Bệnh thối rễ, chảy gôm

Giới thiệu chung

1.1 Triệu chứng 

Rễ bị thối cả lông hút và vỏ rễ làm cho cây không hút được nước và phân bón. Rễ bị bệnh nặng làm cho lá cây chuyển mầu vàng, sau đó bị rụng. Thông thường rễ cây bị bệnh ở phía nào thì cành cây, tán cây ở phía đó bị chuyển vàng, héo lá và rụng.

Trên thân, cành xuất hiện các vết nứt và kèm theo hiện tường chảy gôm. Bị bệnh nặng phần vỏ quanh thân, cành bị thối, sau đó mục dần vào phần gỗ. Trên quả cũng bị bệnh với triệu chứng thối nâu và quả bị rụng nhiều. 

Chồi non cũng bị bệnh và thường gây thối chồi hay thối ngọn. Trong vườn ươm bệnh phổ biến với triệu chứng thối rễ và chết cây con.

1.2 Nguyên nhân 

Bệnh  phổ biến do hai loài nấm Phytophthora citrophthora và Phytophthora  parasitica gây ra  trên cây có múi. Tùy theo điều kiện sinh thái khác nhau mà loài nấm này hay nấm kia đóng vai trò chính gây bệnh trên đồng ruộng. Nấm tồn tại trong đất ở dạng bào tử vách dày (Chlamydospore). Điều kiện thuận lợi trong mùa mưa bào tử vách dày nảy mầm, sản sinh sợi nấm, bào tử bọc (Sporangium). Bào tử bọc nảy mầm gián tiếp, sản sinh du động bào tử (Zoospore) và cũng có thể nảy mầm trực tiếp để xâm nhập và gây bệnh cho cây. Tuy nhiên bệnh lây lan trên đồng ruộng  và phát tán theo nước chủ yếu là do du động bào tử.

1.3 Phát sinh gây hại 

Nấm gây bệnh tồn tại trong đất. Bệnh lây lan bằng du động bào tử. Du động bào tử có thể “bơi” trong nước tự do trong đất, nước mưa…do vậy người ta gọi nhóm nấm thuộc họ Pythiacae (trong đó có nấm Phytophthora) là nấm thủy sinh. Bệnh gây hại quanh năm nhưng phát triển nhanh và gây hại nặng vào mùa mưa. Vườn kém thoát nước bệnh thường bị bệnh nặng hơn. Bón phân đạm nhiều và không cân đối thuận lợi cho bệnh phát triển.

Biện pháp canh tác

Sử dụng gốc ghép chống bệnh như: ở Việt Nam, người ta thường dùng gốc cây trấp, gốc bưởi chua, bưởi rừng, gốc cam đắng, ... Hiện tại gốc trấp thường dùng cho ghép các giống cam, quýt, gốc bưởi chua hay bưởi rừng dùng để ghép các giống bưởi. 

Cây giống sạch bệnh không chỉ sạch bệnh vàng lá Greening và bệnh virus Tristeza mà bầu và cây giống cũng không nhiễm nấm Phytophthora. Do vậy cây giống tiêu chuẩn thường được đặt trên kệ hay giá đỡ cao trên 30cm trong nhà lưới để hạn chế nhiễm nấm Phytophthora trong quá trình sản xuất giống.

Xây dựng hệ thống thoát nước và hạn chế nước mưa đọng trên vườn. 

Tăng cường bón phân hữu cơ để làm giàu vi sinh vật đối kháng nhằm hạn chế sự phát triển của nấm gây bệnh.

Biện pháp thuốc BVTV

Trước mùa mưa nên quét thuốc boóc đô 5% vào thân cây và cành cấp 1. Có thể tiến hành từ 1 - 2 lần trong năm.

Bón chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma kết hợp với phân chuồng vào giai đoạn trước mùa mưa.

Khi phát hiện bệnh hại trên quả, tiến hành thu gom quả rụng và tiêu huỷ.

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)