Cây ngô

Tổng quan

Cây ngô Zea mays L là cây lương thực được trồng rộng rãi trên thế giới với sản lượng cao hơn bất kỳ cây lương thực nào. Cây ngô được thuần canh đầu tiên tại Trung Mỹ, sau đó được trồng rộng khắp châu Mỹ. Thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 16, cây ngô được phát triển sang các châu lục khác. Các nước sản xuất ngô hàng đầu thế giới gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Brasil, Mêxicô, Argentina, Ấn Độ, Pháp, Indonexia, Nam Phi và Italia (riêng Hoa Kỳ sản xuất gần 1/2 sản lượng ngô của toàn thế giới).

1.1 Tình hình gieo trồng

Trên thế giới có 166 nước trồng ngô với diện tích khoảng 184,19 triệu ha, năng suất bình quân 5,52 tấn/ha và sản lượng hàng năm đạt trên dưới 1016,7 triệu tấn (năm 2013).

Ở Việt Nam cây ngô là cây lương thực quan trọng đứng thứ 2 sau cây lúa. Cây ngô được du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc khoảng 300 năm trước. Hiện nay (năm 2013) diện tích trồng ngô của cả nước ước đạt 1.172,5 nghìn ha, năng suất bình quân khoảng 46 tạ/ha, sản lượng 5,2 trệu tấn (đứng thứ 3 ở Đông Nam Á và đứng thứ 24/166 nước trên thế giới). Sản xuất ngô của Việt Nam không đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước (năm 2013 nước ta phải nhập 2,19 triệu tấn). Vì vậy, cây ngô tiếp tục đóng vai trò quan trọng để góp phần chuyển đổi nhanh chóng về cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Diện tích trồng ngô ở nước ta được phân bố tại một số khu vực địa lý như sau (đơn vị ngàn ha): Đồng bằng sông Hồng 88,3; Trung du và miền Núi phía Bắc 505,8; Bắc Trung Bộ và khu vực ven biển Miền Trung 205,6; Tây Nguyên 252,4; Đông Nam Bộ 80,1; Đồng bằng Sông Cửu Long 40,3 (nguồn Tổng cục Thống kê năm 2013). Các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long mỗi năm có một vụ ngô thường bắt đầu giữa tháng 5; Các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền Núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và khu vực ven biển Miền Trung mỗi năm có 3 vụ trồng ngô gồm vụ Xuân, vụ Thu và vụ Đông.

1.2 Kỹ thuật canh tác

Để cây ngô phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao người trồng ngô cần áp dụng Quy trình kỹ thuật trồng ngô do cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp tại địa phương ban hành. 

Đối với Quy trình kỹ thuật trồng ngô người trồng cần nắm vững một số kỹ thuật then chốt sau: 

Đất trồng yêu cầu thoát nước tốt trong mùa mưa và có khả năng tưới đủ ẩm trong mùa khô; 

Làm đất kỹ hay làm đất tối thiểu tùy thuộc vào mùa vụ, ruộng được phân lô và rạch hàng tùy theo địa hình và diện tích thửa ruộng; 

Thời vụ tùy theo vùng, điều kiện thời tiết mà xác định thời điểm gieo hạt thích hợp; 

Giống gieo trồng nên chọn giống được khuyến cáo phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương, lượng hạt giống 16-20 kg/ha (tùy vụ), mật độ 65-70 ngàn cây/ha, khoảng cách 65-70x25-30/cây; 

Việc dặm và tỉa cây tiến hành sớm từ 6-8 ngày sau khi gieo; 

Phân bón cho cây ngô trên 1 ha gồm phân chuồng 8-10 tấn, vôi bột 300-500kg, N=80-210kg, P2O5=80kg, K2O= 80-100kg; 

Cách bón: bón lót toàn bộ phân chuồng và phân lân; Bón thúc làm 3 lần, lần 1 cây ngô 3-4 lá (10-12 ngày sau gieo) bón 1/3 lượng đạm ure, lần 2 cây ngô 8-10 lá (24-26 ngày sau gieo) bón 1/3 lượng đạm ure và ½ lượng Kaly, lần 3 trước trỗ cờ (45-50 ngày sau gieo) bón 1/3 lượng đạm ure và 1/2 lượng Kaly (Tham khảo Quy trình bón phân tại địa phương để tiến hành điều chỉnh lượng phân và cách bón cho phù hợp với điều kiện canh tác thực tế); 

Làm cỏ (kết hợp với các đợt bón phân); 

Tưới nước khi đất không đủ ẩm (xác định ẩm độ đất cho phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng) và cần tiêu nước ngay không để cây ngô bị ngập úng khi gặp trời mưa; 

Thu hoạch khi bắp ngô đã chín già (râu ngô khô đen, bẹ ngô chuyển từ màu xanh sang màu vàng rơm). Có thể xác định thời điểm thu hoạch bằng việc quan sát hạt ngô ở đầu và cuối bắp ngô, nếu chân các hạt ngô có màu đen là ngô đủ chín. Ẩm độ hạt thích hợp để bảo quản hạt ngô là 14-15%.

1.3 Dịch hại chính

Cây ngô cũng giống như nhiều loại cây trồng khác thường xuyên bị các dịch hại tấn công gây tổn thất về năng suất và chất lượng sản phẩm.

Những loài sâu, bệnh hại chính trên cây ngô gồm:

Sâu xám (Agrotis ipsilon Rott): là loại sâu đa thực, sâu hại ngô ở tất cả các vùng vào giai đoạn cây con. Sâu hại cây vào ban đêm, sâu tuổi nhỏ ăn lá non, khi sâu tuổi 4 trở đi sâu phá mạnh bằng cách cắn đứt ngang thân cây ngô và kéo xuống đất. 

Sâu xanh (Helicoverpa armigera Hubner) là loại sâu đa thực: Khi cây ngô còn non sâu ăn phần non của cây, khi ngô trỗ cờ sâu đục vào bao cờ, khi cây có bắp sâu ăn hạt non và râu ngô hoặc đục vào trong bắp gây thối bắp khi gặp trời mưa.

Sâu đục thân (Ostrinia nubilalis Hubner): Sâu non ăn thủng lá non hay ăn vào bao cờ, cuống cờ làm cờ bị gục ngã, Sâu tuổi 3 trở đi sâu đục vào thân cây, gặp gió to cây có thể bị gãy ngang. Bắp bị đục khi còn non, sâu có thể đục từ cuống bắp vào thân bắp, nếu bắp đã cứng sâu đục từ đầu bắp đến giữa bắp. Sâu xuất hiện quanh năm nhưng phá hoại mạnh nhất ở giai đoạn trỗ cờ phun râu.

Sâu cắn lá nõn (Leucania lorreyi Dup): Sâu tuổi nhỏ cắn phá các phần non như lá nõn, hoa đực khi chưa trỗ. Khi tuổi lớn sâu ăn khuyết lá, cũng có khi chui vào bắp non ăn hạt. Sâu non thường hoạt động vào ban đêm.

Sâu cắn gié (Leucania separata Walker): Sâu gây hại vào ban đêm. Khi sâu tuổi nhỏ sâu ăn khuyết lá, khi tuổi lớn sâu có thể ăn trụi cả lá chỉ để chừa lai gân chính.

Sâu gai (Dactylispa sp.): Sâu non đục vào giữa hai lớp biểu bì và ăn chất xanh, trưởng thành ăn nhu mô lá tạo thành đường thẳng ngắn dọc theo chiều dọc lá, khi trưởng thành xuất hiện với mật độ cao thì vết hại sát liền nhau, lá ngô chỉ còn lớp biểu bì màu trắng.

Rệp hại ngô (Aphis maydis Fitch) và (Rhopalosiphum maydis) thường gây hại khi cây ngô 8-9 lá đến khi thu hoạch: Rệp bám trên lá, trong nõn, bẹ lá, hoa cờ...chích hút nhựa các bộ phận của cây làm cây còi cọc.

Bệnh khô vằn hại ngô (Rhizoctonia sonali Kuhn): Bệnh hại trên các bộ phận phiến lá, bẹ lá, thân và bắp ngô taọ ra các vết bệnh lớn loang lổ, màu xám tro, bất định hình. Vết bệnh lan từ bộ phận phía gốc lên tới bắp ngô và bông cờ làm cây và lá vàng úa. Bệnh xuất hiện vào thời kỳ cây ngô 6-7 lá và  phát triển mạnh vào thời kỳ ra bắp đến thu hoạch.

Bệnh gỉ sắt (Puccinia maydis Ber): Bệnh hại chủ yếu ở phiến lá, có khi bẹ lá và áo bắp, vết bệnh lúc đầu rât nhỏ, chỉ là một chấm nhỏ vàng trong, xếp không trật tự, khó phát hiện, sau to dần, vết vàng nhạt tạo ra các vết đốm nổi. Vết bệnh thường dày đặc trên lá làm lá cháy khô.

Bệnh bạch tạng (Sclerospora maydis Bult.& Bisby): Bệnh hại chủ yếu ở thời kỳ cây mới mọc có 2-3 lá thật đến giai đoạn 8-9 lá thật, bệnh có thể kéo dài đến khi cây trỗ cờ. Bệnh hại chủ yếu ở lá, các lá bị bệnh thường xuất hiện các vết sọc dài theo phiến lá màu xanh, trắng nhạt. Trên cây lá non cũng như lá bánh tẻ đều bị nhiễm bệnh nên toàn cây có màu trắng.

Bệnh đốm lá nhỏ (Helminthosporium maydis (Nisik.et.Migake) Shoem): Vết bệnh nhỏ như mũi kim màu hơi vàng, sau đó lan ra thành hình tròn hoặc bầu dục. Bệnh hại ở lá, bẹ lá và hạt.

Bệnh đốm lá lớn (Helminthosporium turcica (Pass.) Shoemaker): Vết bệnh dài, hình thoi, không đều đặn, màu nâu hoặc xám bạc, không có quầng vàng, về sau các vết bệnh liên kết với nhau làm cho lá dễ bị khô táp.

Bệnh phấn đen (Ustilago maydis (Dc.) Corda): Bệnh gây hại ở tất cả các bộ phận của cây. Đặc trưng của bệnh là tạo ra các u sưng, trên ruộng u sưng thường xuất hiện trên bẹ lá, lá, thân, bông cờ và bắp. Bộ phận bị bệnh dễ bị thối hỏng, dị dạng.

Bệnh mốc hồng hại ngô (Fusarium moniliforme Sheld): Đặc trưng trên bắp ngô có từng chòm hạt ngô mất sắc bóng, màu nâu nhạt, trên đó phủ lớp nấm màu hồng nhạt. Hạt bị bệnh không chắc, dễ vỡ và dễ long ra khỏi lõi ngô khi bi va đập. Bắp ngô bị bệnh ở thời kỳ chín và trong thời gian bảo quản.

Ngoài ra còn có một số sâu, bệnh hại khác gây hại khá phổ biến trên cây ngô như châu chấu (nhiều loài), mọt hại ngô (Sitophilus zeamais Motsch) … Các bệnh gây hại do nấm như bệnh thối thân do nấm (Fusarium moniliforme Sheld), bệnh thối nhũn vi khuẩn (Erwinia carotovora), Bệnh sợi đen (Sphacelotheca reiliana (Kuhno) Clinton).

Bảo vệ tổng hợp

Sâu bệnh hại ngô có nhiều loài việc phòng trừ chúng có tác động rất lớn tới năng suất và phẩm chất . Áp dụng Quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây ngô  là xu thế chung hiện nay, biện pháp hóa học là một trong nhiều biện pháp của Quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp. Trong trường hợp phòng trừ dịch hại bằng thuốc hóa học cần được hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc đại lý bán thuốc BVTV và tuân thủ thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng.