Rệp sáp

Giới thiệu chung

Cùng với sâu xanh ăn lá (bướm phượng), sâu vẽ bùa, rầy mềm, rầy chổng cánh, sâu đục thân, đục trái …thì rệp sáp, còn gọi là rệp sáp phấn, rầy bông… cũng là những loài côn trùng thường xuyên xuất hiện và gây hại, nhiều khi rất trầm trọng trên cây cam quýt (đặc biệt là cam sành, bưởi…), ở nước ta hiện nay.

Nhóm này bao gồm nhiều loài gây hại trên nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, đối với cây cam quýt theo điều tra của các nhà chuyên môn thì loài Planococcus citri Risso (họ Pseudococcidae, bộ Homoptera ) thường xuất hiện và gây hại nhiều hơn.

Loài này được ghi nhận xuất hiện và gây hại cam quýt ở nhiều nước trên nhiều châu lục, như Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Myanmar, Ấn Độ, Hàn quốc, Indonesia, Bangladesh, Brunei, Sri-Lanka, Madagascar, Haiti, ElSalvador, Guyana, Papua New Guinea, Darussalam, và cả Châu Phi, Châu Úc…

Đây là một loại côn trùng đa thực, có phổ ký chủ rất rộng (bao gồm 70 họ thực vật), ký chủ thường gặp là cam quýt, cà phê, ca cao, ổi, mãng cầu xiêm, mãng cầu ta (na), gòn, xoài, nho, lựu, me, táo, chôm chôm… ký chủ nhiều nên việc phòng trừ chúng nhiều khi gặp rất nhiều khó khăn do thức ăn của chúng rất phổ biến và có mặt liên tục trên vườn cây, đồng ruộng.

1.1. Triệu chứng và mức độ gây hại

Cả trưởng thành và rệp non đều tập trung ở đọt non, lá non, cành non, cuống hoa, cuống trái, trái non… chích hút nhựa làm cho đọt non, lá non bị biến dạng cong queo, vàng úa…giảm khả năng tăng trưởng của cây, nếu nặng có thể làm cây chậm lớn còi cọc, chùm hoa và trái non có thể bị rụng, trái lớn có thể bị chín ép (chín sớm) làm giảm phẩm chất trái.
 
Cùng với việc tấn công gây hại những bộ phận phía trên mặt đất, rệp sáp còn tấn công vùng rễ, phá hủy bộ rễ khiến rễ không hút được nước và chất dinh dưỡng cung cấp cho cây, làm cho lá bị héo và vàng úa (dễ nhầm với triệu chứng bị khô hạn).
 
Ngoài gây hại trực tiếp, chất bài tiết do rệp thải ra vẫn còn chứa nhiều chất đường mật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng Capnodium sp. (muội đen) phát triển phủ đen kín mặt lá, đọt lá non, cành non… làm giảm khả năng quang hợp tạo vật chất hữu cơ nuôi cây.
 
Những tác động trực tiếp và gián tiếp trên đây gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cam quýt, từ đó rất dễ gây thất thu lớn cho nhà vườn.

1.2. Đặc điểm nhận dạng

Trưởng thành có cơ thể khá nhỏ, màu vàng, thon hình bầu dục, chiều dài khoảng 2,5 - 4,0mm, chiều ngang khoảng 0,7 - 3,0mm. Rìa mỗi bên cơ thể có 18 sợi tua trắng, phần đuôi cũng có một đôi sợi tua trắng, trên cơ thể phủ đầy chất sáp trắng như phấn. Chân phát triển, đốt chuyển và đốt đùi chân sau dài, trên đốt chậu và đốt chày chân sau có nhiều lỗ trong.

 

1.3. Đặc điểm sinh vật

Theo nguồn www.extento.hawaii.edu, kết quả nghiên cứu trong điều kiện phòng thí nghiệm (thức ăn của rệp là lá cà phê) các nhà nghiên cứu cho biết thời gian sống của con đực (từ khi nở cho đến khi trưởng thành và chết) khoảng 27 ngày, của con cái khoảng 115 ngày. Vòng đời (từ trứng cho đến khi đẻ trứng) của rệp biến thiên từ 20 đến 44 ngày. Mật số rệp sáp thường cân bằng số lượng con cái và con đực. Trong đời sống của mình, một con cái có thể đẻ khoảng 200 - 400 trứng, trung bình 300 trứng.
     
Trứng được đẻ thành lớp bao phủ bởi túi trứng bằng sợi sáp. Thời gian trứng khoảng 2-10 ngày.

1.4. Đặc điểm phát sinh phát triển

Ở các tỉnh phía Nam, do thời tiết thuận lợi, không có mùa đông khắc nghiệt nên rệp sáp có thể xuất hiện quanh năm. Tuy nhiên mật số cao và mức độ gây hại mạnh nhất vẫn là vào mùa khô, nắng nóng, hoặc những thời gian bị hạn kéo dài trong mùa mưa.
        
Thực tế vườn cây cho thấy những vườn cam quýt già cỗi khô hạn, thiếu sự đầu tư chăm sóc thường là những vườn bị rệp sáp gây hại nhiều hơn những vườn khác. Những vườn được trồng cây cao che bớt nắng tạo tiểu khí hậu mát mẻ trong tán cây, những vườn thường xuyên được tưới nước giữ ẩm cho cây, tạo mát mẻ cho vườn trong mùa khô hạn, thì mật độ rệp sáp cũng thấp hơn những vườn khác. Trong một vườn, rệp sáp thường có mật số cao vào giai đoạn cây ra đọt non, lá non, ra hoa kết trái (sau khi “làm gốc”, tức tỉa cành, xiết nước để cây phân hóa mầm hoa, tưới nước trở lại, bón phân… để cây ra đọt, ra hoa trái).

Biện pháp canh tác

Không nên trồng quá dày, đồng thời thường xuyên cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán lá không có khả năng cho trái… để vườn luôn thông thoáng. Chăm sóc chu đáo để cây sinh trưởng và phát triển tốt, có sức chống đỡ với rệp.

Kiến lửa, kiến cao cẳng, kiến hôi…là những loài kiến sống cộng sinh với rệp, chúng ăn chất đường mật có trong chất bài tiết của rệp, đồng thời bảo vệ rệp xua đuổi các loài thiên địch và tha rệp đến những nơi có thức ăn mới, vì thế để hạn chế rệp lây lan từ cây này sang cây khác, từ cành này sang cành khác…thì cùng với việc diệt rệp cần diệt kiến bằng cách thường xuyên dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tủ ở xung quanh gốc để phá vỡ nơi cư trú ngụ của kiến. Khi xịt thuốc trừ rệp cũng nên xịt cả thân cành để trừ kiến.

Nếu thấy xung quanh gốc có nhiều kiến có thể dùng thuốc hột rải xung quanh gốc để diệt kiến, biện pháp này cũng có thể hạn chế bớt mật số của rệp đang gây hại ở vùng rễ.
Khi bơm nước tưới vườn, nên xịt mạnh tia nước vào chỗ có nhiều rệp bu bám để rửa trôi bớt rệp.

Chăm sóc cho cây sinh trưởng khỏe, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để điều khiển cho cây trái tập trung (“làm gốc”), hạn chế nguồn thức ăn phù hợp cho rệp liên tục có mặt trên vườn cây, sẽ có tác dụng hạn chế tác hại của chúng. Biện pháp này cần vận động nhiều chủ vườn xung quanh cùng tiến hành đồng loạt thì mới mang lại hiệu quả cao.
  
Bón phân cân đối và hợp lý giữa đạm, lân và ka li, không bón quá thừa đạm cũng là những biện pháp giúp cây khỏe mạnh, hạn chế bớt tác hại của rệp.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Kiến vàng (Oecophylla smaragdina) là một loại thiên địch có khả năng tiêu diệt côn trùng gây hại cho cây cam, quýt rất tốt, vì thế nếu có điều kiện nên nuôi nhân kiến vàng trong vườn cam, quýt để chúng diệt rệp (nếu vườn đã nuôi kiến vàng thì phải cần hết sức thận trọng khi phun thuốc hoá học, vì loại kiến này rất dễ chết bởi thuốc hoá học).

 

Theo một kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Ai Cập thì ấu trùng của rệp sáp thường bị một số loài ong ký sinh tiêu diệt như:
 
Leptomastidea abnormis, Leptomastix dactylopii, Chrysoplatycerus splendens,  Anagyrus pseudococci...

Trong tự nhiên rệp sáp bị rất nhiều loại thiên địch khống chế mật số.

Tuy nhiên, do những năm gần đây nhà vườn quá lạm dụng thuốc trừ sâu (nhất là những vùng chuyên canh cây cam quýt) nên nhiều nơi đã tận diệt những loài thiên địch này. Để bảo vệ thiên địch, dần khôi phục lại sự cân bằng hệ sinh thái vườn cây, nhà vườn không nên quá lạm dụng thuốc hóa học, chỉ nên sử dụng thuốc khi thật cần thiết và phải chọn những loại thuốc đặc trị, hạn chế thuốc phổ rộng, đặc biệt là phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.

Biện pháp thuốc BVTV

Kiểm tra vườn cam, quýt thường xuyên để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời (nhất là giai đoạn cây đang có đọt non, lá non, bông, trái non). Khi phun, nên phun trực tiếp vào chỗ có rệp đeo bám để vừa tiết kiệm thuốc vừa hạn chế ảnh hưởng tới thiên địch. Trước khi phun thuốc nên phun bằng nước có pha xà bông để rửa trôi bớt lớp phấn sáp bên ngoài, để khi xịt thuốc dễ tiếp xúc với cơ thể của rệp, hiệu qủa diệt rệp của thuốc sẽ cao hơn.

(Liên hệ với chúng tôi)

NGUYỄN DANH VÀN