Đục thân mình hồng lớn

Giới thiệu chung

Tên khoa học: Sesamia sp. (Lep.: Noctuidae)

1.1 Triệu chứng, mức độ hại

Sâu non tuổi nhỏ ăn biểu bì phía trong bẹ lá. Sâu non cuối tuổi 2 bắt đầu đục vào chỗ non trên thân cây hoặc mầm mía. Có hàng chục sâu non cùng sống trong một đường đục ở thân cây mía. Đường đục hướng lên hay hướng xuống tùy thuộc vào vị trí lỗ đục đầu tiên trên thân cây mía, đường đục dọc thân cây kéo dài 4-15 lóng, đường đục thỉnh thoảng có chỗ phình to là nơi tập trung sâu non. Sâu non thải phân màu vàng rơm ra miệng lỗ đục. Tỷ lệ cây mía bị sâu đục thân mía mình hồng lớn gây thại đạt khoảng 10%.

(Nguồn Internet )

1.2 Nhận dạng

Trứng hình bánh bao hơi dẹt với kích thước là 0,96´0,4 mm; ổ trứng có 2-3 hàng song song nhau, trung bình là 95,3-126,3 trứng/ ổ. Sâu non ở mặt lưng màu phớt hồng, tía hồng, tím hồng, mặt bụng có màu trắng. Mảnh đầu màu đỏ da cam hay đỏ tím. Sâu non đẫy sức có thân dài 31-32 mm. Nhộng được phủ một lớp phấn trắng, mấu lồi phía cuối thân có 6 gai màu đen, thân dài 17,3-20,97 mm. Trưởng thành đực nhỏ hơn trưởng thành cái, có thân dài 16,8-18,7 mm và sải cánh là 27,1-32,2 mm.

(Nguồn Internet )

1.3 Sinh vật học 

Trưởng thành trú ẩn trong ruộng mía ở trên phiến lá, gốc thân cây mía, sau mưa trưởng thành thường ở phía dưới lá mía già. Trứng được đẻ ở phía trong bẹ lá của mầm mía, ở các bẹ lá đang tách dần ra khỏi thân cây hoặc ở phía ngoài bẹ lá. Sâu non mới nở ăn vỏ trứng để lại vết ổ trứng. Sâu non tuổi 1 sống tập trung, ăn sương và nước đọng trong bẹ lá. Sâu non cuối tuổi 2 phân tán và đục vào trong thân cây, có hàng chục sâu non sống trong một đường đục. Sâu non đẫy sức hóa nhộng ở bẹ lá gốc hay trong thân cây mía bị hại.

Ở nhiệt độ 25-30oC và ẩm độ 80%, thời gian phát triển của trứng: 5,5-7,3 ngày; sâu non (5-6 tuổi): 25,6-35,3 ngày; nhộng: 10,4-13,8 ngày; sau vũ hóa 2,3-3,3 ngày trưởng thành cái bắt đầu đẻ trứng. Thời gian vòng đời: 43,9-59,6 ngày. Mỗi trưởng thành cái đẻ trung bình 217,3-254,5 trứng trong khoảng 3,8-4,8 ngày. Trưởng thành cái sống 6,5-8,4 ngày và trưởng thành đực sống 4,2-5,4 ngày.

Ngoài cây mía, sâu đục thân mía mình hồng lớn còn gây hại cây ngô, lúa, cao lương và một số loài cỏ dại khác.

1.4 Sự phát sinh phát triển

Tổng tích ôn hữu hiệu cần cho 1 thế hệ là 831,6oC. Ở Bình Dương, loài Sesamia sp. có thể hoàn thành 6-7 thế hệ/ năm. Ở vùng Đông Nam Bộ, loài Sesamia sp. phát sinh quanh năm, trong suốt thời gian sinh trưởng của cây mía, từ khi trồng/ mọc tái sinh gốc đến thu hoạch, trên mía trồng vụ hè thu và vụ đông xuân. Mật độ sâu non trên đồng luôn ở mức khá cao. Mật độ sâu non trên đồng biến động ruộng phụ thuộc vào nhiệt độ, ẩm độ không khí. Mật độ gia tăng từ tháng 6, đạt đỉnh cao vào tháng 9-11, mật độ thấp nhất là tháng 3-4. Mật độ trên mía tơ cao hơn mía gốc; trên mía trồng vụ hè thu cao hơn mía trồng vụ đông xuân. Giống mía cứng cây, bẹ lá ôm chặt thân (K84-200) và giống mía có nhiều lông, bẹ lá ôm chặt thân (VN84-4137) có khả năng chống chịu, ít bị hại hơn.

Đã phát hiện được 17 loài thiên địch của loài Sesamia sp. Trong đó, phổ biến trên đồng mía là bọ đuôi kìm Euborellia annulipes, kiến bắt mồi Pheidole sp. và chim mía.

Biện pháp canh tác

Điều chỉnh thời vụ trồng, luân canh, xen canh với cây họ đậu; bóc lá, cắt tiêu hủy những mầm cây bị hại; sau mỗi vụ thu hoạch mía dọn sạch cây bị hại, bón phân cân đối, đúng lúc, đủ liều lượng.

Trồng hom giống sạch. Dùng giống chống chịu sâu đục thân mình hồng lớn.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Bảo vệ thiên địch tự nhiên của đục thân mình hồng lớn, có thể nhân ong Tetrastichus howardi ký sinh nhộng, ong Cotesia flavipes ký sinh sâu non, bọ đuôi kìm Euborellia annulipes. Sử dụng chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae và Beauveria bassiana.

Biện pháp thuốc BVTV

Sâu đục thân hại mía có thể sử dụng nhiều loại thuốc khác để phòng trừ hiệu quả nhưng trong giới hạn của Giải pháp này chúng tôi chỉ hướng dẫn sử dụng được một số loại thuốc.

STT

Giai đoạn sinh trưởng cây trồng

Tình trạng dịch hại

Thuốc dùng

Nồng độ, 
lượng dùng

Phương pháp xử lý

Kết quả và cảnh báo

1

Mía 2 - 3 lá

(cuối T3 - đầu T4)

Sau khi bướm rộ 7 ngày

Goltoc 250EC

30ml/ 16 - 18L/ 500m2.

1. Phun ướt đều mặt lá

1. Tỷ lệ dảnh héo < 2%

2. Mía phát triển bình thường

Sacophos 550EC

30ml/ 16 - 18L/ 500m2

1. Phun ướt đều mặt lá

2

Mía 6 - 7 lá

(cuối T4 - T5)

Goltoc 250EC

30ml/ 16 - 18L/ 330m2

1. Phun ướt đều mặt lá

Sacophos 550EC

30ml/ 16 - 18L/ 330m2

1. Phun ướt đều mặt lá

Ghi chú:

Nếu các dịch hại xảy ra cùng lúc có thể kết hợp thuốc để giảm công phun.

Cùng với giải pháp này kính đề nghị quý khách căn cứ sự chỉ đạo của cơ quan BVTV địa phương để vận dụng tốt, đảm bảo hiệu quả cao với tiêu chí phòng là chính.