Sâu đục thân

Giới thiệu chung

Tên khoa học: Ostrinia furnacalis (Guenee) (Lepidoptera: Pyralidae)

Tên Việt Nam khác: Sâu đục thân ngô châu Á.

1.1 Triệu chứng, mức độ hại

Sâu non tuổi 1- tuổi 3 gặm ăn thịt lá nõn, cắn xuyên thủng lá nõn (tạo thành vết thủng xếp hàng ngang bản lá sau khi lá nõn xoè ra). Từ tuổi 3 trở đi, sâu non đục vào thân cây, bắp non. Cây ngô lúc nhỏ bị sâu non đục có thể gãy non, ngừng sinh trưởng hoặc không ra bắp. Cây ngô đã lớn bị sâu non đục ít khi chết, gặp gió to có thể bị gãy ngang, đường đục trong thân cây có phân (phân đùn ra miệng lỗ đục). Bắp ngô non bị sâu non đục vào từ cuống bắp. Nếu bắp ngô đã cứng thì sâu non đục từ đầu bắp xuống giữa bắp. Tỷ lệ cây bị hại có thể tới 60-100%, năng suất ngô bị giảm tới 20-30% hoặc nhiều hơn.

1.2 Đặc điểm nhận dạng

Trứng hình bầu dục dẹt, đẻ thành ổ xếp hình vảy cá (30-100 trứng/ ổ). Sâu non đẫy sức dài 22-28mm. Nhộng cái dài 18-19mm, nhộng đực dài 15-16mm. Trưởng thành cái thân dài 13-15mm với sải cánh 28-34mm, trưởng thành đực thân dài 12,5-14mm với sải cánh 22-28mm. 

(nguồn Internet)

1.3 Đặc điểm sinh vật học

Trưởng thành hoạt động nhiều từ chập tối đến nửa đêm, ban ngày ẩn nấp trong tán lá ngô, có tính hướng ánh sáng đèn khá mạnh và thích mùi chua ngọt. Trưởng thành cái đẻ trứng ở ruộng ngô xanh tốt, ruộng ngô sắp trỗ cờ. Sâu non hóa nhộng ở đường đục trong thân cây, trong bẹ lá, lõi bắp, lá bao, có khi ở bên ngoài gần chỗ bộ phận bị hại.

Ở nhiệt độ 24-25oC, thời gian phát triển của trứng, sâu non, nhộng và vòng đời tương ứng là 3-5 ngày, 17-22 ngày, 7-10 ngày và 29-40 ngày. Sau khi vũ hoá một ngày thì giao phối và sau đó 1-2 ngày thì đẻ trứng. Mỗi trưởng thành cái đẻ 300-500 trứng, có khi tới hơn 1.000 trứng trong thời gian 2-7 ngày. Thời gian sống của trưởng thành là 8,4-13,7 ngày.

Sâu đục thân ngô châu Á gây hại hơn 50 loài cây trồng và 500 loài cây dại. Ở nước ta, ghi nhận gây hại chủ yếu trên cây ngô, ngoài ra có thể trên cây bông, kê, cao lương, đay,…

1.4 Quy luật phát sinh phát triển

Sâu đục thân ngô châu Á có trên đồng trong cả 12 tháng của năm, nhưng phát sinh nhiều nhất vào mùa hè và mùa thu. Ở miền Bắc nước ta, nhiệt độ trong các tháng mùa hè và mùa thu (23-28,5oC) thích hợp cho sâu đục thân ngô châu Á phát triển. Trong mùa đông, nhiệt độ xuống thấp dưới 17,5oC không thuận lợi cho sâu đục thân ngô châu Á phát triển. Sâu đục thân ngô ưa ẩm. Cây ngô bắt đầu trổ cờ thích hợp nhất đối với sâu non tuổi nhỏ. Giống ngô nếp có mật độ sâu non và tỷ lệ cây ngô bị hại cao hơn (tương ứng là 32,4 con/10 cây, 96%) so với 4,8 con/10 cây và 28% trên giống ngô tẻ LVN 10. Ở những vùng gieo trồng ngô liên tiếp nhiều vụ trong năm, sâu đục thân ngô châu Á có 7-8 lứa/năm.

Sâu đục thân ngô châu Á bị nhiều loài thiên địch tấn công như ong mắt đỏ, ong vàng Xanthopimpla sp., ong đùi to Brachymeris sp. và một số loài ruồi ký sinh. 

Biện pháp canh tác

Gieo trồng ngô tập trung thành những vùng lớn, đúng thời vụ thích hợp. Mỗi vùng trồng ngô xác định 1-2 vụ ngô chính thích hợp, không gieo trồng ngô rải rác quanh năm.

Tiêu hủy thân cây ngô bị hại sau thu hoạch. Bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, không trồng ngô xen kẽ với cây bông, kê, cao, lương. Chọn trồng giống ngô chống chịu sâu đục thân ngô châu Á.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Bảo vệ và lợi dụng thiên địch tự nhiên của sâu đục thân ngô châu Á, có thể nhân thả ong mắt đỏ, sử dụng nấm Beauveria sp., vi khuẩn Bacillus thuringiensis.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)