Cây cà phê

Tổng quan

Cà phê là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm cà phê không ngừng tăng lên, vì vậy việc trồng và chế biến cà phê có ý nghĩa kinh tế lớn đối với nhiều quốc gia. 

Cây cà phê thuộc họ Rubiaceae, có khoảng 500 chi khác nhau với trên 6.000 loài.

Tuy nhiên, chỉ có ba loài cà phê có ý nghĩa kinh tế là cà phê chè (Coffea arabica), cà phê vối (Coffea canephora) và cà phê mít (Coffea excelsa).

1.1 Tình hình gieo trồng

Trên thế giới có 75 nước trồng cà phê với diện tích khoảng 10,5 triệu ha và sản lượng hàng năm đạt trên dưới 8 triệu tấn, kim ngạch buôn bán cà phê hàng năm khoảng 55 tỷ USD. Hiện nay tỷ trọng cà phê chè chiếm khoảng 61%; cà phê vối gần 39%; cà phê mít sản lượng không đáng kể. 

Cây cà phê được du nhập vào Việt Nam năm 1857, đầu tiên được trồng tại các nhà thờ. Đầu thế kỷ XX cà phê được đưa đến trồng ở Phủ Quỳ- Nghệ An, Đắc Lắc và Lâm Đồng diện tích trồng không quá vài nghìn ha. Hiện nay diện tích trồng cà phê của cả nước ước đạt 653 nghìn ha, trong đó 5 tỉnh Tây Nguyên trồng 522 nghìn ha bằng 90%, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ (chủ yếu là Đồng Nai và Bình Phước) trồng 32,6 nghìn ha bằng 5%; các tỉnh phía Bắc (chủ yếu là Quảng Trị và Sơn La) mỗi tỉnh trồng khoảng vài ngàn ha giống cà phê chè  bằng 3% diện tích trồng cà phê  của cả nước.

Năng suất cà phê bình quân ở nước ta đạt 2,65 tấn/ ha, sản lượng đạt khoảng 1,75 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 1,56 triệu tấn. Cơ cấu giống cà phê trồng ở nước ta chủ yếu là trồng cà phê vối chiếm  trên 95% diện tích và cà phê chè trồng dưới 5,5% diện tích. Tình hình sản xuất như trên đã đưa nước ta trở thành nước đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê vối và là nước đứng thứ 2 (sau Braxin) về xuất khẩu cà phê. Sự phát triển cà phê đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu người lao động và đã đóng góp vào bước tiến vượt bậc của nền nông nghiệp Việt Nam.

1.2 Kỹ thuật canh tác

Cây cà phê có 2 thời kỳ phát triển chính gồm cà phê kiến thiết cơ bản và kinh doanh. Để cây cà phê phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao người trồng cà phê cần áp dụng Quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cà phê do cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp tại địa phương ban hành. Đối với Quy trình chăm sóc cà phê kinh doanh người trồng cà phê cần nắm vững kỹ thuật: tạo bồn giữ ẩm, bón phân, tưới nước, cắt cành, phòng trừ dịch hại (cỏ dại, sâu hại, bệnh hại); cải tạo vườn cà phê suy thoái.

1.3 Dịch hại chính

Cây cà phê cũng giống như nhiều loại cây trồng khác thường xuyên bị các dịch hại tấn công gây tổn thất về năng suất và chất lượng sản phẩm. Những loài sâu, bệnh hại chính trên cây cà phê bao gồm:

Các loài rệp (rệp sáp, rệp vảy), đây là các đối tượng phát sinh gây hại trên phạm vi rộng và mức độ gây hại nặng, nhất là những năm nắng nóng và khô hạn. 

Các loại mọt: mọt đục cành (Xyleborus morstatti Hag.), mọt đục quả (Stephanoderes hampei Werr), 2 loại dịch hại này xuất hiện gây hại không thường xuyên, nhưng đã có năm chúng xuất hiện gây tác hại lớn; mọt đục quả thường xuất hiện gây hại nặng trên các khu vườn cà phê có quả rơi vãi nhiều trên vườn khi thu hoạch.

Bệnh gỉ sắt (Hemileia vastatrix Berk et Broome), đây là loại bệnh luôn phát sinh và gây hại đáng kể cho các vườn cà phê đã trồng ở tất cả các vùng trồng cà phê trong cả nước, đặc biệt là trên một số giống cà phê chè. Bệnh xuất hiện gây hại vào các tháng 10, 11, 12 và tháng 3, 4 ở các tỉnh phía Bắc và gây hại nặng trên cà phê vào các tháng 10, 11, 12 ở các tỉnh phía Nam. 

Bệnh khô cành, khô quả (do nấm Colletotrichum coffeanum Noack), bệnh thường phát sinh phát triển từ đầu mùa mưa và thể hiện rõ khi quả được 6-7 tháng tuổi. Những cây cà phê bị bệnh gây hại nặng có thể bị chết khô không có khả năng hồi phục. 

Tuyến trùng cũng là đối tượng gây hại khá quan trọng trên cây cà phê ở tất cả các tuổi cây và ở hầu hết các vùng trồng cà phê hiện nay ở nước ta. Tuyến trùng gây hại làm cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển kém, vàng lá dẫn đến năng suất và chất lượng cà phê bị suy giảm.

Ngoài ra còn có một số sâu, bệnh hại khác gây hại cho cây cà phê như rầy xanh, ve sầu bướm, sâu đục thân mình trắng, sâu hồng, bọ trĩ, mối… Các bệnh gây hại do nấm như nấm hồng, bệnh thối rễ, bệnh thối nứt thân, bệnh đốm lá và một số bệnh sinh lý…góp phần làm cho cây cà phê bị suy giảm về sinh trưởng, năng suất và chất lượng.

Trong vài năm gần đây ve sầu phát triển với mật độ cao trên nhiều vùng trồng cà phê ở Đắc Lắc, Lâm Đồng,... Nhiều ý kiến cho rằng ve sầu là đối tượng gây hại quan trọng cần quan tâm và đầu tư nghiên cứu phòng trừ. Có ý kiến lại cho rằng ve sầu tuy gây hại cây cà phê nhưng không lớn. Vì vậy cần theo dõi để có báo cáo đánh giá đúng về đối tượng này.

Bảo vệ tổng hợp

Việc phòng trừ các loại dịch hại trên cà phê có tác động rất lớn tới năng suất và phẩm chất cà phê.

Việc áp dụng Quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây cà phê là xu thế chung hiện nay, biện pháp hóa học là một  trong nhiều biện pháp của Quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp.

Trong trường hợp phòng trừ dịch hại bằng thuốc hóa học cần được hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc đại lý bán thuốc BVTV và tuân thủ thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng. (Liên hệ với chúng tôi)