Sâu xám

Giới thiệu chung

Tên khoa học: Agrotis ypsilon Rott. (Họ Noctuidae, Bộ Lepidoptera)

Tên Việt Nam khác: Sâu đất

1.1 Triệu chứng và mức độ gây hại

Sâu xám phá hại từ cây ngô mọc mầm tới 4-5 lá. Sâu non tuổi 1 sống trên cây ngô non cắn ngang phiến lá. Từ tuổi 4 trở đi, sâu non gặm đứt gốc cây non (dưới 5-6 lá) và kéo thân cây bị hại xuống nơi trú ẩn. Sâu non tuổi 6 phá hại mạnh nhất, mỗi đêm cắn đứt 3-4 cây ngô non. Khi cây ngô có 7-8 lá (thân cây cứng), sâu xám đục ở gần sát gốc thân, khoét vào trong ăn phần mềm làm héo nõn, chết cây. Sâu xám gây thiệt hại nghiêm trọng, tỷ lệ cây bị cắn gốc chết tới 20-30%, gây loãng mật độ, có đồng ngô bị sâu xám gây hại phải trồng lại hoặc lỡ thời vụ phải bỏ hoá. 

1.2 Đặc điểm nhận dạng

Trưởng thành (H1) có thân dài 16-23 mm, sải cánh là 42-54 mm. Trứng (H2) hình bán cầu, đường kính 0,5-0,6 mm, đỉnh trứng có một núm lồi lên. Sâu non (H3) có đầu màu nâu sẫm, trên da phân bố đầy nốt đen. Nhộng (H4) dài 18-24 mm. 

1.3 Đặc điểm sinh vật học

Trưởng thành vũ hoá lúc chập tối, hoạt động ban đêm (mạnh nhất lúc 19-23 giờ), ban ngày ẩn nấp ở khe đất. Trưởng thành ít có phản ứng đối với ánh sáng đèn. Trưởng thành cái đẻ trứng phân tán (mỗi nơi 1-3 trứng) trên mặt lá gần mặt đất, ở kẽ nứt của đất, trên cỏ dại. Sâu non ăn vỏ trứng sau khi nở. Sâu non có tính giả chết, bị bắt thì cuộn tròn lại. Sâu non ăn thịt lẫn nhau (đặc biệt từ tuổi 4 trở đi) khi nuôi chung và thiếu thức ăn. Sâu non đẫy sức chui xuống đất (sâu 2-5 cm) tạo một kén đất và hoá nhộng ở trong.

Thời gian phát triển của trứng: 5-11 ngày, sâu non (5 tuổi, hay 7-8 tuổi): 22-63 ngày, nhộng: 7-25 ngày. Thời gian trước đẻ trứng: 3-5 ngày. Một ngài cái đẻ từ 257 trứng (ăn nước lã) đến 3048 trứng (ăn đường trắng). Trưởng thành ăn nước lã sống 6,3 ngày, ăn đường trắng sống 21,7 ngày.

Sâu xám là loài đa thực, phá hại hàng trăm loài thực vật như ngô, đậu đỗ, khoai tây, cà chua, các loại rau, thuốc lá, đay, lạc, bông, kê, cao lương, thầu dầu, bầu bí, ớt, khoai lang, chè, cam quýt, cây lâm nghiệp trong vườn ươm, cỏ làm thức ăn gia súc, cây hoa, cây cảnh.

1.4 Quy luật phát sinh phát triển

Ở miền Bắc, ngô hè thu không bị sâu xám phá hại, ngô đông xuân bị hại nặng nhẹ phụ thuộc vào thời gian gieo trồng. Ngô đông xuân sớm (đầu tháng 10-giữa tháng 10) bị hại nhẹ hơn so với ngô đông xuân gieo muộn (cuối tháng 12- tháng 1).

Nhiệt độ thích hợp cho trưởng thành và nhộng là 21-26oC. Sức sinh sản của trưởng thành giảm khi nhiệt độ cao hơn 29oC và thấp dưới 21oC. Nhiệt độ trên 30oC gây chết nhộng, ở 40oC thì nhộng chết hàng loạt. Sâu non tuổi 1- tuổi 3 chết hàng loạt ở 30oC và ẩm độ 100%. Trứng sâu xám ở nhiệt độ 5-6oC trong 48 giờ vẫn nở đạt tỷ lệ 92%.

Đất quá ướt, quá khô đều không thuận lợi cho sâu xám phát triển. Sau những trận mưa lớn cuối tháng 3-đầu tháng 4 ở miền Bắc, trên đồng bị đọng nước, mật độ sâu xám giảm nhiều. Sâu non có sức chịu đói tương đối tốt, từ 3 ngày (sâu non tuổi 1) đến 6-10 ngày (sâu non tuổi 5). Sâu non kém chịu nước: sâu non tuổi 4-5 chết hết nếu ngâm trong nước 32 giờ.

Thích hợp cho sâu xám là đất thịt nhẹ, cát pha (tơi xốp, thoáng, dễ thấm nước và thoát nước). Đất nhiều sét và nhiều cát không thích hợp đối với sâu xám.

Sâu xám bị một số ký sinh như ong Bracon sp., ruồi họ Tachinidae và nấm gây bệnh. 

Biện pháp canh tác

Làm sạch cỏ trong ruộng và xung quanh bờ. Sau khi gặt lúa mùa, làm đất ngay để giữ ẩm và chống cỏ mọc.

Trước gieo ngô cần nhặt sạch cỏ trong ruộng. Gieo ngô tập trung, đúng thời vụ thích hợp. Bẫy mồi chua ngọt để diệt trưởng thành.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên của sâu xám.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)