Nứt thân xì mủ

Giới thiệu chung

Bệnh nứt thân xì mủ là bệnh khá phổ biến hại trên dưa hấu ở Việt Nam. Nhiều nơi thường gọi là bệnh “chạy dây”, bệnh “bã trầu”. Tại châu Âu, bệnh này còn được gọi là thối mycosphaerella do sự xuất hiện đặc trưng của nó trên trái cây bị nhiễm bệnh. 

Đây cũng là một bệnh thường gây hại ở tất cả các vùng có trồng dưa hấu trên thế giới. Nó được gây ra bởi nấm Didymella bryoniae (Fucker) Rehm, (1881); Còn có các tên khác: Mycosphaerella melonis (Pass.) W.F. Chiu & J.C. Walker, (1949) và M. citrullina (C.O.Sm.) Grossenb, (1909). Căn bệnh này đã được phát hiện ở Pháp năm 1891 trên những giống dưa thuộc họ bầu bí của Trung Quốc, ở Mỹ (New York) từ đầu những năm 1900. 1

Tác nhân gây bệnh này không chỉ xuất hiện trên dưa hấu mà còn xuất hiện trên các cây trồng thuộc họ bầu bí: dưa chuột, dưa bở, bầu, bí ngô, bí ngòi (bí Nhật Bản), bí xanh, mướp đắng,... Nấm tấn công tất cả các bộ phận của cây (ngoại trừ rễ): thân, chồi nhánh, lá, cuống hoa, cuống quả, quả. Trong điều kiện thuận lợi, bệnh sẽ làm rụng lá, làm chết thân chính và các chồi nhánh,…Từ đó gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

1.1 Triệu chứng, mức độ hại

Trên thân:

Đầu tiên xuất hiện những vết bệnh mọng nước. Sau khô đi có màu xám bạc ở một bên thân hay nhánh. Hình 1. Trên đó có thể xuất hiện những quả thể (perithecia), quả cành (pycinia). 2

Hình 1. Vết bệnh trên thân.

Trên thân và trên các nhánh bị nhiễm bệnh có thể xuất hiện các vết nứt ở các mô biểu bì. Tại vết nứt, dịch keo màu nâu đỏ ứa ra thành giọt, sau cùng đổi thành màu nâu đen và khô cứng lại. Trên miệng vết nứt có thể các quả thể màu đen, nhỏ. (2, 3) Hình 2 a,b. 

                Hình 2a Vết bệnh                                                            Hình 2b quả thể trên thân.

Tổn thương như vậy thường xảy ra trên thân chính. Nếu tổn thương phát triển quanh thân thì kết quả là thân bị héo và cây chết. Triệu chứng này cũng xẩy ra ở nhánh – chồi bên, cuống lá (hình 2c), cuống hoa, cuống quả,… Tuy nhiên, vết bệnh trên nhánh – chồi bên thường chỉ xuất hiện muộn hơn (sau 3 – 4 tuần) khi cây bị bệnh.

Hình 2c: Vết bệnh trên cuống lá.

Bệnh do D. bryoniae đôi khi còn xuất hiện ngay ở giai đoạn nảy mầm của cây. Khi cây mầm bị nhiễm bệnh trên lá mầm và trụ mầm xuất hiện vết bệnh mọng nước, màu nâu. Sau đó chuyển thành màu nâu vàng và khô héo đi.  Nếu vết bệnh bao quanh trụ, thân mầm thì hiện tượng “chết ẻo” là kết quả cuối cùng. Hình 3.

Hình 3: Triệu chứng “chết ẻo” trên dưa hấu do D. bryoniae gây ra.

Lưu ý: Bệnh thán thư (do Colletotrichum orbiculare) và bón vôi cho đất không đủ cũng có thể gây ra sự tiết dịch keo trên thân. Ngoài ra, Fusarium hoặc vết cắn của côn trùng gây ra cũng có thể tạo ra những biểu hiện nứt thân, xì mủ. 6 Do đó, “dịch keo” không nên được coi là một triệu chứng điển hình của bệnh nứt thân – xì mủ dưa hấu. Điểm khác biệt chủ yếu để phân biệt triệu chứng của bệnh nứt thân xì mủ với các biểu hiện trên là sự xuất hiện của những quả thể nhỏ, màu đen trên vết bệnh.

Trên lá: 

Trên các mép lá hoặc xung quanh các gân lá (nơi có thể giữ lại giọt nước lâu nhất so với các vị trí khác trên bản lá) đầu tiên xuất hiện các vết bệnh giống như bỏng nước. Hình 4.

Hình 4: Triệu chứng đầu tiên.   

 Sau đó tùy theo thời gian mà màu sắc vết bệnh đó chuyển dần từ xám bạc sang nâu nhạt, nâu xẫm. Các vết bệnh này thường phát triển dọc theo các gân lá. Vào cuối chu kỳ phát triển những mô lá bị bệnh bị hoại tử, trở nên khô giòn và có thể rách. Trên đó xuất hiện những quả thể màu đen, nhỏ. Hình 5 (a,b).

  Hình 5 (a,b): Những triệu chứng giai đoạn cuối của bệnh trên lá: lá bị rách (a) và hình thành quả thể (b).

Khi những quả đầu tiên hình thành, lá cây bị bệnh trở nên khô úa và chết trong điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển .

Mặc dù gây bệnh cho hầu hết các loại cây thuộc họ bầu bí, nhưng bệnh nứt thân xì mủ trên dưa hấu thường phát sinh gây bệnh vào giai đoạn đầu của cây (từ hình thành lá mầm cho đến giai đoạn đẻ nhánh) còn đối với dưa chuột và bí các loại bệnh lại phát sinh vào giai đoạn cây trưởng thành.

Màu sáng vết bệnh cũng khác nhau. Ví dụ: Vết bệnh trên dưa hấu có màu nâu đen (hình 6) trong khi dưa bở có màu nâu sáng (hình 7a) và có quầng vàng sáng xung quanh (hình 7b). 

Hình 6: Vết bệnh trên dưa hấu. Hình 7 (a, b). Màu sắc vết bệnh trên dưa bở

Lưu ý:  Bệnh thán thư trên họ bầu bí do nấm Colletotrichum orbiculare có những biểu hiện giống với vết bệnh trên lá của bệnh nứt thân xì mủ (Hình 8). Tuy nhiên điều khác biết là sự hình thành quả thể trên vết bệnh. 8

Hình 8: Bệnh thán thư trên dưa bở.

Trên quả:

D. bryoniae cũng xuất hiên gây hại trên quả. Triệu chứng của bệnh trên quả thường xuất hiện sau khi các nhánh bị bệnh nặng. Đầu tiên trên quả xuất hiện những vết nhỏ, tròn, mọng nước có màu xanh tối. Vết bệnh phát triển một cách từ từ. Lúc này ở trung tâm vết bệnh có màu nâu, hơi lõm xuống. Ngoại vi vết bệnh thường là đường viền mọng nước. Trong điều kiện độ ẩm cao thì các quả thể nhanh chóng hình thành và nhô ra (tuy nhiên, khó phát hiện bằng mắt thường) ở vùng trung tâm vết bệnh. Bệnh phát triển thì lớp vỏ quả bị bong ra khỏi phần thịt quả, có màu nâu sẫm đến đen. Quá trình thối rữa bên dưới vết bệnh xảy ra nhanh chóng. Quá trình này có thể xảy ra trên đồng lẫn trong quá trình bảo quản.

Hình 9: Thối quả do D. bryoniae gây ra.

 Lưu ý: Trên dưa hấu vào giai đoạn hình thành quả có bệnh “thối đáy quả” (do thiếu canxi) có triệu chứng tương tự như thối quả do D. bryoniae gây ra. Tuy nhiên sự khác biệt thường dễ quan sát thấy là vết bệnh do “thối đáy quả” thường xảy ra ở phần đáy quả đối diện với cuống quả. 8 Xem hình dưới.

Hình 10: Bệnh “Thối đáy quả” do thiếu canxi.

1.2 Nguyên nhân

Bệnh do nấm Didymella bryoniae (một loại nấm ascomycete) gây ra. D.bryoniae có thể hình thành hai dạng bào tử: vô tính và hữu tính. Các bào tử vô tính phát sinh từ quả cành (pycnidia). Còn các bào tử hữu tính (sinh sản) phát sinh từ quả thể (perithecia). Hình 11, 12.

Hình 11: Quả cành (pycinia) của D.bryoniae. Hình12: Cận cảnh quả cành hình tròn, màu nâu dưới kính hiển vi. (Ảnh: Shawn Butler, NCSU Plant Disease and Insect Clinic).

Các bào tử hữu tính (sinh sản) phát sinh từ quả thể (perithecia). 2 Hình 13.

Hình 13: Quả thể (perithecia) của D.bryoniae.

Ngoài ra, còn một dạng sinh bào tử hữu tính khác là quả thể giả (pseudothecia).  Tuy nhiên hiếm gặp dạng này. Hình 14. 

Hình 14: Pseudothecia.

Quả thể và quả cành có thể được tìm thấy trong các vết bệnh trên thân, lá, cành. Sinh bào tử từ quả cành được coi như là tác nhân gây bệnh đầu tiên và dễ dàng lây lan trên đồng ruộng bằng gió. Bào tử được hình thành trong chất dịch keo của vết bệnh dễ dàng phát tán với khoảng cách ngắn thông qua các giọt nước bắn tung tóe (nước mưa, nước tưới). Đây chính là nguồn lây lan thứ cấp của bệnh. 

Quả thể có thể phát tán ra các nang (asci) có chứa 8 sinh bào tử.Hình 15. Sinh bào tử dễ dàng phân tán và lây lan qua gió hoặc nước sau cơn mưa, giọt sương buổi tối. 

Hình 15: Nang (asci) có chứa 8 bào tử. Hình 16: Bào tử được giải phóng ra từ quả cành (trái); Sinh bào tử bên trong các nang được giải phóng từ quả thể (phải). (Theo Mathews L. Paret and Stephen M. Olson)

1.3 Phát sinh gây hại

Các bào tử vô tính tồn tại trên tàn dư cây vụ trước có thể xâm nhập và gây hại cho hạt giống gây ra hiện tượng “chết ẻo”. 

Đối với những cây trưởng thành, bào tử xâm nhiễm vào lá thông qua biểu bì hoặc các khoảng không bào của khí khổng. Trên những cây bị nứt thân xì mủ các bào tử xâm nhập vào cây qua các vết thương đó. Trên quả, những vết thương cơ giới cũng là địa điểm để bào tử xâm nhiễm và gây hại. Trong điều kiện thuận lợi có thể sau 3 ngày là quả bị thối sau khi bào tử xâm nhiễm. 

Những vết thương cho cây trồng như hoạt động của con người trên đồng ruộng; quá trình gây hại của côn trùng như bọ sọc dưa chuột hoặc rệp; các nấm bệnh hại dưa hấu như bệnh phấn trắng (do Sphaerotheca fuliginea), … cũng tạo điều kiện cho bào tử D. bryoniae xâm nhập.5

Nhiệt độ và độ ẩm là những điều kiện cần thiết cho quá trình xâm nhiễm gây hại của nấm. Với khoảng thời gian 1 – 10 giờ độ ẩm được duy trì trên lá (nước mưa, giọt sương,…) thì bào tử có thể nảy mầm và xâm nhập vào mô của cây chủ. Sau khi bào tử nảy mầm, các triệu chứng có thể xuất hiện ngay khi 7 ngày sau đó.2 Nhiệt độ tối thích cho bào tử nảy mầm là 24 – 25oC và độ ẩm không khí tương đối khoảng 85%.

Mặc dù cần phải duy trì độ ẩm liên tục để tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh, nhưng bào tử của nấm có thể tồn tại như bào tử hậu với điều kiện khô, hạn trong khoảng thời gian hơn một năm trong tàn dư thực vật.

Quả cành không chỉ tồn tại trong tàn dư thực vật của vụ trước mà có thể sống trên các ký chủ phụ trong thời gian dài như mướp đắng (Momordica charantia), bầu (Lagenaria siceraria), mướp hương (Luffa cylindrica), su su (Sechium edule), thanh yên - chanh yên (Citrullus lanatus var. citroides) và Bryonia alba là một loài thực vật hoang dã có hoa trong họ Cucurbitaceae.

Khi gặp điều kiện thích hợp chúng sẽ giải phóng các bào tử và nhờ gió, nước mưa, nước tưới mà phát tán trên đồng ruộng. Bào tử nói chung không tồn tại trong thời gian dài sau khi được giải phóng từ quả cành, quả thể. Hình 17 mô tả chu kỳ phát sinh, phát triển gây hại của D.bryoniae.

Hình 17: Vòng đời của D.bryoniae.

1: Nấm bệnh qua đông dưới dạng sợi nấm hay quả cành trên tàn dư; 2. Các bào tử vô tính được giải phóng từ quả cành; 3. Nhờ các giọt nước và gió mà bào tử tiếp cận với cây chủ; 4. Lá cây bị nhiễm bệnh; 5. Các quả thể và quả cành cùng phát triển trên ký chủ; 6 - 7. Quả thể giải phóng các bào tử hữu tính và nhờ gió phát tán tới những cây chủ mới; 8. Quả cành giải phóng các bào tử vô tính và nhờ các giọt nước mà phát tán chúng tới các mô khỏe trên cùng cây chủ đã gây hại.

Để quản lý dịch hại cần áp dụng các biện pháp:

Biện pháp canh tác

Thực hiện các biện pháp vệ sinh đồng ruộng để giảm nguồn bệnh của nấm D.bryoniae và các loại nấm khác. Tiến hành cày sâu để chôn vùi tàn dư của vụ trước. Việc làm này giúp tăng tốc độ phân hủy của tàn dư.

Vì không có giống kháng nên cần phải mua giống ở những cơ sở có uy tín. Hạt giống phải được xử lý kỹ càng trước khi gieo. Lưu ý chỉ nên xử lý khô.

Mật độ cây phải bảo đảm độ thông thoáng trong vườn, trên cánh đồng nhằm hạn chế độ ẩm cao dẫn đến hiện tượng ngưng tụ nước trên lá. 

Loại bỏ kịp thời cây con cũng như cây trưởng thành bị bệnh.

Bón phân cân đối. Nên sử dụng tưới nhỏ giọt thay vì tưới phun.

Tránh trồng những cây thuộc họ bầu bí và các loại cây là ký chủ phụ gần ruộng dưa. 

Khi tỉa nhánh khỏe cũng như bị bệnh cần dùng các dụng cụ sắc. Chú ý cắt ngang thân hay nhánh, quả. Tránh để chúng bị dập nát.

Tiến hành luân canh sau 2 – 3 năm.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)

D.A.M