Cây mía

Tổng quan

 

Cây mía là loại cây có nhiều dưỡng chất như đạm, can xi, khoáng, sắt và nhiều nhất là đường. Mía bổ sung dinh dưỡng cho cơ bắp, thanh nhiệt, giải khát, xóa tan mệt mỏi, trợ giúp tiêu hóa. Ngoài sản xuất đường, mía còn là nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác như giấy, ván ép, sản xuất điện từ bã mía, chăn nuôi bò sữa từ lá và ngọn mía; rỉ đường được dung làm nguyên liệu trong công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, rượu, dung môi Axeton, Butanol, nấm men, Axít Citric, Lactic, Glyxerin, thức ăn gia súc và phân bón.

1.1 Tình hình gieo trồng

Cây mía là cây trồng nhiệt đới, phát triển tốt trong phạm vi từ 35o vĩ tuyến Bắc đến 35o vĩ tuyến Nam. Cây mía không kén đất, có thể trồng được trên nhiều loại đất từ đất cát đến sét nặng. Mía sinh trưởng phát triển tốt từ 21- 35o C, cây mía thích ứng rất rộng từ vùng khô có lượng mưa từ 800-900 mm/năm đến vùng mưa nhiều 2000- 3000 mm/ năm. Tuy nhiên, mía là cây ưa nắng, thông thường thời gian nắng khoảng từ 2.400 giờ trở lên trong năm mới đạt để cây mía phát triển tiềm năng của nó. Việt Nam nằm ở vị trí 8-230 vĩ tuyến Bắc nên hoàn toàn thích hợp cho cây mía phát triển.

Mía đường thế giới phát triển từ thế kỷ 16 và với tốc độ tăng trưởng rất mạnh, đầu những năm cách mạng công nghiệp (1750-1830) sản lượng đường thế giới đạt 820 nghìn tấn/ năm, hiện nay đạt 170 triệu tấn/ năm. Trên thế giới cây mía được trồng ở hơn 100 nước. Những nước sản xuất đường nhiều gồm: Braxin khoảng 35 triệu tấn, Ấn Độ khoảng 24 triệu tấn, Trung Quốc khoảng 13 triệu tấn, Thái Lan khoảng 8,4 triệu tấn, Mỹ khoảng 7,1 triệu tấn, Mexico khoảng 5,5 triệu tấn, Úc khoảng 4,5 triệu tấn, Nam Phi khoảng 2,2 triệu tấn, Indonesia khoảng 2 triệu tấn, Ai Cập khoảng 1,8 triệu tấn, Cu Ba khoảng 1,3 triệu tấn. Braxin và Ấn Độ là hai nước đứng đầu thị trường đường, Ethanol và điện từ mía đường; 69% mía đường của Braxin được sản xuất Ethanol.

Ở nước ta diện tích trồng mía khoảng 310 nghìn ha và có 40 nhà máy chế biến đường (năng suất bình quân 60 tấn/ ha, thấp hơn năng suất bình quân của thế giới là 70 tấn/ ha). Cây mía ở nước ta được trồng tại các vùng chính như sau (Diện tích trồng mía tại các địa phương thay đổi qua từng năm do chuyển đổi cơ cấu cây trồng):

Vùng miền núi phía Bắc diện tích trồng mía chiếm 7,8% diện tích trồng mía của cả nước (Sơn La 4,5 nghìn ha, Tuyên Quang 7 nghìn ha, Cao Bằng 2,5 nghìn ha, Hòa Bình 8,7 nghìn ha …).

Vùng đồng bằng Sông Hồng có diện tích trồng mía không đáng kể.

Vùng Bắc Trung Bộ diện tích trồng mía chiếm 22,9% diện tích trồng mía của cả nước (Thanh Hóa 26 nghìn ha, Nghệ An 28 nghìn ha…).

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ diện tích trồng mía chiếm 17,6% diện tích trồng mía của cả nước ( Phú Yên 20 nghìn ha; Khánh Hòa 17,2 nghìn ha; Quảng Ngãi 5,2 nghìn ha; Bình Định 2,7 nghìn ha).

Vùng Tây Nguyên có diện tích trồng mía chiếm 11,5% diện tích trồng mía của cả nước (Tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc là 2 tỉnh trồng mía chủ lực tại các tỉnh Tây Nguyên).

Vùng Đông Nam Bộ diện tích trồng mía chiếm 16,5% diện tích trồng mía của cả nước ( Tây Ninh 21 nghìn ha; Đồng Nai 6,7 nghìn ha…).

Vùng đồng bằng Sông Cửu Long diện tích trồng mía chiếm 23,8% diện tích trồng mía của cả nước (Long An 13,5 nghìn ha; Hậu Giang 14 nghìn ha; Trà Vinh 6 nghìn ha; Sóc Trăng hơn 12 nghìn ha…).

1.2 Kỹ thuật canh tác

Để cây mía phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao người trồng mía cần áp dụng Quy trình kỹ thuật trồng mía do cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp tại địa phương ban hành. Đối với Quy trình kỹ thuật trồng mía người trồng cần nắm vững và áp dụng một số kỹ thuật then chốt sau: Thời vụ trồng; Đất trồng và làm đất; Giống và chuẩn bị hom giống; Đặt hom; Trồng xen cải tạo đất mía; Chăm sóc gồm: Trồng dặm, tỉa lá mía, tưới nước, bón phân; Phòng trừ sâu bệnh; Thu hoạch.

1.3 Dịch hại chính

Cây mía cũng giống như nhiều loại cây trồng khác thường xuyên bị các dịch hại tấn công gây tổn thất về năng suất và chất lượng sản phẩm. Các dịch hại trên cây mía phát sinh có liên quan rất lớn bởi các điều kiện sinh thái. Có loại dịch hại là đối tượng gây hại chính ở vùng này nhưng là dịch hại thứ yếu của vùng khác. Các kết quả điều tra cho thấy trên mía có 50 loại sâu và 30 loại bệnh, trong đó những loài sâu, bệnh hại chính trên cây mía gồm: (có ảnh và link)

Về sâu hại: Rệp xơ trắng hại mía (hại lá) Ceratovacum lanigera là đối tượng gây hại chủ yếu khi cây mía vươn lóng đến thu hoạch tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra; Bọ hung đen Alissonotum impressicolle và bọ hung nâu Anomate expensa (cả 2 loại này đều hại rễ và gốc cây mía) hiện diện ở hầu hết các tỉnh trong cả nước nhưng gây hại nặng cục bộ tại một số địa phương thuộc vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ; Sâu đục thân mình trắng (còn gọi là sâu đục ngọn) Scirpophaga novella, Sâu đục thân 4 vạch Proceras venosatus và rệp sáp đỏ Saccharicocus sacchari gây hại phổ biến tại các vùng trong cả nước; Sâu đục thân mình vàng (đục mắt) Argyroploces schistaceana hại chủ yếu tại các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra; Sâu đục thân mình hồng lớn (cú mèo) Sesamia sp gây hại nặng chủ yếu tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Trong những năm gần đây xén tóc đen Dorythenes walker xuất hiện và  gây hại nghiêm trọng tại tỉnh Gia Lai; Sâu đục thân Chilo tumidicostalis  là loại sâu gây hại mới xuất hiện gây hại nặng trên diện rông tại tỉnh Tây Ninh.

Về bệnh hại:  Bệnh than đen Utilago scitaminea; Bệnh đốm vàng Cercospora koepkei ; Bệnh gỉ sắt Puccinia melanocephala; Bệnh thối đỏ Colletotrichum falcatum là 4 loại bệnh gây hại phổ biến tại các vùng trồng mía trong cả nước. Trong những năm gần đây (từ năm 2005) bệnh chồi cỏ hại mía Grassy Shoot Disease mà tác nhân gây hại là Phytoplasma do rầy xanh là môi giới truyền bệnh gây hại phổ biến tại các vùng trồng mía phía tây của tỉnh Nghệ An.

Bảo vệ tổng hợp

Việc phòng trừ các loại dịch hại trên cây mía có tác động rất lớn tới năng suất và phẩm chất sản phẩm. Việc áp dụng quy trình phòng chống dịch hại tổng hợp trên cây mía là cần thiết, biện pháp hóa học là một trong nhiều biện pháp của quy trình phòng chống dịch hại tổng hợp. Trong trường hợp phòng trừ dịch hại bằng thuốc hóa học cần được hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc đại lý bán thuốc BVTV và tuân thủ thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng.