Chết cây con

Giới thiệu chung

1.1 Triệu chứng

Cây hành bị nấm thối rễ trắng gốc - Sclerotium

Bệnh chết cây con hành là một bệnh phổ biến từ khi cây hành mọc khỏi mặt đất đến khi cây được 15 – 20 ngày tuổi. Đây là một loại bệnh phức hợp do nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau nên triệu chứng rất đa dạng. Bệnh gây hại cả trên hành tây và hành lá (hành hoa)

Củ hành hoa bị bệnh thối nhũn do vi khuân Erwinia Rễ cây hành bị nấm Pythium gây hại và rễ cây không bị bệnh

Đối với hành trồng bằng củ giống, khi cây mọc lên được 5 – 10 cm thường xuất hiện triệu chứng héo rũ khi trời nắng, sau đó lá cây bệnh chuyển vàng và chết. Nhổ cây bệnh thì thấy củ giống cũ phủ lớp nấm có sợi màu trắng và thô. Quan sát kỹ thấy các hạch nấm tròn nhỏ màu nâu đen, nhiều trường hợp thấy hạch nấm gây bệnh khô vằn như ở trên cây lúa, ngô hay cải bắp. Cũng có trường hợp củ hành giống bị thối nhũn và bốc mùi thối, đồng thời thấy ruồi bay quanh gốc cây. Nhóm triệu chứng này vẫn còn xuất hiện rải rác khi cây hành đã lớn cho đến khi thu hoạch.

Hạch nấm Sclerotium gây bệnh thối trắng trên hành

Đối với hành trồng bằng hạt, cây bệnh sau khi mọc 10 – 12 Cm thường thấy hiện tượng cây bị héo vào buổi trưa, buổi sáng hôm sau lại tươi rồi tới trưa lại héo, cứ như vậy vài ngày thì cây bị chết. Nhổ lên bộ rễ bị thối. Rễ bị bệnh mới đầu như thấm nước, sau đen dần và thối. Trên rễ mới bị bệnh thi thấy lông hút trên rễ không phát triển được.

Trên hành tây ở giai đoạn cây con thường thấy cây hành bị đổ ngã, cong queo như như con lươn, người ta gọi là bệnh “hành lươn”. Cây bị bệnh đổ ngã và không phát triển được. Nhiều khi cây bị chết, trường hợp cây sống sót thì củ nhỏ và biến dạng. Trên hành lá hoặc hành hoa cây con cũng bị bệnh này nhưng ít hơn.

1.2 Nguyên nhân.

Như đã đề cập ở trên, bệnh chết cây con hành có nhiều dạng triệu chứng khác nhau và nguyên nhân cũng khác nhau.

Nhóm triệu chứng héo vàng trên hành trồng bằng củ giống thường ghi nhận 3 loại nấm chính bao gồm: Nấm gây bệnh thối gốc, thối rễ mốc trắng do nấm hạch Sclerotium rolfsii gây ra. Nấm này có sợi nấm thô và trắng mọc lên xung quanh gốc và trên củ làm giống. Trên các bộ phận bị bệnh và cả vùng rễ bị bệnh quan sát thấy các hạch nấm tròn, nhỏ có màu nâu đen. Bệnh lở cổ rễ, thối rễ thường ghi nhận nấm Fusarium oxysporum và Rhizoctonia solani gây ra.Hiện tượng thối nhũn rễ, củ hành giống và củ hành trồng bằng hạt và kèm theo mùi thối do vi khuẩn thối nhũn Erwinia carotovoragây ra. Vi khuẩn này có phổ ký chủ rộng, gây bệnh cho rất nhiều loại cây trồng trên đồng ruộng.

Triệu chứng héo xanh kéo dài vài ngày sau đó thì cây bị chết đối với hành trồng bằng hạt thường ghi nhận sự hiện diện và gây hại của nấm Pythium. Nấm này tồn tại trong đất và ưa nước, do vậy người gọi là nấm “thủy sinh”. Nấm Pythium gây thối các lông hút, rễ tơ. Rễ bị bệnh không cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho cây nên thường làm cho cây héo vào buổi trưa và kéo dài thì cây bị chết, nhất là khi dinh dưỡng từ hạt giống không còn.

Nấm Pythium gây thối rễ hành

Triệu chứng “hành lươn” hay cây con bị đổ ngã, cong queo, nằm trên mặt đất như con lươn và nhiều khi bị vàng và chết do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Nấm này truyền qua hạt giống, củ giống. Nấm cũng gây hại trên nhiều cây trồng khác nhau, nên nguồn bệnh rất phổ biến trong tự nhiên.

1.3 Phát sinh gây hại

Bệnh thường phát sinh nhiều trên chân ruộng thoát nước kém, có nhiều tàn dư chưa hoai mục hoặc tưới nước quá nhiều ...

Điều kiện nóng và ẩm thuận lợi cho bệnh phát sinh và gây hại. Nhiệt độ thích hợp chung cho các tác nhân gây bệnh  là 25-30°C, ẩm độ cao không khí cao trên 85 %.

Biện pháp canh tác

Đất trồng hành tốt nhất nên luân canh với lúa nước, chọn đất có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt, có độ pH ở mức trung tính (5,5- 6,5).

Tiến hành làm đất kĩ, lên luống cao, thoát nước sau khi mưa hoặc tưới.

Phân hữu cơ bón lót cần được ủ mục trộn với vôi bột rải đều để bón trước khi trồng hành. 

Không tưới quá nhiều nước và thoát nước cho ruộng hành khi trời mưa to.

Khi phát hiện ruộng hành đã bị chớm bệnh, cần khẩn trương nhổ bỏ và tiêu hủy các cây hành bị bệnh. Không nên vứt cây hành bị bệnh vào mương tưới làm lây lan bệnh trên đồng ruộng.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)