Sâu đục quả

Giới thiệu chung

Trên nhãn có 4 loài sâu đục quả gây hại làm giảm nghiêm trọng năng suất và phẩm chất, tác hại chúng có chiều hướng gia tăng trong vài năm gần đây.

Sâu đục quả (miền Nam) Conogethes punctiferalis (Guenée), họ Pyralidae, bộ Lepidoptera

Sâu đục quả (miền Bắc) Conopomorpha sinensis (Snellen), họ Gracillaridae, bộ Lepidoptera

Sâu đục hạt quả Deudorix epijarbas amatius Fruhstorfer, họ Lycaenidae, bộ Lepidoptera

Sâu đục quả non (Lepidoptera)

Trong 4 loài trên thì Conogethes punctiferalis phổ biến nhất, tiếp theo là Conopomorpha  sinensis, hai loài còn lại xuất hiện rải rác gây hại không đáng kể.

Trong phạm vi bài này chúng tôi xin giới thiệu loài Sâu đục quả (miền Nam) Conogethes punctiferalis (loài Sâu đục quả (miền Bắc) Conopomorpha sinensis tham khảo Sâu đục cuống quả hại vải và biện pháp phòng chống).

1.1 Triệu chứng, mức độ hại

Sau khi nở sâu non đục vỏ quả (vị trí đục ở gần cuống quả, lỗ đục rất nhỏ nên khó phát hiện) chui vào bên trong để gây hại bằng cách ăn phần thịt gần cuống quả, nếu quả còn non sâu ăn cả phần hạt. Sâu thải phân thành những cục nhỏ mầu đen ra ngòai lỗ đục ngay gần cuống quả. Những quả bị sâu hại thường dễ bị rụng. Sâu có thể tấn công quả nhãn từ khi quả còn nhỏ cỡ đầu đũa ăn cho đến lúc quả già sắp thu hoạch.

1.2 Nhận dạng

Con trưởng thành cơ thể rất nhỏ, mảnh dẻ, chiều dài sải cánh 2,5 mm, chiều dài thân 12mm. Toàn thân và cánh mầu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. 

Trứng hình bầu dục, dài khoảng  0,2 mm. Trứng mới nở có mầu trắng sữa sau đó trở nên vàng nhạt. 

Sâu non 5 tuổi, đẫy sức dài khoảng 7 - 10 mm, đầu nâu, thân mình sâu có mầu trắng ửng hồng, hai đốt ngực (trước và giữa) và hai đốt thân ở cuối đuôi thường có mầu trắng hơi hồng, các đốt còn lại có mầu hồng. 

Nhộng có một lớp màng mỏng. Nhộng lúc đầu mầu vàng hơi nâu, dần dần chuyển sang mầu nâu khi sắp vũ hóa, màng nhộng dài khoảng 13mm, chiều ngang 4mm. 

Kích thước các pha và số lượng chấm đen cũng như cách phân bố của chấm đen trên cánh trưởng thành tùy thuộc vào thức ăn và các cây ký chủ. 

1.3 Sinh vật học

Trưởng thành hoạt động về đêm, trong khoảng từ 20 - 22 giờ cho đến 5 giờ sáng, ban ngày ẩn trong các tán lá dầy. Sau khi vũ hóa, con cái thường tiết Pheromone để hấp dẫn con đực. Sau giao phối 2 - 3 ngày, con cái đẻ trứng. 

Trứng được đẻ phân tán trên vỏ quả (gần cuống), mỗi con cái đẻ khoảng 20-30 trứng. Trứng thường nở vào lúc sáng sớm. 

Sâu non tuổi 1 bò rất nhanh và sau đó đục vào trong quả. Sâu thường nhả tơ kết dính các quả non và ăn phá bên trong quả. 

Sâu hoá nhộng bằng cách nhả tơ kết thành một lớp kén mỏng và hóa nhộng trong kén trên cuống quả hoặc bên trong phần hạt đã đục.

Vòng đời của sâu đục quả nhãn từ 29 - 32 ngày. Trong đó trưởng thành từ 10 - 18 ngày; trứng từ 4 - 6 ngày; sâu non từ 14 - 16 ngày; nhộng từ 7 ngày.

Sâu đục quả gây hại chủ yếu trên vải, nhãn, chôm chôm ...

1.4 Sự phát sinh phát triển

Sâu đục quả phân bố ở Việt  Nam, Cam pu chia,  Trung Quốc,  Ấn Độ,  Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaixia, Myanmar, Sri Lanka,  Thái Lan,  Australia, Papua New Guinea ...

Sâu đục quả có từ 10 - 11 lứa trong năm. Sâu gây hại nặng vào mùa nhãn tháng 12-1 dương lịch.

Sâu xuất hiện và gây hại đều khắp trên các  vùng trồng nhãn tại đồng bằng sông Cửu Long, gây hại nặng tại  Đồng Tháp (100% vườn điều tra) và có thể tấn công đến 100% số cây trên vườn. Tại Đồng Tháp và Tiền Giang, sâu có thể làm thất thu năng suất đến 70%..

Muốn phòng chống sâu đục quả có hiệu quả, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp sau:

Biện pháp canh tác

Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh vườn nhãn, tỉa bỏ những cành già bên trong tán để vườn luôn thông thoáng, hạn chế  nơi trú ngụ của con trưởng thành.

Xử lý cho cây nhãn ra hoa, tạo quả tập trung hạn chế nguồn thức ăn liên tục của sâu. 

Bao chùm nhãn bằng những vật liệu có sẵn như giấy xi măng, bao Nilon, hoặc bao chuyên dùng. Biện pháp này không những phòng ngừa sâu đục cuống trái mà còn phòng ngừa được hầu hết những sâu bệnh gây hại cho trái nhãn như sâu đục trái, rệp sáp, rơi ăn nhãn, bọ xít hại nhãn, bệnh thối trái...

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Sử dụng biện pháp IPM và ICM nhằm hạn chế tối đa việc dùng thuốc hoá học.

Bảo vệ quần thể thiên địch của sâu đục quả: các loài bắt mồi ăn thịt (bọ mắt vàng Chrysopa carnea (Stephens), bọ đuôi kìm Chelisoches morio (Fabricius), ...) và 2 loài ong Chelonus sp. Và Phanerotomasp. ký sinh sâu non, ... nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học trong vườn vải, khai thác giá trị kinh tế của các loài thiên địch.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)