Đục thân 4 vạch đầu vàng

Giới thiệu chung

Tên khoa học: Chilo sacchariphagus Bojer (Lep. Pyralidae)

Tên Việt Nam khác: Sâu đục thân mía bốn vạch, sâu đục thân bốn vạch, sâu bốn vạch

1.1 Triệu chứng, mức độ hại

Sâu non tuổi nhỏ hại đọt non, ăn nhu mô lá, chừa lại lớp biểu bì mỏng, gây hiện tượng lá bị “lốm đốm trắng”. Cây mía nhỏ bị sâu non đục chết đỉnh sinh trưởng gây “héo đọt”. Trên cây mía lớn, sâu non đục ở khoảng giữa 2 mắt lóng, có thể đục xuyên từ lóng này qua lóng khác, lỗ đục hình tròn, có nhiều lỗ xếp thành hàng ngang, xung quanh lỗ đục có quầng vàng, đường đục trong thân ngắn, ngoằn ngoèo và có nhiều đường ngang. Trên một cây mía có nhiều sâu non cùng sống và phân đùn ra ngoài nhiều. Tỷ lệ cây mía bị sâu đục thân mía bốn vạch đầu vàng gây hại đạt cao nhất trong các sâu đục thân mía, tới 50,6%.

Triệu chứng hại trên đốt lóng Triệu chứng hại trên lá đọt

(nguồn Internet) 

1.2 Nhận dạng

Trứng có hình bầu dục dài, dẹt, kích thước 1,6 x 0,8 mm. Trứng trong ổ được xếp thành 2 hàng xiên chéo nhau. Mỗi ổ trứng có 20-40 trứng. Sâu non đẫy sức dài 30 mm. Mảnh đầu màu nâu vàng. Nhộng đực có thân dài 13-16 mm và nhộng cái có thân dài 16-20 mm, cuối phần bụng có 4 gai lồi. Trưởng thành đực nhỏ và sẫm màu hơn trưởng thành cái. Cơ thể dài 10-16 mm, sải cánh là 30-34 mm.

Trưởng thành Trứng Sâu non Nhộng

(nguồn Internet)

1.3 Sinh vật học

Trưởng thành vũ hóa lúc nửa đêm về sáng, chủ yếu hoạt động ban đêm, ban ngày không hoạt động, ẩn nấp trong tán cây, bắt cặp giao phối ngay đêm thứ nhất hoặc vào đêm thứ 2-3 sau khi vũ hóa. Trưởng thành cái đẻ trứng trên phiến lá xanh nhất của cây mía hoặc trên bẹ của mầm mía. Trứng nở lúc 7-9 giờ sáng. Sâu non tuổi 1, tuổi 2 tập trung trong đọt ăn nhu mô lá, sâu non cuối tuổi 2-đầu tuổi 3 chọn vị trí thích hợp để đục lỗ chui vào thân cây mía. Sâu non đẫy sức chui ra khỏi lỗ đục, chọn một bẹ lá mía khô nhả tơ làm kén hóa nhộng.

Thời gian phát triển các pha trứng: 4-6 ngày, sâu non (5-7 tuổi): 23-42 ngày, tiền nhộng: 1-2 ngày, nhộng: 6-9 ngày. Thời gian trước đẻ trứng: 1-4 ngày. Thời gian vòng đời: 44,7 ngày.

Một trưởng thành cái đẻ 113-386 trứng trong 5 ngày. Trưởng thành cái sống được 6 ngày và trưởng thành đực sống được 4 ngày.

Ngoài cây mía trồng, loài này còn hại mía hoang dại, cây bo bo, cây lúa, cây ngô.

1.4 Sự phát sinh phát triển

Nhiệt độ 17-30oC thích hợp cho sự phát triển của sâu đục thân mía bốn vạch đầu vàng. Sâu đục thân mía bốn vạch đầu vàng xuất hiện quanh năm. Tại miền Bắc, mỗi năm phát sinh 4-5 lứa. Lứa qua Đông xuất hiện sớm hoặc muộn liên quan chặt chẽ với thời tiết mùa Xuân. Mùa Xuân ấm áp thì cao điểm xuất hiện vào tháng 3-giữa tháng 4, mùa Xuân lạnh kéo dài thì cao điểm xuất hiện muộn hơn. Tại miền Nam, mỗi năm có 6 lứa gối nhau, đỉnh cao đạt vào tháng 7 hàng năm. Mật độ trên đồng ruộng phụ thuộc chặt chẽ vào yếu tố ẩm độ không khí: mùa khô (ẩm độ thấp) có mật độ thấp và mùa mưa (ẩm độ cao) có mật độ cao.

Đã xác định được 19 loài thiên địch của sâu đục thân mía bốn vạch đầu vàng. Quan trọng là ký sinh trứng (ong mắt đỏ Trichogramma chilonis, ong đen Telenomus beneficiens), ký sinh sâu non(ong kén trắng Cotesia flavipes) bọ đuôi kìm Euborellia annulipes.

Biện pháp canh tác

Sử dụng hom giống sạch sâu để trồng. Bóc lá mía định kỳ vào tháng thứ 5, 7 và 9 sau khi trồng.

Cắt bỏ các mầm vô hiệu vào tháng thứ 8 hoặc thứ 9 sau khi trồng. Không bón quá nhiều phân đạm. Tháo nước kịp thời, tránh để mía bị ngập, úng.

Dùng giống K84-200, VN85-1427, R570, ROC16 và VN84-4137 có khả năng chống chịu sâu đục thân bốn vạch.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Bảo vệ thiên địch tự nhiên của sâu đục thân mía bốn vạch đầu vàng, có thể nhân ong mắt đỏ Trichogramma spp. thả khi trứng được đẻ rộ, thả bọ đuôi kìm Euborellia annulipes.

Biện pháp thuốc BVTV

Sâu đục thân hại mía có thể sử dụng nhiều loại thuốc khác để phòng trừ hiệu quả nhưng trong giới hạn của Giải pháp này chúng tôi chỉ hướng dẫn sử dụng được một số loại thuốc.

STT

Giai đoạn sinh trưởng cây trồng

Tình trạng dịch hại

Thuốc dùng

Nồng độ, 
lượng dùng

Phương pháp xử lý

Kết quả và cảnh báo

1

Mía 2 - 3 lá

(cuối T3 - đầu T4)

Sau khi bướm rộ 7 ngày

Goltoc 250EC

30ml/ 16 - 18L/ 500m2.

1. Phun ướt đều mặt lá

1. Tỷ lệ dảnh héo < 2%

2. Mía phát triển bình thường

Sacophos 550EC

30ml/ 16 - 18L/ 500m2

1. Phun ướt đều mặt lá

2

Mía 6 - 7 lá

(cuối T4 - T5)

Goltoc 250EC

30ml/ 16 - 18L/ 330m2

1. Phun ướt đều mặt lá

Sacophos 550EC

30ml/ 16 - 18L/ 330m2

1. Phun ướt đều mặt lá

Ghi chú:

Nếu các dịch hại xảy ra cùng lúc có thể kết hợp thuốc để giảm công phun.

Cùng với giải pháp này kính đề nghị quý khách căn cứ sự chỉ đạo của cơ quan BVTV địa phương để vận dụng tốt, đảm bảo hiệu quả cao với tiêu chí phòng là chính.