Rầy bông

Giới thiệu chung

Cùng với sâu đục trái, sâu đục thân, đục cành, câu cấu xanh, bù lạch, nhện đỏ, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng, bệnh đốm đen vi khuẩn, bệnh thối rụng hoa… thì rầy bông xoài cũng là một dịch hại quan trọng và đôi khi rất nguy hiểm trên cây xoài, vào mùa xoài ra hoa kết trái ở nước ta hiện nay. Loại rầy này có nhiều loài, thuộc họ Cicadellidae, Bộ Cánh đều (Homoptera). Tuy nhiên, gây hại nhiều nhất cho cây xoài vẫn là hai loài Idioscopus niveosparsusIdioscopus clypealis, cho đến nay 2 loài này được ghi nhận chỉ gây hại trên cây xoài và không ghi nhận trên các loại cây khác.

Theo điều tra nghiên cứu của các nhà khoa học thì ngoài Việt Nam, rầy bông xoài còn có mặt trên các vườn xoài ở nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand, Ấn Độ, Myanmar, Sri lanka, Bangladesh, Nepal…        

1.1 Triệu chứng, mức độ gây hại

Trưởng thành của rầy bông xoài rất linh hoạt, nếu mật số cao, khi vào vườn khua động, có thể nghe tiếng nhẩy xào xạc của chúng trong tán lá. Rầy có mặt quanh năm trong tán lá hoặc vết nứt trên thân cây, nhưng mật số rất thấp. Chúng chỉ xuất hiện nhiều khi cây xoài bắt đầu ra hoa và đạt đỉnh cao vào giai đoạn hoa nở (nếu mật số cao, có thể có tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con trên một chùm hoa).

Khi cây xoài ra đọt non, ra hoa kết trái con trưởng thành sẽ di chuyển đến chồi non hoặc chùm bông để đẻ trứng. Sau khi nở, cùng với rầy trưởng thành, rầy non cũng chích hút nhựa trên các chồi non, lá non, nhất là trên các chùm hoa (là chủ yếu)... làm lá non bị khô, hoa bị nâu rồi khô và rụng. Nếu mật số cao, hoa có thể bị rụng hàng loạt chỉ còn trơ lại cuống, gây thất thu hoàn toàn.

Nếu mật số cao, động tác đẻ trứng trên các bộ phận non như cuống lá non, cuống hoa, hoa sẽ gây nhiều vết thương cho các bộ phận này, nếu nhiều quá có thể làm những bộ phận này bị chết.

Ngoài gây hại trực tiếp, trong chất bài tiết của rầy còn chứa nhiều chất đường mật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng (Capnodium sp.) phát triển đen kín cả mặt lá, cản trở quá trình quang hợp của cây.

1.2 Nhận dạng

Con trưởng thành của hai loài rầy Idioscopus niveosparsusIdioscopus clypealis có hình dạng tương tự nhau. Đầu tròn, rộng, cơ thể dạng cái nêm, nhìn giống như con ve sầu, có thể búng, nhảy, bay xa từng đoạn ngắn, di động linh hoạt. Cơ thể mầu xanh nâu hay xanh nhạt, dài khoảng 4-5 mm.

apc ray bong xoai nong duoc

Trứng mới đẻ có mầu trắng sau chuyển mầu trắng sữa, kích thước khoảng 0,86 x 0,30 mm.

Ấu trùng mới nở dài khoảng 0,7- 0,9mm, tuổi cuối dài 3,7- 3,8 mm, hai mắt đỏ, mầu sắc cơ thể biến đổi từ trắng đến xanh lục hoặc vàng nâu nhạt.

1.3 Sinh vật học

Con cái đẻ trứng từng quả một, rải rác vào bên trong cuống chồi non, gân lá, phiến lá non, nụ hoa, cuống chùm hoa... Loài Idioscopus niveoparsus đẻ trứng trên lá non, bông, còn loài I. clypealis chủ yếu đẻ trên bông. Thời gian sống của thành trùng khoảng 3 - 12 ngày.

Một con cái có thể đẻ khoảng 100 - 200 trứng. Trứng được đẻ thành từng quả trong nụ hoa, trong gân lá, trong phiến lá và cả trong cuống của chồi non hoặc cuống bông. Thời gian trứng khoảng 4 - 6 ngày.

Giai đoạn ấu trùng của loài I. clypealis gồm 5 tuổi, mỗi tuổi kéo dài khoảng 2 - 4 ngày, giai đoạn ấu trùng khoảng 11 - 18 ngày. 

1.4 Sự phát sinh phát triển

Rầy bông xoài xuất hiện quanh năm, sống trong các vết nứt của cây, thường xuất hiện nhiều sau một đợt khô hạn và gia tăng mật số nhanh khi xoài ra lá non, trổ bông, đạt mật số cao nhất khi xoài ra bông rộ, lúc ấy, trên một bông có thể có nhiều lứa rầy. Sau khi trái hình thành và phát triển, mật số rầy giảm dần, khi trái đã lớn bằng đầu ngón tay cái thì mật số rầy chỉ còn rất thấp.  

Để hạn chế tác hại của rầy bông xoài, phải áp dụng kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sau đây là một số biện pháp chính:

Biện pháp canh tác

Không nên trồng xoài quá dầy, hàng năm cùng với việc làm gốc bón phân bồi dưỡng cây, cần tiến hành xén tỉa cắt bỏ những cành già cỗi, cành bị sâu bệnh, cành không có khả năng cho trái, cành tăm mọc trong tán lá, vệ sinh cỏ dại… để vườn thông thoáng hạn chế nơi trú ngụ của rầy.

Chăm sóc cho cây xoài sinh trưởng khỏe, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để điều khiển cho cây xoài ra trái tập trung, hạn chế nguồn thức ăn phù hợp cho rầy liên tục có mặt trên vườn cây. Biện pháp này cần vận động nhiều chủ vườn xung quanh cùng tiến hành đồng loạt thì mới mang lại hiệu quả cao. 

Những vùng thường bị rầy gây hại nhiều hàng năm, nếu có điều kiện trước khi xoài ra hoa khoảng 10 - 15 ngày, vận động những chủ vườn xung quanh cùng bố trí bẫy đèn trong vườn để thu hút và tiêu diệt trưởng thành (không làm một mình, vì dễ bị hại nhiều hơn).

Từ khi xoài có nụ hoa phải kiểm tra vườn xoài thường xuyên, nếu phát hiện mật số rầy có chiều hướng gia tăng phải phun thuốc diệt trừ rầy kịp thời.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Trong điều kiện tự nhiên, rầy bông xoài thường bị nhiều loài thiên địch tấn công như nhện, bọ rùa, ong ký sinh (Gonatocerus sp., Erythmelus sp., Mirufens sp., Tetrastichus sp., Centrodora idioceri…), nấm ký sinh (Verticillium lecanii, Hirsutella versicolor, Beauveria bassiana…).

Tuy nhiên, trong những năm gần đây do nhà vườn đã lạm dụng quá nhiều thuốc BVTV những loài thiên địch này đã không còn đủ sức khống chế rầy nữa vì thế cần thận trọng cân nhắc mỗi khi sử dụng thuốc để bảo vệ quần thể thiên địch này

Biện pháp thuốc BVTV

Vào những đợt cây xoài ra đọt non, ra hoa kết trái, phải kiểm tra vườn xoài thường xuyên, để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ rầy kịp thời.

(Liên hệ với chúng tôi)

NGUYỄN DANH VÀN