Rầy chổng cánh

Giới thiệu chung

Cùng với sâu vẽ bùa, sâu xanh ăn lá, sâu đục thân, sâu đục trái, sâu đục vỏ trái, rầy mềm, rệp sáp… thì rầy chổng cánh (Diaphorina citri Kuwayana) thuộc Họ Psyllidae, Bộ Cánh đều Homoptera cũng là một loài côn trùng thường xuất hiện và gây hại trên nhóm cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi…), nhất là những giai đoạn cây ra đọt non, lá non, hoa trái non ở nước ta hiện nay, đặc biệt là các tỉnh Phía Nam.

Ngoài cam quýt, còn thấy chúng sinh sống trên một số loại cây cảnh như cần thăng, kim quýt, nguyệt quới…khiến cho việc phòng trừ chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn do thức ăn của chúng liên lục có mặt trên vườn cây.

Theo điều tra của các nhà chuyên môn thì rầy chổng cánh có mặt và gây hại ở rất nhiều quốc gia trên thế giới như Viết nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ, Philippines, Singapore, Afghanistan, Brazil, Nepal, Pakistan, Saudi Arabia, Honduras, Paraguay, Uruguay…

1.1 Triệu chứng và mức độ gây hại

Rầy chổng cánh gây hại bằng cách cả trưởng thành và rầy non đều tập trung chích hút nhựa ở đọt non, lá non, trái non, làm cho đọt non bị khô héo, các lá non phía dưới bị vàng và quăn queo, nếu nặng có thể làm cho đọt non bị khô rụng lá, gây hiện tượng khô cành, làm cây còi cọc, cắn cỗi, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

Ngoài gây hại trực tiếp, chất bài tiết do rầy thải ra vẫn còn chứa nhiều chất đường mật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng Capnodium sp. (muội đen) phát triển phủ đen kín mặt lá, đọt lá non, cành non… làm giảm khả năng quang hợp tạo vật chất hữu cơ nuôi cây. 
Cả hai tác động trực tiếp và gián tiếp trên đây, đã ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng của cam quýt cho nhà vườn.

Đặc biệt là loài rầy này còn là môi giới truyền vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây bệnh vàng lá gân xanh (Greening) (xin xem ảnh) cho nhóm cây có múi, một bệnh hiện chưa có thuốc chữa trị. Bệnh này đã từng gây thành dịch rộng lớn cho hàng vạn ha cam quýt ở ĐBSCL và các tỉnh Phía Nam vào những năm 90 của thế kỷ trước, khiến hàng ngàn ha cam quýt đã bị chặt bỏ. Chính vì lý do này, mà trong thực tế sản xuất hiện nay rầy chổng tuy gây hại trực tiếp không nhiều lắm, nhưng nó đã trở thành một loại dịch hại nguy hiểm nhất cho nhiều vùng chuyên canh cây cam quýt trên thế giới và cả nước ta hiện nay.

Triệu chứng cây và trái cam quýt bị bệnh vàng lá Greening

1.2 Đặc điểm nhận dạng

Con trưởng thành của rầy chổng cách có kích thước nhỏ (thân dài 2,5-3,0mm). Cánh dài, mầu xám đen, phần giữa cánh trong suốt, có vệt trắng lớn chạy từ đầu đến cuối cánh, lúc đậu cánh và bụng nhô cao hơn đầu. Râu đầu rất ngắn, có 5 đốt, đốt cuối có màu đen. Chân ngực màu vàng, riêng đốt chậu và đốt bàn có màu đen, bàn chân có hai đốt màu đen. Cuối bụng có mang nhiều lông trắng mịn. Rầy cái bụng to hơn rầy đực, màu vàng cam hoặc màu hồng (khi đang đẻ hoặc sắp đẻ), ống đẻ trứng nhọn, màu đen, bụng rầy đực nhỏ, thon nhọn, màu xám xanh. Khi đậu bụng của rầy chổng cánh nhổng cao một góc khoảng 40-45 độ so với bề mặt nơi đậu, vì thế được gọi là rầy chổng cánh (xin xem ảnh).

 

Con ấu trùng và con trưởng thành của rầy chổng cánh

Trứng rất nhỏ (dài khoảng 0,3mm) hình trái lê, màu vàng, phía trên nhọn tạo thành một cuống nhỏ rất đặc biệt.

Ấu trùng hình bầu dục dẹp, di chuyển chậm chạp, có 5 tuổi. Tuổi 1, cơ thể  màu vàng cam, dài khoảng 0,2-0,3mm, ngang 0,1mm, đuôi có 12-14 lông trắng. Tuổi 2, cơ thể màu vàng xanh, dài khoảng 0,5-0,7mm, ngang 0,2 mm, có 16-20 lông đuôi, cuối tuổi 2 mầm cánh trước và sau phân biệt rất rõ. Tuổi 3, cơ thể màu vàng xanh, dài khoảng 1-1,2 mm, ngang khoảng 0,4-0,5 mm, có 30-32 lông đuôi trắng, mầm cánh trước hơi phủ lên mầm cánh sau. Tuổi 4, cơ thể màu nâu vàng, dài khoảng 1,5-1,6mm, ngang khoảng 0,5-0,8mm, có khoảng 48-50 lông đuôi màu trắng. Tuổi 5, cơ thể màu nâu vàng, dài khoảng 1,8-2,0mm, ngang khoảng 1,0-1,2 mm, có từ 56-60 lông đuôi trắng. 

1.3 Đặc điểm sinh vật

Trong điều kiện tự nhiên, sau khi vũ hóa khoảng 4-5 ngày con trưởng thành bắt đầu giao phối, thường ngay sau khi giao phối con cái đẻ trứng. Con trưởng thành ít khi bay hoặc chỉ bay một đoạn ngắn, nhưng có thể nhẩy rất nhanh khi bị động. Một con cái có thể đẻ khoảng 200-800 trứng.

Trứng thường được đẻ thành từng chùm từ 3-5 quả trong nách lá, đôi khi cũng thấy trứng được đẻ rải rác trên các chồi lá non (lá còn xếp, chưa mở ra). Thời gian trứng khoảng 3-7 ngày.

Ấu trùng có 5 tuổi. Ở tuổi nhỏ, ấu trùng thường sống tập trung và tiết ra những sợi sáp trắng xung quanh che phủ nơi sinh sống, khi mới nở ấu trùng thường nằm một chỗ để chích hút nhựa cây khỏang 1-2 ngày sau đó mới di chuyển dần đi chích hút chỗ khác. Sang tuổi 5 ấu trùng di chuyển xuống mặt dưới của lá để lột xác thành trưởng thành.

1.4 Đặc điểm phát sinh phát triển

Ở các tỉnh phía Nam có thể bắt gặp rầy chổng cánh trên vườn cam quýt quanh năm, nhưng thường có mật số cao vào đầu mùa mưa, vì sau những ngày mùa khô nắng nóng, khi mùa mưa đến cây cam quýt bắt đầu ra chồi, lá non, do có thức ăn phù hợp nên rầy gia tăng mật số rất nhanh.

Quan sát thực tế vườn cây cho thấy sự tăng giảm mật số của rầy chổng cánh phụ thuộc khá chặt chẽ vào thời gian ra đọt lá non của cam quýt, vì rầy chổng cách chỉ đẻ trứng trên các chồi non của cam quýt, khi ký chủ chính (cam quýt, chanh bưởi…) không có chồi non thì rầy di chuyển sang những cây ký chủ phụ như nguyệt quế, cần thăng, kim quýt…để duy trì mật số.

Theo GS TS Nguyễn Thị Thu Cúc ở Đồng bằng sông Cửu long chu kỳ sinh trưởng của Rầy chổng cánh khoảng 20 ngày, một năm có thể có khoảng 12-14 thế hệ.

Biện pháp canh tác

-Không nên trồng các loại cây kiểng cùng họ cam quýt (Rutacae) như nguyệt quới, cần thăng, kim quýt…(đặc biệt là cây nguyệt quới) bên trong các vườn trồng cam quýt hay gần kế bên những vườn này, nhất là những vườn cây giống, vì đây là những ký chủ phụ rất ưa thích của rầy chổng cánh.

-Nếu có điều kiện nên trồng một số cây chắn gió bao quanh vườn cam quýt để hạn chế rầy từ nơi khác di chuyển đến vườn.

-Thực tế sản xuất ở các tỉnh phía Nam cho thấy những vườn cam quýt có trồng xen với cây ổi thì mật số rầy chổng cánh rất thấp và tỷ lệ cây bị bệnh Greening cũng ít hơn những vườn khác, vì thế nếu điều kiện phù hợp nên trồng ổi xen trong vườn cam quýt để hạn chế mật số của loài rầy này.

-Nên vận động nhiều chủ vườn trong một vùng rộng lớn cùng tiến hành làm gốc (cắt tỉa cành lá, siết nước, bón phân, tưới nước…để điều khiển cho cây ra trái tập trung) đồng loạt để hạn chế cây cam quýt ra đọt non lai rai, hạn chế nguồn thức ăn phù hợp cho rầy liên tục có mặt trên vườn cây.

-Kiểm tra vườn cây thường xuyên để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ rầy kịp thời.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

3. Biện pháp lợi dụng thiên địch:

Theo điều tra của các nhà chuyên môn thì trong điều kiện tự nhiên của nhiều vùng thuộc Đông Nam Á, thành phần thiên địch của rầy chổng cánh khá phong phú, như các loài ong ký sinh Tamarixia radiataDiaphorencyrtus aligarhensis

Bọ rùa Menochilus sexmaculatus, và một số loài nhện thuộc các họ Oxyopidae, Lilyphiidae, Salticidae, Therdiosomatidae, Thimisidae…cũng là những loài thiên địch của rầy chổng cánh.

Ở Đồng bằng sông Cửu long, một số công trình điều tra nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho thấy Kiến vàng Oecophylla smaragdina có khả năng hạn chế rất tốt sự bộc phát của rầy chổng cánh.

Thực tế vườn cây tại vùng này cũng cho thấy những vườn có mật số kiến vàng cao đều là những vườn có mật số rầy chổng cánh rất thấp, đặc biệt là ở những vườn này tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh Greening thấp hơn nhiều so với những vườn không có kiến vàng. Vì thế nếu có điều kiện nên nuôi nhân và thả kiến vàng bổ xung cho vườn cam quýt.

Kiến vàng và tổ kiến vàng trên vườn cây cam quýt

  

Biện pháp thuốc BVTV

(Liên hệ với chúng tôi)

Nguyễn Danh Vàn