Thán thư

Giới thiệu chung

Bệnh thán thư trên ổi gây hại phổ biến ở tất cả các vùng trồng ổi trong mùa mưa và đem lại những thiệt hại về năng suất và phẩm cấp của quả. 

1.1 Triệu chứng 

Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận: chồi non, cành non, lá, nụ hoa và trên quả.

Trên chồi non (búp ổi) vết bệnh ban đầu là những vết nhỏ như đầu kim, mầu đen, có biểu hiện như mọng nước. Sau đó lan rộng ra cả chồi gây hiện tượng thối nhũn khi độ ẩm cao hoặc héo, khô khi thời tiết nắng, nóng và ẩm độ thấp. 

 

Bệnh thán thư gây thối, khô chồi non

Trên lá, vết bệnh ban đầu là các đốm nhỏ như đầu kim, mầu nâu nhạt ở mép lá, sau đó lan dần vào phía trong tạo thành những vết bệnh lớn hơn. Gianh giới giữa mô bệnh và khỏe thường có đường viền mầu nâu xẫm.

Trên nụ hoa, vết bệnh ban đầu là các vết đốm nhỏ, mầu đen hơi lõm xuống ở cánh của đài hoa, các vết bệnh cũng có thể liên kết với nhau gây khô hoặc thối nụ hoa khi trời ẩm và các nụ này thường bị rụng xuống mà vẫn không nở. Điều kiện ẩm và ấm trong mùa xuân có thể quan sát thấy lớp nấm trắng trên nụ hoa bị thối.

 

Bệnh thán thư trên nụ hoa ổi Bệnh thán thư gây khô, thối nụ hoa

Trên quả non, ban đầu triệu chứng xuất hiện với những vết nhỏ có mầu nâu nhạt. Sau đó lan rộng ra tạo thành những vết bệnh mầu nâu đậm, hình tròn và hơi lõm xuống. Điều kiện thuận lợi vết bệnh phát triển làm cho vỏ quả trở nên cứng, quả khô đét, không lớn được. Những quả này thường bị rụng sớm. 

Cuống quả cũng bị bệnh với những vết bệnh mầu nâu xám, ranh giới giữa phần bệnh và phần khỏe thường có đường viền mầu nâu xẫm. Vết bệnh có thể phát triển bao quanh cuống quả, gây hiện tượng rụng quả non hoặc chín sớm (chín ép) khi quả đã lớn. 

Quả ổi non bị bệnh thán thư Cuống quả ổi bị bệnh thán thư

Khi quả đã gần chín, trên vỏ quả xuất hiện các vết bệnh lõm xuống, ranh giới giữa mô bệnh và khỏe có đường gờ. Các vết bệnh có thể liên kết lại với tạo thành vết bệnh bất thường về hình dạng và kích thước. Trong điều kiện ẩm ướt hình thành những bào tử màu hồng nhạt ở trung tâm vết bệnh. Bị bệnh ở giai đoạn này làm giảm phẩm cấp quả và gây thối trong quá trình lưu thông hoặc bảo quản.

 

Bệnh thán thư trên quả ổi ở giai đoạn chín

Trên cành non vết bệnh ban đầu có mầu nâu nhạt, vết bệnh hơi lõm xuống và ranh giới giữa phần bệnh và phần khỏe có đường viền mầu nâu và nổi gờ xung quanh. Trung tâm vết bệnh chuyển mầu xám trắng và có thể quan sát thấy các hạch nhỏ mầu đen. Trong điều kiện ẩm ướt, nhiệt độ cao các vết bệnh có thể liên kết với nhau làm cho cành non bị chết khô. 

 

Bệnh thán thư trên cành non

 1.2 Nguyên nhân

Cũng có tài liệu cho rằng bệnh thán thư  gây hại trên ổi do nấm Gloeosporium psidii gây ra. Nấm này chỉ kí sinh và gây hại chỉ trên cây ổi. Tuy nhiên những nghiên cứu về bệnh này ở trong nước và khu vực thấy rằng nấm thán thư gây bệnh trên cây ổi có thể lây nhiễm cho nhiều loại cây trồng khác nhau như: cây có múi, xoài, na…. Các tài liệu này đều ghi nhận bệnh thán thư trên ổi do nấm Collectotrichum gloeosporrioides gây ra. 

 

Bào tử và lông cứng của nấm thán thư - Collectotrichum gloeosporrioides

Nấm tồn tại trên tàn dư cây bệnh. Bào tử nấm không có vách ngăn, hình hạt gạo đến ô van, có nhiều giọt dầu bên trong bào tử. Kích thước bào tử từ 10 - 15 x 2,5 - 3 mm. Dưới kính hiển vi quang học người ta thường quan sát thấy các lông cứng trên mô bị bệnh. 

1.3 Phát sinh gây hại 

Bệnh gây hại quanh năm trên các vườn ổi, nấm bệnh tồn tại trên các mô cây bị bệnh. Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm và mưa nhiều. Nhiệt độ tối thích cho nấm phát triển là từ 25 – 30oC. Vườn cây trồng mật độ cao, vườn tạp trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau, vườn ít tỉa cành tạo tán, chăm sóc kém … bệnh thường gây hại nặng hơn.

Biện pháp canh tác

Trồng ổi với mật độ vừa phải, nên trồng thuần để tiện canh tác.

Tiến hành tỉa cành, tạo tán cây thông thoáng sau khi thu hoạch. 

Cắt bỏ các cành khô, quả bị bệnh, quả rụng trong vườn trong quá trình chăm sóc, thu gom và tiêu hủy. 

Bón phân đầy đủ, cân đối N.P.K và phân trung, vi lượng khác. Hạn chế phân đạm và tăng cường phân ka ly ở giai đoạn thúc quả.

Tiến hành bao quả bằng bao chuyên dùng khi quả bắt đầu lớn vừa hạn chế bệnh vừa hạn chế được ruồi đục quả.

Biện pháp thuốc BVTV

Thường xuyên thăm vườn, khi thấy bệnh xuất hiện tiến hành phun thuốc trừ bệnh có nhóm hoạt chất: Flusilazole, Difenoconazole…. Theo hướng dẫn trên bao bì và đảm bảo thời gian cách ly

(Liên hệ với chúng tôi)

Ngô Vĩnh Viễn