Bạc lá

Giới thiệu chung

Bệnh bạc lá lúa được coi là một trong những bệnh hại lúa nguy hiểm nhất trên cây lúa ở các nước trồng lúa ở vùng nhiệt đới. Ở nước ta bệnh gây hại nghiêm trọng trong vụ lúa mùa mưa bão. Bệnh thường gây hại nặng trong vụ lúa mùa ở các tỉnh phía Bắc và đang có xu hướng gia tăng tác hại ở các tỉnh trồng lúa thuộc đồng bằng sông Cửu Long

1.1 Triệu chứng

Ban đầu vết bệnh có màu vàng tối, sau đó chuyển sang  màu bạc trắng làm cho lá lúa bị khô đi. Vết bệnh ban đầu thường bắt đầu từ chóp lá rồi lan xuống và từ hai mép lá vào giữa phiến lá (do vậy ở các tỉnh phía Nam người ta còn gọi là bệnh cháy bìa lá).

Vết bệnh thường có đường viền mầu nâu lượn sóng làm gianh giới giữa phần bệnh và phần chưa bị bệnh trên lá. Vào buổi sáng sớm khi trời ẩm ướt có thể quan sát thấy những giọt dịch khuẩn nhỏ mầu vàng, sau đó khô cứng trên mặt lá bị bệnh. Lá đòng bị bệnh thì thiệt hại do bệnh gây ra càng lớn. Bông lúa bị bệnh thường khô, hạt bị lép, lửng nhiều.

1.2 Nguyên nhân 

Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. oryzae Dowson gây ra. Vi khuẩn nhuộm gram âm, hình gậy và sinh ra sắc tố màu vàng. Vi khuẩn này có nhiều nòi sinh học có độc tính gây bệnh khác nhau ở các vùng trồng lúa.

1.3 Phát sinh gây hại.

Vi khuẩn tồn tại trên hạt giống, tàn dư cây lúa trên đồng ruộng, trên  một số loài cỏ dại như: cỏ lồng vực, lúa dại, cỏ đuôi phượng… 

Vi khuẩn xâm nhập vào cây lúa thông qua các vết thương cơ giới và lỗ khí khổng, rễ bị đứt khi nhổ mạ. Bệnh có thể lây lan trên đồng qua nước tưới, nước mưa, gió…

Bệnh bạc lá gây hại nặng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm,  mưa nhiều, gió bão mạnh tạo ra vết thương cơ giới trên thân lá mở đường cho vi khuẩn xâm nhập. Ở các tỉnh phía Bắc bệnh gây hại nặng trong vụ lúa mùa và cuối vụ lúa xuân. Đồng bằng sông Cửu Long vụ lúa hè thu bị bệnh nặng hơn vụ lúa đông xuân. Bệnh gây hại phổ biến khi cây lúa từ giai đoạn đứng cái đến trổ và chín.

Bón nhiều phân đạm, không cân đối với phân lân và phân kali cũng làm cho bệnh dễ phát sinh thành dịch. Ruộng lúa ngập nước sâu thường bị bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, khi ruộng đã bị bệnh mà bị khô hoặc mất nước sẽ làm gia tăng tác hại của bệnh.

Biện pháp canh tác

Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo cấy: dọn sạch tàn dư cây bệnh đem đốt hoặc cày vùi sâu rơm rạ tàn dư cây lúa bị bệnh để diệt nguồn bệnh, phơi ruộng, để ải là biện pháp tốt để hạn chế nguồn bệnh tồn tại trong đất.

Gieo cấy bằng các giống chống chịu hay ít bị bệnh trên đồng ruộng.

Bón cân đối N, P, K. Khi ruộng lúa bị bệnh ngừng bón đạm và cả phân kali. Phân kali có tác dụng tăng cường tính chống chịu của cây lúa với bệnh nhưng phải bón sớm mới phát huy tác dụng.

Tưới, tiêu nước chủ động không để mực nước quá sâu trên ruộng lúa. Giữ mực nước trên ruộng từ 3 – 5 cm  khi cây lúa bị bệnh. 

Sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật: Thuốc trừ  bệnh chỉ phát huy hiệu quả khi ruộng mới bị bệnh (dưới 5 % lá bị bệnh).

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)