Thối gốc

Giới thiệu chung

(Sclerotium rolfsii Sacc.)

Trong thâm canh lạc, một số loại nấm có nguồn gốc từ đất (soilborne): Botrytis cinerea, Pythium spp., Rhizoctonia solani, Sclerotium rolfsii, Verticillium dahlia,… là những tác nhân đem lại những thiệt hại lớn cho năng suất. 

Hình 1: Những cây lạc không bị bệnh (bên trái) và những cây bị bệnh (bên phải) do S. rolfsii (Ảnh: Clint Thompson/UGA).

Trong số bệnh hại này, bệnh Thối gốc (tên thường gọi trong các ấn phẩm ở trong nước là Héo rũ gốc mốc trắng) do Sclerotium rolfsii Saccardo là một đối tượng đang được quan tâm nhiều bởi mức độ gây hại trên lạc cũng như phạm vi ký chủ rộng rãi và sự phân bố mang tính toàn cầu của nó. 

Có ít nhất 500 loài trong 100 họ thực vật bị S. rolfsii gây hại.1,4 Các ký chủ phổ biến nhất là cây họ đậu, họ thập tự và họ bầu bí. Ngoài ra, sự gây hại của nó còn hiện diện trên: cỏ linh lăng, amaryllis (amaryllis là chi thực vật có hoa trong họ Amaryllidaceae)*, atisô, chuối, đậu, củ cải, cải bruxen, bắp cải, dưa đỏ, cà rốt, súp lơ, cần tây, hoa cúc, cà phê, bông, dưa chuột, cây phi yến*, escarole (Rau cúc đắng hay diếp xoăn là loài rau ăn lá thuộc họ Cúc)*, tỏi, gừng, bầu, iris (là cây hoa thuộc Chi Diên vĩ là một chi hoa có vẻ đẹp rất được ưa chuông)*, rau diếp, xoài, dưa thơm, mù tạt, hoa thủy tiên, hành tây, rau mùi tây, đậu phộng, dứa, khoai tây, quả bí, củ cải, đại hoàng, đậu tương, bí, thuốc lá, tulip, củ cải và khoai mỡ.6 Hoặc những cây hoa trồng và hoang dã như: chi ô rô bà (aucuba. Họ Aucubaceae)*, forsythia (cây hoa họ Oleaceae)*, đỗ quyên, cẩm tú cầu, cây hoa kim ngân*, conyzoides (cây cỏ lào), thu hải đường, đẩu, Echinacea (Echinacea là một chi thực vật có hoa trong họ Cúc)*, Zinnia (là một chi thực vật có hoa thuộc họ Cúc: Asteraceae)*, cúc vạn thọ, hoa, cây dã yên thảo* và giống cây bách nhựt*.1 (*: xem ảnh ở cuối bài).

Nhiều loại cỏ dại cũng là các ký chủ phụ có thể duy trì sự tồn tại của S. rolfsii.1,6

Năm 1892, Peter Henry Rolfs đầu tiên công bố mô tả của một căn bệnh mới trên ruộng cà chua ở Florida (Mỹ) đã cho thấy một sự tổn thất > 70%. Sau đó loại nấm gây hại này được đặt tên là Sclerotium rolfsii bởi một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về nấm người Ý – Pier Andrea Saccardo – năm 1911. Sau đó mô tả của bệnh này ở Connecticut, Louisiana, North Carolina, Nhật Bản, Srilanca và Ấn Độ cũng được công bố trong năm 1900. 

Bệnh này xuất hiện và gây hại trên toàn thế giới trong khu vực xích đạo giữa các vĩ độ 45º bắc và nam. Nó thường được tìm thấy ở Mỹ; Trung – Nam Mỹ (Argentina, Bolivia, Cộng hòa Dominican, Paraguay, Peru, Uruguay,…); Vùng Caribe; các nước giáp biển Địa Trung Hải và châu Âu (Hiện đã có một báo cáo từ Siberia1); Châu Phi (Ai Cập, Botswana, Bờ biển Ngà,  Lesotho, Mali, Nam Phi, Nigeria, Rwanda, Senegal, Tanzania, Zambia và Zimbabwe,…); Châu Á (Ấn Độ, Bangladesh, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Nepal, Nhật Bản, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam,…); Châu Úc và châu Đại Dương (Úc, New Zealand, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon,…).1,4 

Trong năm 1928, Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo rằng S. rolfsii và tuyến trùng rễ gây ra nhiều thiệt hại tại các tiểu bang miền Nam hơn bất kỳ tác nhân gây bệnh khác. Trong nửa đầu của thế kỷ 20, thâm canh lạc duy trì thiệt hại từ 10 – 20 triệu USD mỗi năm do bệnh này. Thiệt hại từ 25 – 50% là không phải là hiếm trong giai đoạn 1938-1947. Bởi năm 1944, căn bệnh này được biết là xảy ra ở 24 bang.1 Ở Mỹ, thối gốc là nghiêm trọng nhất trong các bang phía Đông Nam (Texas, Georgia, OkIahoma), nơi mà nó đã được coi là một bệnh hại chính của lạc trong gần 40 năm. Thiệt hại năng suất củ thường dao động từ 10 –  25%, nhưng có thể đạt trên 80% trên những cánh đồng bệnh phát triển mạnh (Porter et al. 1982; Bowen et al. 1992; Mehan và McDonald 1990). Tại bang Georgia, nơi sản xuất lạc lớn ở Mỹ, thiệt hại năng suất hàng năm do S. rolfsii có giá trị đến 43 triệu đô la. Đây cũng là một loại bệnh rất quan trọng ở Bắc Carolina, Alabama, Florida và New Mexico.4

Ở Bolivia, Paraguay và Uruguay bệnh đem lại những tổn thất rất quan trọng về mặt kinh tế (Godoy và Giandana 1992).4

Ở Nam Phi, S. rolfsii gây thối gốc của lạc, và được coi là một mối đe dọa đến sản xuất (Kolte 1985).4

Tại Ấn Độ, bệnh do S. rolfsii xảy ra ở tất cả các bang có trồng lạc. Nghiêm trọng nhất trong Maharashtra, Gujarat, Madhya Pradesh, Karnataka, Andhra Pradesh, Orissa và Tamil Nadu là những bang được ước tính có hơn 500.000 ha ruộng lạc đang bị nhiễm mầm bệnh này. Thiệt hại về năng suất trên 25% đã được báo cáo (Mayee và Datar 1988).4 Tại Thái Lan S. rolfsii gây hại nghiêm trọng tại khu vực phía Bắc (Lim et al. 1989, Wongkaew et al. 1989). Tại Indonesia, bệnh tương đối phổ biến. Tuy nhiên, mức độ gây hại nghiêm trọng không thường xuyên (Moehadi 1978). Tại Philippines, thối gốc là đặc biệt nghiêm trọng vào mùa mưa (Valencia và Natural 1988). Bệnh cũng đã được báo cáo từ Bangladesh, Nhật Bản, Nepal và Việt Nam.4 

Bệnh thối gốc ngày càng phát triển và trở nên quan trọng hơn ở Úc. 

Trong những năm giữa của thế kỷ 20, bệnh này được kiểm soát ở mức độ nào đó bởi việc áp dụng khử trùng đất hoặc áp dụng thuốc diệt nấm. Tuy nhiên, những hóa chất này thường đắt, độc hại và việc sử dụng trong tương lai của thuốc xông hơi (để xử lý đất) đang bị hạn chế do những quan ngại về môi trường (tác động đến tầng ozon). Hiện nay, kiểm soát bệnh nấm này vẫn là chủ đề của nhiều dự án nghiên cứu liên quan đến hóa chất, tác nhân sinh học, cải tạo đất, thay đổi canh tác, sinh lý bệnh, nghiên cứu dinh dưỡng và giống kháng. Bất chấp những nỗ lực này, S. rolfsii, giống như nhiều tác nhân gây bệnh nấm có nguồn gốc từ đất khác tiếp tục là một tác nhân gây bệnh rất khó kiểm soát và đặc biệt phức tạp đối với nó trong  phòng trừ do khó khăn trong phân tán thuốc diệt nấm qua vòm lá đến gốc cây. 

Chính vì tầm quan trọng của S. rolfsii đối với cây lạc mà kể từ báo cáo đầu tiên của Peter Henry Rolfs (vào cuối thế kỷ 19) về căn bệnh này thì cho đến 1966, đã có gần 2.000 ấn phẩm tại các địa điểm khác nhau trên thế giới (chủ yếu là từ các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới).1,2

1.1 Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh thốc gốc do S. rolfsii có thể xuất hiện bất cứ lúc nào từ giữa đến cuối vụ khi điều kiện thời tiết mát mẻ để vừa ấm áp vừa ẩm ướt. Nấm bệnh chủ yếu gây hại thân chính, nhánh của cây lạc. Trong điều kiện môi trường thuận lợi có thể gây hại cả rễ, tia củ,...6  

Trên lá: 

Dưới điều kiện tối ưu cho sự phát triển bệnh, triệu chứng đầu tiên thường quan sát thấy là cây bị héo lá một cách đột ngột (hình 2,3). Lúc đầu các lá ngọn của thân chính nhanh chóng mất màu xanh lá cây và chuyển sang màu vàng sáng. Sau đó trở thành màu nâu khi bệnh phát triển. Các lá bị khô, cuộn tròn lại. Hiện tượng này cũng xảy ra ở trên lá của các nhánh. 

Trên cây chủ, lá héo dần dần cho đến khi khô những vẫn dính trên cây (thậm chí ngay cả khi cây đã chết). Hình 4c. Các cây bị bệnh nặng sẽ chết sau một vài ngày trong điều kiện nhiệt độ cao nhưng thân cây vẫn thắng đứng chứ không đổ gục xuống.1,2,4,7,9     

Hình 2: Triệu chứng ban đầu của S. rolfsii

 

Hình 3: S. rolfsii phát triển trên ruộng lạc.

 

a b c
Hình 4 a,b,c: Lá của cây lạc bị hại do S. rolfsii.

Trên gốc:

Trên phần thân sát mặt đất đầu tiên xuất hiện những vết mọng nước (hình 5 a,b).1,7 Khi nấm bệnh hình thành quanh gốc, nó tạo ra những chất như axit oxalic và các enzim (pectinase, cellulase,…) nhằm phân hủy các mô ở phần vỏ cây tạo điều kiện cho nấm xâm nhập vào phía trong thân. Quá trình này diễn ra trong 2 – 4 ngày sau khi xâm nhiễm. Hậu quả là tạo ra những vết bệnh mọng nước ở gốc. 

Quá trình xâm nhiễm của nấm với sự trợ giúp của các enzim đã cắt đứt các mạch dẫn vận chuyển nước từ dưới lên do đó các triệu chứng đầu tiên chúng ta thường thấy hiện tượng lá ngọn của cây bị vàng, héo.7 

Tổn thương lan rộng nhanh chóng làm cho vỏ cây bị bong ra khỏi thân. Trong điều kiện thời tiết khô sẽ có vết loét có kích thước 2.0 – 2.5 nằm dưới mặt đất khoảng 2 – 3 cm. Khi bị nhiễm trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm ướt thì phần vỏ thân, cành trở nên hoàn toàn bị mục nát, ngoại trừ các mạch gỗ.1,4

Cây con là nhậy cảm hơn với bệnh nên chết một cách nhanh chóng sau khi bị nhiễm bệnh. Đối với những cây già quá trình xâm nhiễm của bệnh diễn ra chậm hơn. Tuy nhiên, khi vết bệnh phát triển thành một “cái đai” bao quanh gốc thì cây cũng bị chết khô. Những mô bị xâm nhiễm có màu nâu nhạt và mềm nhũn, nhưng không chảy nước.6

a b
Hình 5 a,b: Vết bệnh mọng nước ở gốc do S. rolfsii gây ra.

Trong điều kiện đất ẩm ướt xuất hiện một lớp nấm trắng dày đặc như một “tấm thảm” bao phủ cả gốc và phần đất bề mặt gần cạnh gốc. Chúng có thể tạo thành một lớp màu trắng như “phủ sơn” lên thân và cành của cây lạc. Hình 6 (a,b,c).

a b c
Hình 6 a,b,c: Triệu chứng do S. rolfsii.

Tia củ:

Trên tia củ triệu chứng đầu tiên của S. rolfsii là những tổn thương màu nâu nhạt sau chuyển thành nâu đậm dài 0.5 đến 2cm. Các mô bị nát vụn. Cuối cùng là làm cho củ rời khỏi tia củ.9 

Sự phát triển của sợi nấm trong khu vực ngay sát mặt đất của thân chính và các dẫn đến sự xâm nhiễm tia củ nếu có đủ lá cây hay tàn dư thực vật của cây chủ hiện diện trên mặt đất. Quá trình xâm nhiễm tia củ có thể xảy ra độc lập với phần thân ở trên mặt đất. 

Rễ:

Nấm bệnh xâm nhiễm rễ chính và rễ phụ ít phổ biến hơn so với tia. Garren lưu ý rằng ông đã không nhìn thấy một trường hợp xác thực thối gốc của đậu phộng do nấm. Singh và Mathus báo cáo một thối rễ do S. rolfsii nhưng không mô tả triệu chứng cụ thể. Tương tự như vậy Dubey cũng báo cáo về bệnh "mục rễ" nhưng đưa ra những chứng cứ rõ ràng. Chỉ có Ashworth và cộng sự báo cáo rằng rễ nhiễm bệnh trong điều kiện trồng trong nhà kính.

Củ và hạt:

Củ cũng bị gây hại. Những củ non bị nhiễm bệnh cho thấy tổn thương có màu nâu sáng. Nặng hơn thì vỏ bị nhiễm sẽ hoàn toàn được phủ một tấm thảm sợi nấm màu trắng (Hình 7). Nếu mầm bệnh nhiễm vào vỏ củ sẽ làm cho chúng có màu nâu, ủng nước và mềm nhũn (Punja, 1985). Hình 8. Lưu ý điều này có thể xảy ra với cả cây không có triệu chứng trên mặt đất.4,5,9 

Hình 7: S. rolfsii gây hại trên vỏ củ.

Trên những cây lạc bị nhiễm bệnh từ sớm thường gặp hiện tương chín sớm khi củ bị rời khỏi tia củ. Hạt bị lép.

Có một số trường hợp, các hạt từ củ bị bệnh cho thấy một sự đổi màu xanh xám đặc trưng của vỏ hạt. Nguyên nhân là do axit oxalic được tiết ra trong quá trình hoạt động gây hại của nấm.4 

Hình 8: S. rolfsii xâm nhiễm vào tia củ gây thối củ. 

Cũng gây hại trên lạc với S. rolfsii còn có nấm Sclerotinia minor Jagger. Đây là loại nấm có nhiều điểm tương đối giống S. rolfsii : sợi nấm màu trắng, hình thành hạch,...

Các triệu chứng của nấm bệnh này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào từ giữa đến cuối vụ khi điều kiện thời tiết mát mẻ để vừa ấm áp và ẩm ướt. Trên phần thân, cành thấp nhất của cây lạc các sợi nấm của S. minor (nhỏ và mỏng như tơ) hình thành một lớp nấm trắng như bông (hình 9 a,b). Các sợi nấm của S. minor dễ dàng quan sát thấy nhất trong những buổi sáng khi sương còn tồn tại trên đồng và trong tán cây hoặc sau một cơn mưa. Nhưng chúng có thể biến mất vào cuối ngày khi ánh sáng mặt trời làm khô phía dưới của tán cây.8

Điều này khác với S. rolfsii là các sợi nấm hình thành từ dưới đất lên thân, cành. Các sợi nấm thô, dày đan kết với nhau như một “tấm thảm” màu trắng và vẫn có thể quan sát thấy khi thời tiết khô ráo. 

a b
Hình 9: Những sợi nấm như bông trắng của S. minor phát triển trong một tán cây ẩm ướt.

Vết bệnh ở trên thân hơi trũng, thon dài và có màu trắng nhạt. Các phiến lá bị héo và chuyển sang màu vàng. Tất cả các nhánh bị chết và chuyển sang màu nâu sẫm màu và cuối cùng là toàn bộ cây có thể bị chết. Hình 9b.

 

Hình 9b.  Các cành nhánh bị hại bởi Vines giết bởi S. minor có màu trắng nhạt. 

Hạch nấm của S. minor có màu đen, hình dạng không cố định, kích thước nhỏ (từ 1/24 đến 1/16 inch – 1 inch = 2.54cm). Hình 10 a,b. Các hạch nấm có thể hợp với nhau thành khối lớn tương tự như phân chuột.8 Đây cũng là những khác biệt rõ ràng với hạch nấm của S. rolfsii: Vàng nhạt đến nâu đậm, hình tròn, kích thước to hơn (đường kính 0.5 – 2 mm).3

a b
Hình 10 a,b. Hạch của S. minor. Chú ý đến mũi tên (10a).

Một triệu chứng đặc trưng của bệnh do S. minor là gốc dễ bị xé nhỏ một cách dễ dàng khi vê giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ. Hiện tượng này là kết quả của sự mục nát của tất cả các mô bào gốc trừ các sợi mạch dẫn.8 Hình 11.

 

Hình 11. Thân cây bị nhiễm S. minor dễ bị xé một cách dễ dàng..

Những tác nhân trên gây ra các triệu chứng tương tự trên đồng ruộng. Vì vậy, chẩn đoán đúng là rất cần thiết để có biện pháp quản lý thích hợp.

1.2 Nguyên nhân

Nấm Sclerotia rolfsii Sacc. là tác nhân gây nên bệnh thối gốc lạc. Nấm này thuộc Lớp: Agaricomycetes. Họ: Atheliaceae. Nấm này không hình thành bào tử vô tính.

Các sơi nấm chính có có màu trắng trong, thô – dày, hình dáng như một sơi dây, có đường kính 5 – 9µm (trong khi nhiều loại nấm khác đường kính chỉ 2 – 4µm), dài 150 – 250µm. Có kết nối kẹp (clamp connections) trên sợi nấm (xem hình 12 b) giúp cho sợi nấm dài có thể tách rời thành nhiều đoạn ngắn.1,2,4 

Những sợi nấm nhánh có thành mỏng, không màu, phân nhánh gấp khúc, đan kết với nhau, đường kính nhỏ hơn 2 – 4µm. Không có kết nổi kẹp. 1,2,4 Hình 12 a,b.

a b
Hình 12 a,b: Sợi nấm và kết nối kẹp của S. rolfsii (12b).

Các sợi nấm, thường có dạng chữ “V” trong quá trình vươn dài để tìm kiếm vật chủ mới.7 Hình 13 (a,b). 

a b

Hình 13 a,b: Sự phát triển ban đầu của S. rolfsii trên đất. Chú ý chữ “V” màu trắng.

Trên ruộng lạc, đồng thời với sự xuất hiện gây hại của S. rolfsii thì cũng có một loại nấm màu trắng, dạng chữ “V” xuất hiện ở phía dưới gốc cây lạc, nhưng không gây bệnh (hình 14 a). Sự khác biệt ở chỗ: phần gốc của những sợi nấm không gây bệnh có màu vàng sáng và khi phát triển lên một phần cây hoặc lá rơi, nó sẽ không nhanh chóng phân hủy. Những bộ phận của cây vẫn có màu xanh cho đến khi thiếu ánh sáng và độ ẩm cao làm thối rữa.7

a b
Hình 14 a,b: So sánh loại nấm trông giống như S. rolfsii (14 a) và S. rolfsii (14b). Chú ý đoạn màu vàng sáng tại gốc của những chữ “V” ở 14a.

Hình 14 c: Thân, cành thối nhũn do S. rolfsii gây ra khi xâm nhiễm. 

Sau khi đã giết chết các mô tế bào và tiêu thụ tất cả các chất dinh dưỡng có sẵn, S. rolfsii tạo ra cấu trúc bảo tồn gọi là hạch nấm. Khoảng 4 – 7 ngày sau khi xâm nhiễm, các sợi nấm bắt đầu hình thành hạch nấm. Những hạch nấm này được hình thành bên trong khối sợi nấm màu trắng bằng cách liên kết các sợi với nhau thành một khối hoặc nơi hai sợi nấm bắt chéo nhau.1,2 Hạch có hình tròn như quả bóng, đồng đều với nhau, kích thước bằng hạt cải. Ban đầu có màu trắng (hình 15a), sau đó trở thành vàng nâu (hình 15b) và cuối cùng có mầu nâu đậm khi trưởng thành (hình 15c). 

a b c

Hình 15 a,b,c: Hạch nấm của S. rolfsii với màu sắc biển đổi theo thời gian.

Hình 16 ở dưới cũng phản ánh các giai đoạn chuyển biến màu sắc khác nhau của hạch trên một đoạn thân (từ 1 đến 5).

 

Hình 16: Các giai đoạn biến đổi màu sắc của hạch nấm S. rolfsii.

 

Hình 17: Những hạch nấm nhỏ có hình dạng như hạt cải được coi là cấu trúc “qua đông” của S. rolfsii và có thể được nhìn thấy trong các sợi nấm, trên mô bệnh trên hoặc dưới mặt đất, trên mặt đất hoặc ở các khe đất.1

Hình 18: Những hạch nấm hình cầu màu trắng nhạt khi mới xuất hiện từ những sợi nấm.

 

Hình 19: Những hạch nấm màu nâu đậm ở giai đoạn cuối phát triển.

Hạch nấm trưởng thành thường bao gồm: 

i.  Một lớp vỏ dày và cứng bên ngoài; 

ii. Tiếp đó là các lớp màng dày; 

iii. Bên trong đó bao quanh vùng trung tâm có các tế bào thành mỏng; 

iv. Trung tâm của hạch chứa các sợi nấm sắp xếp lỏng lẻo. 

Hạch nấm thường có đường kính 0.5 – 2 mm, nhưng một số có thể lớn 8 –10 mm.1,2

Trong vòng đời của mình, S. rolfsii có một giai đoạn sinh sản hữu tính – đảm (basidium) – nơi quá trình giảm phân xảy ra. Giai đoạn này đã được mô tả đầu tiên ở Nhật Bản năm 1926. Tuy nhiên, các giai đoạn sinh sản này hiếm gặp trong tự nhiên mà chỉ quan sát được trong môi trường nhân tạo.1,4,5 Năm 1947, West tìm thấy đảm trong tự nhiên trên Ficus pumila L. (là một loài thực vật có hoa trong họ Moraceae. Thường để bám vào bờ tường).9 Ở giai đoạn này S. rolfsii còn có tên là Athelia rolfsii. 

Đảm có hình oval với một đầu thóp lại hẹp hơn (hình quả trứng lộn ngược), dài 7 – 9µm và rộng 4 – 5µm.1,4 Bốn bào tử đảm đơn bội được hình thành tại đỉnh của đảm bởi các cuống đính (sterigmata). Hình 20. Các bào tử đảm của S. rolfsii hình thành trong một lớp bảo vệ (hymenium). Lớp này dày 30  –  40µm, màu trắng xám (West 1947). Bào tử đảm trong suốt, trơn nhẵn, hình elip đến tròn, một đầu hơi nhọn, kích thước 3.5 – 5.0 μm và 6 – 7μm.4

Khi trưởng thành, các bào tử đảm được phóng thích ra khỏi đảm. Khi bào tử đảm tiếp xúc với bề mặt thực vật, bào tử sưng lên và sản xuất 1 – 3 ống mầm. Mỗi ống mầm có thể tạo ra vòi bám (appressoria) từ đó hình thành một móc (peg) (xem thêm ở Rỉ sắt hại lạc) thâm nhập vào trong mô cây chủ. Các bào tử đảm có thể đóng góp vào chu kỳ lây nhiễm thứ cấp.1,4

 

Hình 20: Đảm và bào tử đảm của S. rolfsii

1.3 Phát sinh gây hại

Nhiệt độ và độ ẩm là những yếu tố rất quan trọng trong sự lây lan và phát triển của mầm bệnh này. 

Phạm vi nền nhiệt độ cho sự sinh trưởng và phát triển từ 8 – 40ºC. Nhưng sự tăng trưởng sợi nấm và hình thành hạch nấm tối ưu xảy ra giữa 27 – 35ºC. Còn quá trình xâm nhiễm tối ưu ở 27 – 30ºC với điều kiện độ ẩm cao có mặt.1 Theo Aycock 1966, Rodriguez-Kabana và cộng sự 1975  nhiệt độ 25 – 35°C và điều kiện ẩm sẽ giúp cho bệnh tăng cường phát triển. 

Nhiệt độ đất dưới 22°C không có lợi cho sự phát triển của nấm.4 Tăng trưởng sợi nấm tối đa xảy ra giữa 25ºC và 35ºC với rất ít hoặc không có mức 10ºC hay 40ºC xảy ra. 

Sợi nấm thường mất khả năng sống dưới nhiệt độ đóng băng (0ºC), nhưng hạch nấm được biết là tồn tại ở những nơi bên dưới nhiệt độ đóng băng đã xảy ra (-10ºC).1

Độ ẩm cao là cần thiết cho sự tăng trưởng tối ưu của các sợi nấm còn hạch nấm không nảy mầm khi độ ẩm tương đối thấp hơn mức bão hòa quá nhiều.6

Thông thường, độ ẩm gần mặt đất cao là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển bệnh. Những sợi nấm của S. rolfsii trên các mô vật chủ thường hình thành sau 3 – 4 ngày sau khi xâm nhiễm với điều kiện ấm áp và ẩm ướt.1 Còn quá trình kể từ khi hình thành cho đến khi kết thúc quá trình xâm nhiểm vào các mô của vật chủ (cây lạc) thường mất 2 – 10 ngày.

Các yếu tố có xu hướng tăng hoặc kéo dài thời gian duy trì độ ẩm đất (ví dụ: tán lá rậm, mưa thường xuyên hoặc chế độ tưới) phát triển có lợi cho bệnh thối gốc. Trong mùa khô, S. rolfsii  gây hại cho các bộ phận của cây trên mặt đất có thể bị hạn chế nhưng vẫn có thể gây thối củ nghiêm trọng. Sự khởi đầu của bệnh thối gốc thường trùng với sự hình thành tia củ vả củ, nhưng trong điều kiện đặc biệt thuận lợi thì bệnh trên những bộ phận đó có thể được bắt đầu sớm hơn.4,5

Nấm S. rolfsii có thể qua đông bởi sợi nấm trong các mô bị nhiễm bệnh hoặc tàn dư thực vật. Do có cấu trúc kết nối kẹp mà S. rolfsii có thể tăng được số lượng nguồn gây bệnh trong tự nhiên bằng những đoạn nấm ngắn tự tách rời. Tuy nhiên, các sợi nấm tồn tại trong đất chỉ trong thời gian ngắn (1 – 2 tháng).  

Nấm bệnh cũng có thể tồn tại bằng hạch nấm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng S. rolfsii có thể tồn tại ở phía trên mặt đất trong nhiều năm.1 Nếu ở dưới mặt đất (ở độ sâu vừa phải) các hạch nấm cũng có thể tồn tại trong nhiều năm (2 – 3 năm)cho đến khi nước ngầm đẩy chúng lên trên và ở đấy chúng vẫn nảy mầm nhờ dịch tiết ra từ cây chủ. Chúng được coi là nguồn bệnh và có khả năng nảy mầm gây hại mà không cần nguồn dinh dưỡng bổ sung như sợi nấm cần phải có nguồn tàn dư thực vật có sẵn (Aycock 1966, Punja 1985).4 Tuy nhiên, chúng sẽ chết nếu tồn tại ở độ sâu 15 – 20 cm trở lên trong khoảng 45 ngày.1 Như vậy, cày sâu được coi như là một phương pháp hữu hiệu giảm nguồn bệnh trên đồng ruộng. Hạch nấm cũng có thể vẫn sống nhiều năm trên các mảnh vụn thực vật trong khu vực với mùa đông ôn hòa. 

Hầu hết các hạch nấm được hình thành tại hoặc gần bề mặt đất và tồn tại lâu trong đất thoát nước tốt. Sự sống còn của hạch nấm nói chung là trong đất ẩm khó khăn hơn trong đất khô. Nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm đất cao là bất lợi hơn để tồn tại hơn là nhiệt độ cao một mình. Chu kỳ làm khô và ướt tạo điều kiện cho quá trình phân hủy hạch nấm xảy ra mạnh mẽ hơn bằng cách tăng rò rỉ chất dinh dưỡng trong hạch và mối quan hệ đối kháng của hệ vi sinh vật trong đất. Trong đất ẩm, hạch nấm tồn tại tốt hơn gần bề mặt của đất hơn khi bị chôn vùi bên dưới nó (Punja và Jenkins, 1984). 

S. rolfsii có thể sống sót và phát triển mạnh trong một phạm vi rộng của các điều kiện môi trường. Tăng trưởng có thể trong một phạm vi pH rộng, mặc dù tốt nhất trên đất chua. Phạm vi pH tối ưu cho sợi nấm tăng trưởng là 3.0 – 5.0 còn hạch nấm nảy mầm giữa 2.0 và 5.0. Nảy mầm bị ức chế tại một pH trên 7.0.6 Các vùng lạc được trồng trên đất kiềm ở Sudan không thích hợp cho bệnh phát triển.4

S. rolfsii dường như có một nhu cầu oxy cao. Chính vì thế trong đất nhẹ nơi nồng độ oxy là lớn hơn nên các sợi nấm có thể hoạt động gây hại dễ dàng tia củ, củ.  Còn trong đất nặng hơn quá trình nảy mầm và phát triển của hạch nấm bị hạn chế.

Do S. rolfsii không sản xuất bất kỳ bào tử vô tính nào nên việc phát tán nguồn bệnh thông qua gió; các hoạt động của con người và các công cụ, máy móc trên đồng; nước (thủy lợi, mưa);... Ngoài ra, một tỷ lệ phần trăm nhỏ của hạch nấm có thể sống sót đi qua dạ dày của cừu và các đại gia súc khác. Do đó, có thể lây lan qua phân bón.6

 

Để quản lý dịch hại cần áp dụng các biện pháp:

Biện pháp canh tác

Cũng như đối với các loại dịch hại khác việc kiểm soát S. rolfsii là một khó khăn. Mọi biện pháp chỉ nhằm hạn chế tối đa những điều kiện thuận lợi cho nó phát triển chứ không phải là loại bỏ hoàn toàn thực tế của các mầm bệnh. Các biện pháp hữu ích có thể khuyến cáo như sau:

Tiêu hủy kịp thời cây, tàn dư thực vật sau khi thu hoạch.

Tiến hành cày sâu, lật đất (tối thiểu từ 20cm trở lên) để chất hữu cơ, hạch nấm và các tàn dư thực vật được chôn ít nhất 10cm bên dưới bề mặt. Điều này góp phần hạn chế đến mức tối đa nguồn bệnh cho vụ mới vì hạch nấm sẽ chết nếu tồn tại ở độ sâu 15 – 20 cm trở lên trong khoảng 45 ngày. 

Để đất phơi ải trong thời gian dài nhất có thể.

Lên luống cao tối thiểu 10cm. Khoảng cách hàng tuân thủ theo quy trình kỹ thuật. Tránh tình trạng hàng cách hàng quá dày tạo điệu kiện cho độ ẩm trong luống tăng cao. Hạn chế cỏ dại phát triển trong luống.

Hạt giống bảo đảm chất lượng, khỏe. Hạt giống cần được mua từ một đại lý có uy tín. Cần xử lý khô trước khi gieo.

Không gieo quá dày. Tránh gây tổn thương cây khi chăm sóc. Không nên vun gốc, hàng trong thời kỳ sinh sinh trưởng của cây lạc.

Trong điều kiện thủy lợi bảo đảm nên chủ động nên kéo dài thời gian giữa hai lần tưới đến mức tối đa.

Tăng cường bón phân kali, lân. Giữ độ pH của đất ở mức 6.5 bằng cách thêm vôi sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển của nấm nhanh chóng.     

Phát hiện kịp thời những cây bệnh có triệu chứng héo lá và triệu trứng trắng gốc do nấm S. rolfsii. Nhổ bỏ và tiêu hủy. 

Xử lý kịp thời các bệnh hại lá khác để tránh nguồn lá rụng trên luống. Vì số lá này làm tăng cường quá trình hình thành nguồn bệnh mới (thứ cấp) trên đồng.

Nếu có điều kiện thực hiện phủ vải nhựa. Lưu ý đối với nhựng vụ lạc trồng trong điều kiện nhiệt độ thấp thì việc phủ bạt không có tác dụng và không có hiệu quả kinh tế.

Điều chính thời vụ để tránh thời kỳ đâm tia – hình thành củ trùng với cao điểm của bệnh.

Do S. rolfsii có phạm vi ký chủ rất rộng nên luân canh đôi khi không phải thực sự hữu hiệu. Tuy nhiên, với công thức ngô sau lạc thì nguồn bệnh trong đất giảm từ từ và tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn sẽ được nhìn thấy trong năm tiếp theo.1 Luân canh lạc với lúa mì và ngô cũng có tác dụng chống thối gốc (Garren 1961, Minton và cộng sự 1991) đây là một thực tế phổ biến ở miền bắc Ấn Độ và Trung Quốc. Luân canh với các thành viên của gia đình họ loa kèn (hành tây và tỏi) đã chứng minh hiệu quả chống lại bệnh thối gốc ở Israel (Zeiden et al. 1986) và Ấn Độ (Asghari và Mayee 1991).4 

***

Viết thêm: Tên Bệnh Thối Gốc Lạc (do Sclerotium rolfsii Sacc.) chúng tôi dựa theo bài viết: Chương 13 – “Bệnh hại trên lạc” – của Kenneth H. Garren và Curtis R. Jackson. (Xin tham khảo tại: Chapter 13: Peanut Diseases https://apresinc.com/wp-content/uploads/2015/.../PCU-Chapter-13.pdf) vì nó phù hợp với triệu chứng gốc bị thối và tên gọi ngắn gọn.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)

D.A.M

*******

Ảnh các loại cây là ký chủ phụ của S. rolfsii

Amaryllis Escarole

 

 

Chi Ô Rô Bà

 

 Forsythia (cây hoa họ Oleaceae)

 

Hoa Phi Yến (Delphimum ajacis L. Họ Mao lương: Ranuncolaceae).

 

Iris – Hoa Chi Diên Vĩ (thuộc học Iridaceae)

     

Hoa Kim Ngân (Loài Lonicera japonica Thunb)

 

Echinacea – Chi Hoa nón (là một chi thực vật có hoa trong họ Cúc: Asteraceae)

  

Hoa Păng-xê (Pansy)

   

Dạ Yến Thảo – Petunia hybrid (thuộc họ Cà chua: Solanaceae)

 

Zinnia – Chi Cúc ngũ sắc (thuộc họ Cúc: Asteraceae).