Cây dưa hấu

Tổng quan

1.1. Cây dưa hấu

Dưa hấu – Citrullus lanatus var. lanatus, họ Cucurbitaceae – có nguồn gốc từ châu Phi từ vài ngàn năm trước đây. Bằng chứng về canh tác dưa hấu trong thung lũng sông Nile đã được tìm thấy từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên trở đi. Người ta cũng đã tìm thấy hạt giống dưa hấu trong lăng mộ triều thứ mười hai của Pharaoh Tutankhamun. Sau đó, dưa hấu phổ biến tới châu Á, Trung Đông (vào khoảng 900 – 1.000 năm sau Công nguyên), châu Âu (khoảng 1300 năm sau Công nguyên) và rồi Bắc Mỹ bởi những người nô lệ châu Phi và thực dân châu Âu. 

Theo số liệu của FAO, diện tích dưa hấu chiếm khoảng 7% diện tích dành cho việc sản xuất rau trên toàn thế giới. Trong 95,211,432 tấn dưa hấu năm 2012 thì top 5 nước có sản lượng dưa hấu cao nhất thế giới là Trung quốc 70.000.000 tấn, Thổ Nhĩ kỳ 4.044.184, Iran 3.800.000, Brazin 2.079.547, Ai Cập 1.874.547. (Nguồn: UN FAOSTAT).

Thành phần dinh dưỡng trong 100g thịt quả chứa 30 kcal; Lipid 0,15g; Protein 0,61g; Cacbonhydrat 7.55g; Đường 6.2g; Chất xơ 0.4g; Vitamin các loại: C – 8.1mg (khoảng 10% trọng lượng thành phần dinh dưỡng); B1 – 0.033mg (3%); B2 – 0.021 (2%); B3 – 0.178 mg; B6 – 0.045 mg,...; Chất khoáng: Canxi – 7mg; Sắt – 0.24mg; Magiê – 10mg; Mangan – 0.038mg; Phốtpho – 11mg; Kali – 112mg; Natri – 1mg; Kẽm – 0.1mg; Chất khác: Lycopene – 4532 µg. (Nguồn: Dữ liệu cơ sở của USDA). 

Ngoài thịt quả được sử dụng phổ biến thì ở một số địa phương trên thế giới người dân còn sử dụng vỏ (cùi gọt sạch lớp vỏ xanh phía ngoài) để làm thức ăn. Lớp vỏ xanh, trắng của quả dưa hấu (khi ta ăn dưa thường bỏ đi) cũng là một vị thuốc với tên gọi “Tây qua bì – vỏ của quả từ phương Tây”. Y học phương đông cho rằng “Tây qua bì” tính hàn, vị ngọt, là vị thuốc chữa các chứng cảm nắng, cảm nóng, phát sốt, lợi tiểu…(xem thêm một số bài thuốc từ vỏ dưa hấu ở cuối bài).

Hạt dưa đen sau khi rang có một vị hấp dẫn được sử dụng trong các ngày Tết âm lịch ở một số nước phương Đông. 

C. l. lanatus var caffer mọc hoang ở sa mạc Kalahari, nơi nó được gọi là tsamma được người San và động vật sử dụng như một nguồn nước, dinh dưỡng khi di chuyển trên sa mạc này.

Ở Việt Nam dưa hấu được trồng ở nhiều địa phương: 

– Các tỉnh phía Bắc: vụ Xuân – Hè (tháng 2 – 5 dương lịch) và vụ Đông (tháng 9 – 11 dương lịch): tập trung ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ...

– Các tỉnh Nam Trung Bộ (trồng từ sau tháng 1 dương lịch): tập trung ở 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

– Vùng ĐBSCL: có thể trồng quanh năm, nhưng tập trung ở vụ sớm (dưa Noel từ tháng 10 – 30/12 dương lịch) và vụ chính (dưa Tết từ tháng 11 dương lịch – Tết Nguyên đán). Tập trung ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang…

Bản đồ phân bố vùng trồng dưa hấu ở Việt Nam:

Diện tích trồng dưa hấu không ổn định: xấp xỉ 20.000 ha/năm. Sản lượng dưa dưa hấu dao động: 500 – 600 ngàn tấn/năm. (Số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2014).

***

Cách chọn quả ngon như vậy đó. 3 x 3 = ? Kỷ lục thế giới (khoảng 160kg).

***

1.2. Đặc tính thực vật

Dưa hấu là một loại cây hàng năm, thân bò, phân nhánh. Lá to, thô, xẻ thùy (có 3 đến 5 thùy tròn hình lông chim) và có lông bao phủ trên cuống lá, cuống hoa. Hình 1. 

Hình 1: Lá và hoa dưa hấu.

Hoa màu vàng, mọc đơn, hoa đực và hoa cái mọc cùng trên cây. Hoa đực: đài hoa dính hình chuông, 5 lá đài, hoa 5 cánh hình bầu dục, bao phấn hình chữ S, có lông mịn, hình thành với số lượng lớn ngay từ đầu vụ. Hoa cái: cánh hoa gắn vào đỉnh của bầu noãn dạng hình cầu, hình thành sau hoa đực. Hình 2. 

Hình 2: Hoa đực (bên trái) và hoa cái (bên phải).

Khả năng tự thụ phấn của dưa hấu là rất kém. Vì vậy thụ phân nhờ côn trùng và thụ phấn nhân tạo là cần thiết. Hình 3.

Hình 3: Các hình thức thụ phấn do côn trùng (bên trái) và nhân tạo (bên phải).

Quả mọng có các dạng thuôn dài, oval, tròn. Quả được bao bọc bởi lớp vỏ cứng, thịt quả có màu đỏ hay vàng. Hạt có thể có màu đen, cứng hay màu trắng, mềm. 

Dưa hấu phù hợp với khí hậu nóng, khô với nhiệt độ hàng ngày trung bình 22 – 30°C. Nhiệt độ tối đa và tối thiểu đối với tăng trưởng khoảng 18°C – 35°C. Nhiệt độ đất tối ưu cho tăng trưởng của rễ là trong khoảng 20 – 35°C. Là cây trồng rất nhạy cảm với sương giá. 

Trong điều kiện nóng, khô có hàm lượng đường cao trong quả đạt đến 11% so với 8% trong điều kiện ẩm mát. 

Ở Việt Nam thời gian sinh trưởng khoảng trên dưới 70 ngày, tùy thuộc vào khí hậu, giống. Giai đoạn cây con khoảng 10 – 15 ngày. Giai đoạn sinh trưởng thân lá 15 – 20 ngày. Cây bắt đầu ra hoa rộ khoảng 25 – 30 ngày. Từ khi hoa cái thụ phấn đến trái chín mất khoảng thời gian từ 30 – 35 ngày tùy theo giống. 

1.3. Kỹ thuật canh tác

Chọn đất, chuẩn bị đất:

Dưa hấu có thể trồng trên nhiều loại đất. Tuy nhiên, ưa thích kết cấu đất thịt pha cát, thoát nước tốt. Trồng trên đất có kết cấu nặng cây phát triển chậm và quả hay bị nứt. Độ pH thích hợp là 5.8 – 6.6. 

Bón lót: 20 – 30 tấn/ ha (phân chuồng + phân hữu cơ), 500 – 1.000kg/ ha (vôi) và 40 – 50% lương phân vô cơ.

Sau khi cày, bừa xong thì lên luống cao 30 – 40cm, rãnh giữa các luống 30 – 50cm, sâu 40 cm. Tùy theo có thể lên luống đơn (2,5 – 3m) hay luống đôi (4,5 – 6m). Lên luống cao giúp cho thoát nước tốt, giữ được nhiệt, các nhánh (dây phụ) được nâng cao hạn chế tiếp xúc với nước tưới.

Trên luống có thể phủ bạt nilon (hạn chế cỏ dại, sâu – bệnh, bốc hơi nước,...)

Gieo hạt, mật độ:

Có thể tùy theo điều kiện (thời gian – thời vụ, nhân lực,...) mà có thể gieo thẳng hoặc gieo bầu.

Mật độ cây thông thường khoảng 900 – 1.000 cây/ ha. Còn đối với những vụ sử dụng quả cho tết âm lịch cần trái to là 500 – 600 cây/ ha.

Chăm sóc:

Lượng phân bón bảo đảm 80 – 100kg/ ha N, 25 – 60kg/ ha P và 35 – 80kg/ ha K, nhưng chia ra các thời kỳ khác nhau của cây. Vào thời kỳ quả phát triển nên hạn chế bón đạm mà tăng cường K.

Tưới cho cây vào buổi sáng (hạn chế tưới buổi chiều vì độ ẩm tạo điều kiện cho một số bệnh hại phát triển). Tránh tưới phun từ cao. Nên tưới theo rãnh (hoặc nếu có điều kiện tưới nhỏ giọt). Trước khi thu hoạch 7 – 10 ngày thì ngừng tưới.

Khi nhánh hình thành thì đặt (hướng) chúng phát triển vuống góc với thân chính. Mỗi cây dưa để 1 thân chính và 1 – 2 nhánh phụ. Các nhánh phụ song song với nhau. Khi quả to (chu vi khoảng 40cm) thì thực hiện bấm ngọn thân chính và nhánh.

Tiến hành làm cỏ thường xuyên. Phun thuốc phòng chống dịch sâu bệnh hại khi cần thiết. Hạn chế phun thuốc vào thời kỳ hoa nở rộ để tránh nguy hiểm cho ong.

Thụ phấn:

Việc thụ phấn nhân tạo nên tiến hành vào sáng sớm 7 – 8 giờ sáng. Buổi chiều hôm trước nên thăm đồng và đánh dấu các hoa có thể thụ phấn được để sáng sau công việc được hoàn tất nhanh chóng. Sau khi trên mỗi cây có 3 – 4 quả phát triển tốt thì nên thường xuyên loại bỏ các hoa cái hình thành muộn.

Thu hoạch:

Cuối chu kỳ phát triển của quả người ta thường lót rơm vào phía dưới để tránh tiếp xúc với độ ẩm của đất. Vì quả hình thành với thời gian khác nhau nên việc thu hoạch không thể tiến hành đồng thời. Người ta có thể chọn lựa quả chín với các biểu hiện sau: Vỗ tay vào quả có tiếng trầm đục; Trên đỉnh quả (nơi có cuống) có màu sáng; Tua trên thân, nhánh trở nên vàng hoặc nâu; Mặt dưới nơi tiếp xúc với đất có màu vàng (hình bên trên).

1.4. Dịch hại chính

Các loại bệnh hại dường như đem lại những thiệt hại cho sản xuất dưa hấu hơn các loại dịch hại khác. Một số bệnh dưa hấu chính có thể gây ra thiệt hại cho dưa hấu bao gồm:  Chết ẻo (héo rũ)  cây con (được gây hại bởi tập đoàn nấm Pythium, Rhizoctonia solani, Fussarium, Phythopthora,…), bệnh phấn trắng (Sphaerotheca fuligineaErysiphe cichoracearum), bệnh giả sương mai (Pseudoperonospora cubensis), bệnh nứt thân xì mủ (Didymella bryoniae). Bệnh sưng rễ do tuyến trùng (Meloidogyne spp.),...Các nguồn bệnh thường tồn tại lâu trong đất vì thế không nên trồng dưa hấu liên tiếp trên cùng một thửa ruộng.

Các loại côn trùng hại dưa hấu gồm: bọ trĩ (Thrips sp.), rệp (Aphis sp.), nhện (Tetramychuss sp.), sâu ăn tạp (Spodoptera sp.), bọ cánh cứng (Anlacophora similis) và một số loài hại rễ, ...

Các loại cỏ hàng năm cũng gây những thiệt hại cho dưa hấu nhất là vào giai đoạn cây sinh trưởng mạnh. Ngoài ra chúng còn là nơi trú ấn cho các loại côn trùng và ký chủ phụ cho một số loại nấm hại.

D.A.M

***