩm hội họa.1 

Các nhà thám hiểm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã đem lạc tới châu Phi và sau đó là Tây Nam Ấn Độ vào thế kỷ 16. Từ đó cây lạc phát triển mạnh ở nhiều nước châu Phi và đã được đưa vào nền văn hóa ẩm thực phẩm truyền thống của nhiều vùng, miền ở lục địa này. Cây lạc đã đến Trung Quốc, Indonesia, Madagascar do thương nhân người Bồ Đào Nha và các nhà truyền giáo người Mỹ trong thế kỷ 17, 19. Từ đó nó lan rộng ra khắp châu Á. 

Hiện nay lạc có khoảng 1000 giống khác nhau được trồng khắp các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Do ít mẫn cảm với thời gian chiếu sáng và có tính chịu hạn tốt cho nên lạc được trồng từ 40oN đến 40oS (Nigam và công sự, 1991).

Các nước có sản lượng lạc lớn trên thế giới năm 2014 bao gồm: Trung Quốc – 15.7; Ấn Độ – 6.6; Nigieria – 3.4; Mỹ - 2.4; Sudan – 1.9 (đơn vị triệu tấn). (Nguồn UN FAOSTAT). Nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ – chiếm 31% xuất khẩu của thế giới, Hoa Kỳ – 21%, Argentina  – 10% và Hà Lan – 8%. Liên minh châu Âu nhập khẩu 32,5% lạc vỏ của thế giới.1     

Lạc là một trong những cây có hạt chứa dầu được loài người biết đến từ nhiều thế kỷ. Các hạt lạc nhân rất giàu protein, chất béo và các chất dinh dưỡng lành mạnh khác nhau, rất giàu năng lượng (567 calo mỗi 100 g), khoáng chất, chất chống oxy hóa và vitamin cần thiết cho sức khỏe. 

Các sản phẩm dinh dưỡng khác nhau được làm từ lạc bao gồm dầu, bơ, bột và protein lạc,... Nhiều sản phẩm bánh, kẹo cũng sử dụng lạc nhân làm nguyên liệu. Lạc được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm từ luộc, rang, nước sốt,...ở hầu hết các nước trên thế giới. Phụ phẩm sau chế biến dầu lạc được coi là nguồn dinh dưỡng quý giá trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thân cây sau thu hoạch có thể sử dụng để làm thức ăn tươi cho gia súc hoặc cày vùi tại ruộng là nguồn phân hữu cơ hữu ích. Trong công nghiệp các sản phẩm như sơn, véc ni, dầu bôi trơn và nitroglycerin được làm từ dầu lạc. Xà phòng và nhiều mỹ phẩm chứa dầu lạc và các dẫn xuất của nó. Vỏ lạc được sử dụng trong sản xuất nhựa, tấm ốp tường và keo,...

Ở Việt Nam lạc được trồng tập trung ở các tỉnh trung du Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên,...Trong năm 2013 diện tích lạc là 216 ngàn ha, năng suất trung bình khoảng 2 tấn/ ha, tổng sản lượng khoảng 492 ngàn tấn (số liệu Tổng cục Thông kê).

2. Đặc tính thực vật

Thân, cành:

Lạc là cây thân thảo hàng niên, thân đứng hoặc bò, cao khoảng 50 – 70cm tùy theo giống và điều kiện tự nhiên. Thân có 15 – 25 đốt, ở phía dưới gốc đốt ngắn, ở giữa và phía trên thân đốt dài hơn. 

Lạc phân cành ở nhiều cấp khác nhau. Tuy nhiên, số hoa để hình thành quả tập trung 70 – 80% ở các cành cấp 1, 2. Các cành ra sau sẽ ảnh hưởng xấu đến số lượng củ (quả) và chất lượng củ.    

Lá:

Lá kép mọc đối, hình lông chim với bốn lá chét. Giống như nhiều loại đậu khác, lá có tính ứng động ban đêm (nyctinastic) – thường khép lại vào ban đêm. 

Hoa:

Hoa chùm mọc từ nách lá. Dạng hoa đậu điển hình màu vàng có điểm gân đỏ, là hoa lưỡng tính. 

Sau khi tự thụ phấn, cuống hoa dài ra hình thành nên tia củ, đâm xuống đất và phát triển thành củ. Tia củ thường không dài quá 15cm. Do đó, khả năng hình thành củ của những hoa ở các cành ra sau rất thấp. 

Củ (quả):

Không giống như hầu hết các loại cây khác, cây lạc có hoa ở trên mặt đất, nhưng quả (củ) lại ở dưới mặt đất. Sau khi đâm vào đất, các phôi ở đầu tia củ xoay ngang, phát triển thành vỏ củ. Bên trong vỏ, các hạt lạc nhân cũng dần hình thành. Củ thường chứa bên trong 1 – 4 hạt với các màu sắc khác nhau tùy theo giống. Thông thường có 2 hạt. 

Hạt gồm vỏ lụa bao bọc bên ngoài, phôi với hai lá mầm và một trục thẳng. Sau khi hoa nở được 30 ngày thì vỏ quả hình thành xong và sau 60 ngày hình thành hạt. Lớp vỏ quả trong giữa noãn và vỏ quả ngoài lớn nhanh làm thành 1 tầng mô mềm rất dầy. Sau đó, sang giai đoạn hình thành hạt, noãn càng lớn lên thì vỏ quả trong càng xẹp đi và biến mất khi hạt già.

Rễ:

Rễ cọc, có nhiều rễ phụ. Đại bộ phận rễ con phân bố ở tầng đất mặt 0 – 30cm (chiếm 60 – 80% trọng lượng). Trên rễ hình thành những nốt sần là kết quả cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm (rhizobium), cho nên rễ có khả năng lấy khí nitơ (N2) trong không khí và chuyển hóa nó thành các dạng chất mà cây có thể hấp thụ được (NO3 hay NH3).

Cây lạc trải qua những thời kỳ sau:

Thời kỳ nảy mầm: Trong điều kiện nhiệt độ, ẩm độ phù hợp lạc có thể nẩy mầm nhanh chóng sau khoảng 3 – 5 ngày.

Thời kỳ cây con: Thời kỳ này bắt đầu từ hình thành lá mầm đầu tiên cho đến thời điểm cây lạc bắt đầu ra hoa. Đây là thời kỳ cây lạc phát triển chiều cao và phân cành. Khi cây con có ba lá mầm thì từ nách của hai lá mầm cho ra cặp cành thứ nhất. Khi cây con có năm lá thì từ cặp cành thứ nhất cho ra bốn cặp cành phụ cấp hai và từ thân mọc ra cành thứ ba và thứ tư. Tuy nhiên, hiệu quả đậu củ của những cành cấp 1, 2 là cao hơn nhiều các cành ra sau. 

Thời kỳ ra hoa và tia củ: Khoảng 30 – 40 ngày sau khi trồng thì hoa bắt đầu xuất hiện (tùy thuộc vào nhiệt độ và giống). Hoa hình thành từ trong gốc ra phía ngoài và lần lượt từ các cành cấp 1, 2 và các cấp cành sau đó. Khi quá trình tự thụ phấn kết thúc các cánh hoa tự rụng. Đầu vòi nhụy kéo dài hình thành tia củ phát triển hướng đất để hình thành củ. Quá trình này kéo dài khoảng 5 – 7 ngày sau khi hoa tự thụ phấn xong. 

Thời kỳ củ phát triển và thu hoạch: Khi củ hình thành (khoảng 7 ngày sau khi tia củ đâm vào đất) và phát triển thì cây vẫn ra hoa tiếp nhưng cây thì sinh trưởng chậm lại, bắt đầu xuất hiện vàng lá kéo dài cho đến thu hoạch. Hoa lạc ra không đều nên củ cũng chín với thời gian khác nhau. Vỏ lạc và nhân phát triển và trưởng thành trong khoảng thời gian từ 60 đến 70 ngày tiếp theo khi đâm vào đất. 

3. Kỹ thuật canh tác

Chọn đất, chuẩn bị đất:

Đất phải tơi xốp, thoát nước nhanh. Đất thịt pha cát là thích hợp nhất cho trồng lạc, vì vừa giúp việc làm đất dễ dàng lại thuận lợi cho lạc đâm tia và thu hoạch.  pH phù hợp khoảng 5.5 – 7. 

Đất được cày bừa kỹ, sạch cỏ dại. Luống lên cao 30cm. Rộng 60 – 70cm (trồng 2 hàng dọc) hoặc 1.2  – 1.4m (trồng 4 hàng dọc), hàng cách nhau 25 – 30cm.

Lượng dinh dưỡng nguyên chất sử dụng để bón cho 1 ha : 6 – 8 tấn phân hữu cơ hoai mục, 20 – 40kg N, 50 – 80kg P2O5, 60 – 90kg K2O, 300 – 500kg vôi bột. Cách thức bón như sau:

+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, lân (ủ lẫn với phân chuồng) + 1/2 lượng đạm bón lót theo hốc, 1/2 lượng vôi bón vãi khi cày bừa làm đất.

+ Bón thúc:  khi cây có 3 – 4 lá thật bón toàn bộ kali + 1/2 lượng đạm còn lại. Lượng vôi bột còn lại bón vào gốc lạc khi cây ra hoa rộ.

Gieo hạt, mật độ:

Hạt giống (để nguyên củ) trước khi gieo phơi lại 2 – 3 nắng nhẹ. Chỉ bóc vỏ khi chuẩn bị gieo. Lượng hạt giống khoảng 220 – 250kg/ha. Hạt giống có thể ngâm ủ hoặc gieo trực tiếp. Độ sâu gieo hạt 3 – 5cm. Nếu đất mặt ẩm, hạt giống được đặt ở độ sâu nông hơn thường nảy mầm nhanh chóng. Vì hạt lạc có kích thước lớn, nên để nảy mầm độ ẩm phải cao hơn với hầu hết các loại cây trồng khác. 

Chăm sóc:

Khi cây có 2 – 3 lá thật (sau mọc 10 – 12 ngày) xới phá váng, không vun để tạo độ thoáng dưới gốc, giúp cành cấp 1 phát triển. Làm cỏ kết hợp dặm cây chết.

Khi cây có 7 – 8 lá thật trước khi ra hoa (sau mọc 30 – 35 ngày) làm cỏ kết hợp xới sâu 5 – 6 cm giữa hàng, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, tạo điều điên cho tia củ thâm nhập vào đất được dễ dàng. Chú ý không vun gốc.

Khi lạc ra hoa rộ 7 – 10 ngày (có khoảng > 50% số hoa nở) thì xới và kết hợp vun gốc. Bón nốt số vôi còn lại vì đây chính là giai đoạn mà cây lạc hấp thu Ca cao nhất để giúp cho quá trình hình thành củ.

Tùy thuộc vào điều kiện đất đai và thời vụ mà chế độ tưới khác nhau. Lạc có phần chịu hạn ở một số giai đoạn phát triển nhất định. Tuy nhiên, giai đoạn ra hoa rộ và đâm tia, nước tưới là không thể thiếu được. Việc hấp thu Ca của cây ở giai đoạn này phụ thuộc vào lượng nước cây hấp thụ hàng ngày. 

Trước thu hoạch khoảng 7 – 10 ngày dừng hẳn việc tưới. Độ ẩm đất quá cao trong thời gian này sẽ ảnh hưởng đến sự tích lũy vật chất vào củ, dễ làm cho hạt nảy mầm hoặc tạo điều kiện cho bệnh thối gốc (héo rũ gốc mốc trắng) – Sclerotium rolfsii, thối đen do các nấm Rhizoctonia, Pythium,... gây hại củ.

Sclerotium rolfsii Rhizoctonia sp. Pythium sp.

Thu hoạch:

Thời điểm thu hoạch và trưởng thành của lạc là những tiêu chí quan trọng để xác lập nên chất lượng hạt. Sau khoảng 120 đến 130 ngày sau trồng lá chuyển sang màu vàng và bắt đầu tàn lụi thì có thể thu hoạch. Thông thường nếu có > 80 – 85% củ lạc chín thì nên tiến hành thu hoạch. Đối với lạc để làm giống thì có thể sớm hơn.

Một phương pháp phổ biến để xác định độ chín của lạc là hãy quan sát màu sắc bề mặt bên trong của vỏ. Khi hạt chín lớp vỏ bên trong trở nên xám và biến thành màu nâu tối. Còn bên ngoài, có sợi gân nổi rõ trên bề mặt vỏ.

Bảo quản:

Độ ẩm của lạc mới thu hoạch là 25 – 30%. Do đó cần phải phơi để độ ẩm hạt giảm xuống 10% trước khi bảo quản. Với độ ẩm > 10% thì nấm mốc Aspergillus flavus (nguồn gốc hình thành độc tố aflatoxin) phát triển mạnh.

4. Dịch hại chính

Bệnh hại:

Bệnh hại trên lạc là những đối tượng nguy hiểm dễ gây ra những thiệt hại lớn. Ở thời kỳ nảy mầm và cây con, một tập đoàn nấm đất như Aspergillus, Rhizoctonia, Pythium, và các loài Fusarium có thể tấn công hạt giống hoặc cây con gây hiện tượng héo rũ (chết ẻo). Ở giai đoạn này còn có vi khuẩn (Ralstonia solanacearum) gây bệnh héo xanh vi khuẩn. Các thời kỳ sinh trưởng và phát triển sau đó có các bệnh đốm đen lá (Cercospora personata), bệnh đốm nâu lá (Cercospora arachidicola), gỉ sắt (Puccinia arachidis), thối gốc – héo rũ gốc mốc trắng – (Sclerotium rolfsii ),...Từ thời kỳ hình thành củ cho đến thu hoạch có ba loài nấm phổ nhất liên quan đến thối củ là Pythium sp., Rhizoctonia solani, Sclerotium rolfsii. 

Sâu hại: 

Côn trùng là thường không phải là một vấn đề lớn đối với sản xuất lạc. Khi mới gieo lạc thường bị kiến, dế hại. Khi cây con mới mọc thường bị sâu xám (Agrotis sp.) gây hại. Những giai đoạn sinh trưởng, phát triển sau đó cây lạc thường có các loại chích hút (bọ trĩ, rầy, rệp, nhện đỏ) và các loại miệng nhai (sâu khoang, sâu xanh, sâu đo, châu chấu,...) xuất hiện gây hại. Nhưng thiệt hại của chúng thường không bằng các loại bệnh hại. 

Cỏ dại:    

Các loại cỏ hàng năm xuất hiện trên ruộng lạc từ đầu vụ đến khi thu hoạch. Chúng cạnh tranh dinh dưỡng với lạc. Luân canh là rất cần thiết trong các chương trình kiểm soát cỏ dại vì một số cỏ dại khó được kiểm soát trên ruộng lạc lại có thể dễ dàng kiểm soát bởi phương pháp quản lý cỏ dại thông thường (ví dụ sử dụng thuốc diệt cỏ) trên các cây trồng khác.

Sử dụng thuốc trừ cỏ sau nảy mầm ngay từ đầu vụ có hiệu quả cao nhất khi cỏ dại còn non và khả năng cạnh tranh sinh trưởng với lạc là lớn nhất.

Tài liệu tham khảo

1. Peanut - Wikipedia https://en.wikipedia.org/wiki/Peanut

D.A.M

Một số bài thuốc hay từ lạc