Mọt đục cành

Giới thiệu chung

Cùng với rệp sáp, mọt đục quả, sâu đục thân…thì mọt đục cành (Xyleborus morstatti Hazet) thuộc họ Mọt mỏ ngắn (Ipidae), Bộ Cánh cứng (Coleoptera) cũng là một đối tượng côn trùng thường xuất hiện và gây hại khá phổ biến ở nhiều vùng chuyên canh cây cà phê của nước ta hiện nay, nhất là những vườn cà phê ở cao nguyên Tây Nguyên, nhiều khi khá trầm trọng, gây thiệt hại rất lớn cho nhà vườn.

Ngoài Việt Nam, loài mọt này còn phân bố khá rộng ở nhiều vùng chuyên canh cây cà phê của các nước vùng Đông Nam Á như Malaysia, Ấn Độ…, miền Đông, miền Trung và Nam Phi…

Loài mọt này gây hại chủ yếu trên giống cà phê vối, ngoài cà phê chúng còn sinh sống trên một số cây trồng khác như chè, cacao, bơ, xoài, cọ dầu, muồng hoa vàng hạt to (Crotalaria juncea), đậu săng (Cajanus indicus), xoan, dâu, cây vông…vì thế việc phòng trừ chúng nhiều khi cũng gặp không ít khó khăn do nguồn thức ăn của chúng liên tục có mặt và nằm đan xen với những vườn cà phê.
         
1.1. Triệu chứng và mức độ gây hại

Mọt đục cành gây hại bằng cách con trưởng thành đục một lỗ nhỏ dưới các cành tơ bên hông các chồi vượt chui vào trong cành. Những đường đục này làm gián đoạn mạch dẫn trong cành từ đó cắt đứt nguồn dinh dưỡng và nước nuôi phần trên của cành, khiến cành bị thiếu dinh dưỡng và nước trở nên vàng úa và héo dần, sau đó sẽ bị khô và gẫy, sau khi cành bị hại đã héo khô thì mọt sẽ bay ra ngoài và tiếp tục tìm kiếm những cành khác để gây hại. Cách thức gây hại này đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng hạt, có khi lên đến 30%. Tại vùng chuyên canh cây cà phê của Tây Nguyên loài một này thường gây hại nặng trên những vườn cà phê đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

1.2. Đặc điểm nhận dạng

Con trưởng thành rất nhỏ và cứng, trên mình có nhiều lông tơ màu hung bao phủ (có thể nhìn thấy rất rõ qua kính lúp). Đầu hình cầu, mắt kép hình quả thận, râu đầu hình đầu gối có đốt roi râu phát triển. Mảnh lưng ngực trước nhìn từ phía trên che lấp đầu, có chiều rộng lớn hơn chiều dài, mép tròn nhẵn. Trên mảnh lưng ngực trước có những u lồi rất nhỏ hình thành vòng đồng tâm rất dày, càng ra xa các u lồi càng nhỏ dần và tạo thành các vết nhăn. Cánh trước che kín bụng. Đốt chày chân trước có 4 răng và 1 mấu lồi lớn ở một bên. Đốt chày chân giữa có 7 gai, chân sau có 8-9 gai. Bàn chân 5 đốt nhưng đốt thứ 4 không thấy rõ. Con cái dài khỏang 1,7mm, rộng khoảng 0,9mm, màu nâu đen bóng hay nâu nhạt (nâu sữa) cánh sau (cánh màng) phát triển, nhưng mạch cánh đơn giản. Con đực mầu vàng đậm-nâu nhạt, con đực khác con cái là cơ thể nhỏ và không có cánh sau (cánh màng), dài khoảng 1mm, rộng khoảng 0,6mm.

Trứng hình cầu, màu trắng trong, đường kính khoảng 0,3mm.

Ấu trùng màu trắng kem, phần đầu màu nâu nhạt, không có chân, dài khoảng 2,1mm, rộng 0,7mm.

Nhộng trần, mầu trắng đục, dài khoảng 1,9mm, rộng 0,9mm.

1.3. Đặc điểm sinh vật

Mọt cái có tập quán là chọn nơi đẻ trứng rất cẩn thận, vì thế một con mọt cái có thể đục rất nhiều hang, nhưng chỉ đẻ trứng vào hang thích hợp, cho dù thời gian đục một hang mất khoảng 2 ngày, thậm chí có khi mất tới 3-8 ngày. Thực tế cho thấy trong số 100 cành bị đục, thì chỉ có khoảng 40 cành là có ấu trùng và nhộng sống bên trong, số còn lại có lỗ đục nhưng không thấy có sâu.

Kích thước hang có thể rất nhỏ (0,5-0,8 mm x 1-2 mm), nhưng cũng có thể rất lớn (1,5-3mm x 20-70mm).

Vì con trưởng thành không có cánh màng (con đực) hoặc cánh màng không phát triển (con cái) nên chúng chỉ bắt cặp ngay bên trong hay gần hang do chúng đục.

Trứng được đẻ trong hang thành cụm 8-15 quả. Một mọt cái có thể đẻ 20-30 quả (tối đa 50 quả), đẻ xong mọt cái lấy bụng bịt kín miệng hang và chết ở đó.

Ấu trùng sau khi nở chỉ ăn bào tử nấm Monilia mọc xung quanh vách hang (nấm này do con cái mang vào hang do bào tử nấm dính vào cơ thể của chúng từ hang cũ hoặc qua đường tiêu hoá).

Trong điều kiện nhiệt độ 23oC tại các tỉnh phía Bắc, thời gian phát dục của trứng khoảng 5-8 ngày, ấu trùng khoảng 6-9 ngày, nhộng khoảng 10-15 ngày. Do thời gian đẻ trứng kéo dài, thời gian phát dục ngắn, nên trong mỗi hang đều thấy tất cả các pha phát dục (trứng, ấu trùng, nhộng và trưởng thành).

Tại Buôn Ma Thuột (thủ phủ cà phê của Tây Nguyên), vòng đời của mọt khoảng 31-48 ngày. 

1.4. Đặc điểm phát sinh phát triển

Ở các tỉnh phía Bắc mọt trưởng thành qua đông từ tháng 12, đến tháng 3 năm sau mọt bắt đầu hoạt động giao phối và đẻ trứng (thường giao phối ngay trong hang, nơi qua động). Mọt cái đã giao phối chui ra khỏi hang để tìm các cành cà phê thích hợp đục vào tạo hang và đẻ trứng. 

Ở các tỉnh phía Nam mọt xuất hiện chủ yếu trong các tháng giữa và cuối mùa mưa, đầu mùa khô, gây hại mạnh từ tháng 9, tháng 10 và mạnh nhất vào khoảng tháng 12 và tháng 1 năm sau. Thông thường vào lúc cao điểm tỉ lệ mọt đục cành xuất hiện giao động từ 10 đến 38%. 

Thực tế sản xuất cho thấy giống cà phê vối thường bị mọt gây hại nặng hơn các giồng cà phê khác. Cành bánh tẻ, có nhiều nhựa bị hại nặng nhất. Lô cà phê trẻ bị hại nặng hơn lô cà phê già (nhiều nhất là ở giai đoạn kiến thiết cơ bản của vườn). 

Biện pháp canh tác

Thường xuyên vệ sinh cây dại xung quanh vườn cà phê để giảm bớt ký chủ phụ của mọt đục cành.

Phải kiểm tra vườn cà phê thường xuyên để phát hiện sớm những cành vừa bị héo do mọt gây hại, cắt bỏ ngay và đưa ra khỏi vườn tiêu hủy những cành này để hạn chế mọt phát tán lây lan ra diện rộng. Phải phát hiện sớm và cắt bỏ cành bị hại ngay khi tỷ lệ cành bị hại còn thấp, nếu để vườn bị hại nặng (tỷ lệ cành bị hại cao) mới tiến hành thì biện pháp này không những sẽ rất tốn kém mà tổn thất năng suất cũng vẫn rất lớn.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

(Đang cập nhật)

Biện pháp thuốc BVTV

Quan sát vườn cà phê thường xuyên nếu phát hiện có nhiều mọt trưởng  thành, phun thuốc trừ sâu có khả năng thấm sâu hoặc lưu dẫn mạnh.

(Liên hệ với chúng tôi)

NGUYỄN DANH VÀN