Bọ nhảy

Giới thiệu chung

Bọ nhảy (Phyllostreta spp.) có thể được coi là loài sâu hại nguy hiểm chỉ sau sâu tơ trên cây bắp cải ở nước ta và nhiều nước trên thế giới (đặc biệt là ở giai đoạn cây còn nhỏ), tác hại của chúng có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Ngoài bắp cải, chúng còn gây hại khá phổ biến trên nhiều loại rau họ thập tự khác như cải củ, su hào, súp lơ, các loại cải, đôi khi còn thấy chúng có mặt trên cả một số rau thuộc họ cà, họ đậu, họ bầu bí...

Trên bắp cải thường gặp hai loài là bọ nhảy sọc thẳng (P. rectilineata Chen.) và bọ nhảy sọc cong (P. striolata Fabr./P. vittata Fabr.), còn gọi là bọ nhảy sọc vỏ lạc. Nhưng bọ nhảy sọc cong là chiếm ưu thế và gây hại nhiều hơn, sau đây xin trình bày về loài bọ này.

1.1 Triệu chứng, mức độ hại

Con trưởng thành của bọ nhảy gặm ăn nhu mô của lá non, lá bánh tẻ, đôi khi cả lá già (nếu thiếu thức ăn) tạo ra nhũng lỗ thủng nhỏ hình bầu dục (kích thước có khi tới vài mm). Với những lá dầy, chúng chỉ gặm ăn nhu mô mặt dưới của lá còn để lại lớp biểu bì trong mờ phía trên. Nếu mật số cao, lá rau có thể bị thủng lỗ trỗ như tấm lưới, ảnh hưởng rất lớn đến quang hợp của cây rau.

Ấu trùng sống trong đất, cắn phá vỏ rễ, tạo ra những đường lõm ngoằn ngèo, những vết cắn phá trên rễ còn là cửa ngõ cho nấm, vi khuẩn…xâm nhập gây bệnh làm rễ bị hư thối, mất khả năng hút nước và dinh dưỡng nuôi cây.

Nếu bị hại nặng sẽ làm cây bắp cải còi cọc, chậm lớn, cây con có thể bị chết, cây lớn không cuộn bắp, hoặc chỉ cho bắp rất nhỏ (nếu đang trong giai đoạn cuộn bắp), gây thiệt hại nghiêm trọng cho người trồng.

1.2 Nhận dạng

Con trưởng thành là một loại bọ cánh cứng, hình bầu dục, cơ thể dài khoảng 2-2,5 mm, màu đen lấp lánh ánh kim, trên mỗi cánh trước có một vân sọc hình củ lạc màu vàng nhạt. Trứng hình bầu dục, dài 0,3 mm, mầu vàng nhạt. Ấu trùng có dạng hình ống, ít chân, màu vàng nhạt, đẫy sức dài khoảng 4 mm. Nhộng hình bầu dục, dài khoảng 2 mm, mầu sữa, đốt cuối cùng có hai gai lồi màu nâu.

1.3 Sinh vật học

Trưởng thành của bọ nhảy rất nhanh nhẹn, có khả năng bay xa và nhảy rất khỏe. Trời nắng chúng thường lẩn trốn nơi râm mát, dưới gốc hoặc mặt dưới của lá bắp cải, chỉ hoạt động nhiều vào sáng sớm và chiều mát. Trời mưa to cũng ít hoạt động. Những ngày lạnh nhiều, chúng tìm nơi ẩn lấp, chỉ bay ra hoạt động mạnh vào giữa trưa, khi nhiệt độ tăng lên. Bọ trưởng thành thường giao phối trên cây.

Trong điều kiện phòng thí nghiệm, thời gian từ khi hóa trưởng thành đến khi đẻ trứng biến động rất lớn (từ 15-80 ngày), thời gian đẻ trứng của con cái rất dài (30-40 ngày). Thời gian sống của con trưởng thành trung bình khoảng 50 ngày (cá biệt tới một năm). Một con trưởng thành cái có thể đẻ trên dưới 100 trứng (cao nhất tới 200 trứng).

Trứng được đẻ ở dưới đất xung quanh vùng rễ chính của cây (cách mặt đất khoảng 1 cm, nơi tập trung nhiều rễ phụ), nếu đất quá ướt chúng có thể đẻ trên gốc thân (sát với mặt đất).

Ấu trùng có 3 tuổi, sống trong đất, ăn rễ cây, giai đoạn ấu trùng dài 11-16 ngày (có khi tới 20 ngày). Đẫy sức ấu trùng hóa nhộng ngay trong đất (sâu 3-7 cm), giai đoạn nhộng khoảng 3-17 ngày. 

1.4 Sự phát sinh phát triển

Bọ nhảy chịu đựng được biên độ của nhiệt độ tương đối lớn, chúng có thể sinh sống được trong khoảng nhiệt độ từ 10-34 độ C, nhưng thích hợp nhất là khoảng 24-28 độ C. Là loài côn trùng ưa ẩm (ẩm độ không khí thích hợp trên 80%)

Thực tế đồng ruộng cho thấy những vùng trồng tập trung chuyên canh rau bắp cải và những loại rau thuộc họ thập tự khác, những vùng trồng lai rai không gọn thời vụ (có nhiếu độ tuổi khác nhau) thường là những vùng bị bọ nhảy gây hại nặng. Những vụ bắp cải trồng trong mùa khô thường bị bọ nhảy gây hại nhiều hơn ở những vụ  được trồng trong mùa mưa. Ruộng bắp cải được bón quá nhiều phân đạm, cây rau mềm yếu cũng là những ruộng bị bọ nhảy gây hại nhiều hơn. Đặc biệt là những ruộng bắp cải còn nhỏ nằm xen kẽ với những ruộng rau họ thập tự đã già, sắp hoặc đang thu hoạch thường là những ruộng bị bọ nhảy gây hại rất nặng…

Bọ cánh cứng có thể gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây bắp cải, nhưng thường hại mạnh nhất khi cây còn nhỏ, nếu không phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ kịp thời cây dễ mất sức, rất khó phục hồi.

Để hạn chế tác hại của bọ nhảy, phải áp dụng kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sau đây là một số biện pháp chính:

Biện pháp canh tác

Sau khi thu hoạch, phải dọn sạch tàn dư của cây bắp cải và cỏ dại trên ruộng, xung quanh bờ đem tiêu hủy, để hạn chế bọ trưởng thành cư trú di chuyển sang vụ sau.

Phải cày phơi ải và làm đất kỹ trước khi trồng vụ sau để diệt trứng, ấu trùng và nhộng bọ nhẩy nằm trong đất.

Phải ươm bắp cải trong nhà lưới để cây giống không bị nhiễm bọ nhẩy, nếu phát hiện có bọ nhẩy phải phun thuốc tiêu diệt triệt để con trưởng thành và nhúng rễ cây giống vào dung dịch nước thuốc (mà chúng tôi sẽ giới thiệu ở phần sau) trước khi đem trồng để diệt ấu trùng, trứng sâu, tránh lây lan ra diện rộng.

Nên xuống giống đồng loạt, gọn thời vụ, tránh bọ nhẩy di chuyển từ ruộng bắp cải (hoặc những loại rau họ thập tự) vừa thu hoạch sang ruộng bắp cải còn nhỏ. Sau vài vụ trồng những loại rau trên nên luân canh với những loại rau màu khác như ngô, khoai lang, ngò gai, hành, tỏi, ớt…tốt nhất là với cây trồng nước (lúa, rau muống, rau nhút…). Nếu vận động được nhiều chủ ruộng trên vùng một khu vực rộng cùng thực hiện thì biện pháp này sẽ mang lại hiệu quả rất cao. 

Khi thu hoạch nên chừa lại một diện tích nhỏ ở giữa ruộng thu hút bọ nhẩy tập trung vào đó rồi phun thuốc tiêu diệt, hạn chế mật độ bọ ở vụ cải kế tiếp.

Cần kiểm tra ruộng bắp cải thường xuyên, nhất là khi cây còn nhỏ hoặc vào những thời điểm các ruộng rau thập tự xung quanh đang thu hoạch, để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ bọ kịp thời.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

(Đang cập nhật)

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)