Rầy nhảy

Giới thiệu chung

Cùng với sâu đục trái, rệp sáp phấn, sâu ăn bông…thì rầy nhẩy (Allocaridara maleyensis. Crawford) có nơi gọi là rầy phấn, thuộc họ rầy nhẩy (Psyllidae), bộ cánh đều (Homoptera) cũng là một loài côn trùng khá phổ biến và đôi khi rất trầm trọng trên cây sầu riêng ở tất cả các vùng trồng sầu riêng của nước ta hiện nay, đặc biệt là từ khi có phong trào lập trang trại trồng tập trung chuyên canh cây sầu riêng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long, miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Ngoài Việt Nam, loài rầy này còn được coi là sâu hại chính ở nhiều nước trong khu vực chúng ta như Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Malaysia, Philippenes…
      
1.1. Triệu chứng

Rầy nhẩy gây hại bằng cách cả trưởng thành và ấu trùng cùng chích hút nhựa của những lá non còn cuốn lại chưa mở ra, hoặc ở mặt dưới của những lá non đã mở. 

Trên lá, vết chích ban đầu chỉ là những chấm nhỏ màu vàng, nếu mật số cao gây hại nặng, vết chích dày đặc lá sẽ bị cong queo, vàng úa khô dần và rụng chỉ còn trơ lại những cành khô chĩa lên trời (xin xem ảnh), ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng quang hợp của cây, khiến cây xơ xác, sinh trưởng, phát triển kém, trường hợp này sẽ gây thất thu năng xuất rất nghiêm trọng cho nhà vườn.

Đây là đối tượng gây hại rất quan trọng trên cây sầu riêng ở các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên. Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Cần Thơ thì ở Đồng bằng sông Cửu long rầy nhẩy có thể tấn công trên 90% số cây trong vườn, nhiều cây lá bị hại lên đến 75% (Nguyễn Thị Thu Cúc và Nguyễn Văn Hùng-1997).
Ngoài gây hại trực tiếp, trong chất bài tiết của rầy nhẩy còn chứa nhiều chất đường mật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng Capnodium sp. (muội đen) phát triển phủ đen kín đọt non, mặt lá, cành non… làm giảm khả năng quang hợp tạo vật chất hữu cơ nuôi cây.

1.2. Đặc điểm nhận dạng

Con trưởng thành dài khoảng 4-5 mm, mầu vàng nâu nhạt, cánh trước trong suốt, mắt kép to mầu nâu đậm, râu hình sợi chỉ dài mầu nâu. Trên cơ thể không phủ lớp sáp.

Trứng có hình bầu dục, một đầu hơi nhọn, mầu vàng nhạt, kích thước rất nhỏ (khỏang 1 mm), được đẻ thành từng ổ (8-14 trứng) trong mô lá non còn xếp lại chưa mở ra, dưới dạng những đốm màu vàng hay nâu trên mặt lá.

Rầy non có 5 tuổi, màu hơi vàng, chân sau rất phát triển dễ dàng cho việc bật nhẩy. Tuổi 1 có kích thước rất nhỏ (khoảng 1mm), di chuyển chậm, sang tuổi 2 cơ thể dài khoảng 3 mm và bắt đầu phủ một lớp sáp giống như lông màu trắng, từ tuổi 3 trở đi xuất hiện các sợi sáp trắng dài ở cuối đuôi nhìn giống như đuôi gà và di chuyển rất nhanh khi bị động.

1.3. Đặc điểm sinh vật 

Mỗi khi cây sầu riêng ra đọt non, con trưởng thành của rầy nhẩy di chuyển từ nơi khác đến đẻ trứng thành từng ổ trong mô của những búp lá non chưa mở ra (một con cái có thể đẻ trên 100 trứng), khoảng 5-6 ngày sau sẽ nở ra ấu trùng. Cũng giống như trưởng thành, con ấu trùng cũng thường tập trung ở mặt dưới của lá và cùng với trưởng thành chích hút nhựa của những đọt non, lá non làm đọt, lá non bị quăn queo, vàng và khô rụng. Rầy nhẩy ít di chuyển chỉ bật nhẩy khi bị khua động. 

Chưa có nghiên cứu và tài liệu chính xác về vòng đời, nhưng qua thực tế có thể tạm ước lượng thời gian phát triển của ấu trùng vào khoảng 10-20 ngày tùy vào tình hình thời tiết và chất lượng thức ăn. Vòng đời của rầy nhẩy ước lượng khoảng 1-1,5 tháng. 

1.4. Đặc điểm phát sinh phát triển
Ở các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên có thể bắt gặp rầy nhẩy trên vườn sầu riêng ở hầu hết các tháng trong năm, nhưng thường thấy mật số cao và gây hại nhiều vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm.

Thực tế sản xuất cho thấy những vườn sầu riêng trồng dầy, những vườn um tùm rập rạp ít thông thoáng thường là những vườn bị rầy nhẩy gây hại nhiều hơn những vườn khác.

Biện pháp canh tác

Không nên trồng sầu riêng quá dầy, thường xuyên tỉa bỏ những cành nhánh bị sâu bệnh, cành già, cành tăm, cành không có khả năng cho trái nằm khuất trong tán lá… để vườn luôn thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của rầy. 

Chăm sóc cho cây sinh trưởng khỏe, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để điều khiển cho cây sầu riêng ra đọt lá tập trung, hạn chế nguồn thức ăn phù hợp cho rầy nhẩy liên tục có mặt trên vườn cây. Biện pháp này cần vận động nhiều chủ vườn xung quanh cùng tiến hành đồng loạt thì mới mang lại hiệu quả cao.  

Khi tưới vườn dùng vòi tưới phun mạnh vào chỗ có nhiều rầy bu bám để rửa trôi bớt rầy.

Sử dụng bẫy màu vàng để dẫn dụ thu hút và tiêu diệt con trưởng thành.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Có nhiều loại thiên địch ăn thịt rầy nhẩy như thành trùng và ấu trùng của nhiều loại bọ rùa, kiến sư tử (Chrysopidae, Neuroptera), chuồn chuồn cỏ, một số loài nhện… hoặc ký sinh trên ấu trùng như ong nhỏ Encyrtid wasps, họ Ong nhẩy (Encyrtidae), bộ Hymenoptera.

Qua theo dõi của các nhà chuyên môn cho biết thiên địch của rầy nhảy có khá nhiều trong tự nhiên, nếu biết cách sử dụng thuốc một cách hợp lý theo nguyên tác 4 đúng sẽ bảo vệ được những người bạn này, từ đó có thể thể giữ cho quần thể rầy nhảy không bùng phát thành dịch.

Biện pháp thuốc BVTV

Vào những đợt sầu riêng ra đọt lá non, phải kiểm tra vườn cây thường xuyên, đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ rầy nhẩy kịp thời khi có hơn 50% số chồi bị nhiễm rầy và mật số rầy có chiều hướng gia tăng không dừng lại.

(Liên hệ với chúng tôi)

NGUYỄN DANH VÀN