Chổi rồng

Giới thiệu chung

Khái niệm “Bệnh chổi rồng” là một cách gọi tên sai của dịch hại này. Nhưng do đi vào tiềm thức của mọi người ngay từ khi “bệnh” mới xuất hiện ở Việt Nam cho nên thành thói quen. Thực chất “Bệnh chổi rồng” trên nhãn là do nhện lông nhung – một loại sâu hại – gây ra. “Bệnh chổi rồng” được ghi nhận đầu tiên từ năm 1941 ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Thái lan, Malaysia, Việt Nam…cũng có ghi nhận triệu chứng tác hại của bệnh.

Ngoài nhãn, người ta cũng ghi nhận nhện hại trên các loại cây khác như chôm chôm, xoài, cây bằng lăng,...

Ở nước ta “Bệnh chổi rồng” bắt đầu gây hại nặng từ những năm 2005 – 2006 ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và sau đó là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tốc độ phát triển nhanh, mức độ gây hại nặng cùng với phạm vi gây hại của “bệnh” rộng nên một số tỉnh đã phải công bố dịch: Sóc Trăng (9/2011), Đồng Tháp (11/2011), Tiền Giang (8/2014). Ở các tỉnh phía Bắc, “Bệnh chổi rồng” cũng đã gây hại ở nhiều vùng trồng nhãn khác nhau: Hưng Yên, Hải dương, huyện Sông Mã (Sơn La),...

1.1 Triệu chứng

Triệu chứng tác hại của “chổi rồng” trên cây nhãn thể hiện rõ ràng nhất trên: chồi non, lá non, chùm hoa và quả non.

Triệu chứng chổi rồng trên cây nhãn Tác hại của chổi rồng trên cây nhãn Bệnh Chổi rồng trên cây chôm chôm Triệu chứng chổi rồng trên cây Bằng lăng

 Trên chồi non: nhện gây hại ngay từ khi mới nhú lộc. Các lá non mới nhú của chồi chưa kịp mở đã bị hại. Hai mép lá cuộn vào gân chính và xoăn lại. Ở các cành chồi bị hại thường có nhiều chồi, xếp sát với nhau tạo thành các chùm như “chổi rồng”.

Trên lá non: nhện cũng gây hại lá non trên những chồi chưa bị hại. Vết hại đầu tiên có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên lá: phần lá sát cuống lá, đỉnh lá, mép lá. Các vết hại lan dần vào phía gân lá. Mặt dưới của lá xuất hiện một lớp lông nhung mịn. Lớp lông nhung này phát triển và bao phủ toàn bộ phiến lá. Lá quăn queo và biến dạng.

Triệu chứng chổi rồng và tác hại trên lộc non Triệu chứng và tác hại của lá nhãn bị nhện lông nhung gây chổi rồng

Trên hoa và chùm hoa: Chùm hoa bị nhện gây hại thường xuất hiện nhiều cành hoa, chúng xếp sát nhau thành búi “chổi rồng” giống như trên chồi lộc non. Nụ hoa thường phát triển to hơn bình thường. Tỷ lệ đậu quả thấp. Trên hoa cũng xuất hiện lớp lông nhung đặc trưng. Tuy nhiên lớp lông nhung này không có mầu nâu thẫm như trên vải thiều.

Triệu chứng tác hại của nhên lông nhung gây chổi rồng trên chùm hoa, nụ, hoa và quả nhãn

Trên quả non: quả non cũng bị nhện gây hại nhưng ít khi gặp trên vườn nhãn vì thông thường khi chùm hoa bị nhện gây hại thường không đậu quả. Nhưng khi đã đậu thì quả non cũng bị hại với vỏ chuyển mầu nâu nhạt, chậm lớn hoặc bị rụng sớm.

1.2 Nguyên nhân

Trong các nghiên cứu của mình So và Zee (1972); Chen và cộng sự (1996)… xác định bệnh “Bệnh chổi rồng” là do vius gây ra. Nhưng Menzel và cộng sự (1989); Chantrasri và cộng sự  (1999) lại cho rằng tác nhân gây bệnh là phytoplasma. Mặc dù các tác giả trên không đưa ra phương thức lây lan cụ thể của từng tác nhân gây hại, nhưng cùng thống nhất là “Bệnh chổi rồng” có liên quan đến nhện Eriophyes sp.

Vấn đề là ở chổ cấu trúc phần miệng của nhện Eriophyes sp. không có vòi hút để xâm nhập vào phần mạch dẫn nơi tập trung của phytoplasma hay vius. Vậy phương thức truyền bệnh của nhện như thế nào và đây vẫn là câu hỏi cần trả lời ?

Ngoài ra, He và cộng sự năm 2001 lại cho rằng “Bệnh chổi rồng” do nhện hoặc sâu đục ngọn gây ra.

Ở Việt Nam cũng có nhiều giả thiết cho rằng “Bệnh chổi rồng” do Phytoplasma hoặc do một loại vi khuẩn gây ra. Nhện Eriophyes là môi giới truyền bệnh. Tuy nhiên các giả thiết này chưa thuyết phục bởi chưa chứng minh được quan hệ của nhện và tác nhân gây bệnh. Đặc biệt khi vòng đời của nhện là quá ngắn, liệu có đủ thời gian để tác nhân gây bệnh trong cơ thể nhện tích lũy (cả về số lượng và độc lực) khả năng truyền bệnh trước khi chết ? Hoặc như câu hỏi về cấu trúc miệng của nhện như trình bày ở trên.

Năm 2017, Trịnh Xuân Hoạt và cộng sự trong kết quả nghiên cứu thuộc đề tài độc lập cấp nhà nước về “Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn tại Việt Nam” đã kết luận “Bệnh chổi rồng” ở Việt Nam do nhện lông nhung Eriophyes dimocarpi gây ra.

Theo kết quả này, nhện Eriophyes dimocarpi có các pha phát dục như sau: Trứng, nhện non tuổi 1, nhện non tuổi 2 và nhện trưởng thành.

Ở nhiệt độ 26°C và ẩm độ 75 %, thời gian trứng trung bình là 5,2 ngày; nhện non tuổi 1 là 2,8 ngày; nhện non tuổi 2 là 5 ngày; thời gian tiền đẻ trứng của nhện trưởng thành là 3,3 ngày. Vòng đời của nhện từ 8 – 15 ngày tùy thuộc điều kiện thời tiết và thức ăn.

Nhện trưởng thành đẻ trứng rải rác ở mặt dưới của lá, trên chồi non, chùm hoa…, nhện non di chuyển chậm hơn so với nhện trưởng thành và thường tập trung ở xung quanh gân mặt dưới của lá.

Nhện lông nhung - Eriophyes dimocarpi gây chổi rồng trên cây nhãn

1.3 Phát sinh gây hại

Ở các tỉnh phía Bắc trong mùa đông lạnh nhện vẫn tồn tại và gây hại.

Điều kiện thời tiết trong mùa khô ở các tỉnh phía Nam hay đầu mùa hè ở các tỉnh phía Bắc là thuận lợi cho nhện phát triển và gây hại.

Nhện thường tập trung gây hại vào các đợt lộc trong năm và khi cây phân hóa mầm hoa và nở hoa.

Nhện gây hại nhiều và nặng hơn trên những cây nhãn không đổn, tỉa sau mỗi vụ.

Ở các tỉnh phía Nam, giống nhãn tiêu da bò bị nhện gây hại nặng nhất. Giống nhãn xuồng cơm vàng hầu như không thấy triệu chứng tác hại của nhện. Ở các tỉnh phía Bắc, giống nhãn lồng Hưng Yên, nhãn muộn Đại Thành đều ghi nhận triệu chứng tác hại của nhện. Nhưng chưa nghiêm trọng như ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long

Biện pháp canh tác

Trồng mới bằng giống cây không có triệu chứng tác hại của nhện hay triệu chứng “chổi rồng”.

Tạo tán cây thường xuyên, khống chế chiều cao tối đa của cây từ 3 – 3,5 m để tiện chăm sóc, bao chùm quả và phòng chống dịch hại khác.

Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư và tiêu hủy.

Những nơi gần nguồn nước tưới, có thể dùng bơm áp lực cao phun cho cây trong mùa khô cũng hạn chế được mật độ nhện gây hại.

Biện pháp thuốc BVTV

Tiến hành phun thuốc trừ nhện sau khi đốn tỉa hoặc khi cây bắt đầu nhú lộc ở các đợt lộc trong năm ở vùng đang có dịch bằng các thuốc có chứa các nhóm hoạt chất: Fenpyroximate, Diafenthiuron, Emamectin benzoate, Abamectin… hoặc dầu khoáng SK, dầu khoáng DC Tron Plus…

Đối với thuốc hóa học sau 2 –3  lần phun một loại thuốc cùng nhóm hoạt chất hoạt chất, cần thay thuốc có nhóm hoạt chất khác cho lần phun tiếp theo để hạn chế hình thành tính kháng thuốc của nhện.

(Liên hệ với chúng tôi).