Thối rễ Rhizoctonia Solani

Giới thiệu chung

Năm 1858, Julus Kűhn quan sát và mô tả một loại nấm trên củ khoai tây và đặt tên nó là Rhizoctonia solani Kűhn. 1

Cho đến nay, R.solani là một trong những loại nấm gây hại trên cây trồng rất phổ biến. Nó có phạm vi ký chủ rất rộng và gây hại trên ở hầu hết các nước trên thế giới. Bắp cải là một trong những cây trồng bị R.solania gây hại nặng. 

Trên cây bắp cải, R.solani gây ra những triệu chứng khác nhau tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây: bệnh thối mầm, thối rễ, chết ẻo, lở cổ rễ , … ở giai đoạn cây con. Bệnh thối bắp ở giai đoạn thu hoạch. Năm 2007 tại Hồ Bắc (Trung Quốc) bệnh thối bắp trên cây bắp cải đã phát sinh thành dịch. Bệnh làm giảm đến 50% năng suất. 2

1.1.Triệu chứng

Chết ẻo:

R.solani có thể xâm nhiễm và gây hại cho bắp cải ngay sau khi hạt giống nảy mầm. Nấm bệnh làm cho mầm cây chết trước khi phát triển thành cây con. (Hình 1)

Những hạt giống nảy mầm được và sau khi vươn khỏi mặt đất thì trên phần thân sát mặt đất hình thành những vết bệnh màu đen bao quanh thân. Bệnh phát triển làm cho cây con héo rũ, đổ rạp xuống và cây con bị chết (hiện tượng chết ẻo – Damping-off). (Hình 2)

Hình 1. R. solani gây thối mầm (Ảnh minh họa).

Hình 2. Triệu chứng chết ẻo ở cây con bắp cải do R.solani.

Bệnh chết ẻo cây con bắp cải do R.solani thích hợp phát sinh, phát triển ở nhiệt độ trên dưới 20oC, đất có ẩm độ cao hoặc sau khi tưới đẫm kéo dài. 3

Thắt cổ rễ (Wire stem):

Những cây bắp cải từ giai đoạn cây con cho đến giai đoan trải lá bàng – chuẩn bị cuộn bắp sẽ có hiện tượng thắt cổ rễ. (Hình 3).

Hình 3. Triệu chứng thắt cổ rễ bắp cải do R.solani.

Ở phần thân, sát mặt đất xuất hiện vết bệnh màu đen bao quanh thân. Bệnh phát triển dần dần làm cho phần thân đó thắt lại. Bệnh nặng thì phần trung tâm của đoạn thân đó bị thối rữa, có thể kéo ra được. Trong khi đó những bó mạch bên ngoài vẫn tồn tại giữ cho thân cây không bị đổ. Trong vòng khoảng 10 ngày nấm có thể làm thối hoàn toàn thân. Cây bị bệnh thường phát triển chậm, còi cọc. 

Một số loại nấm khác (Pythium, Sclerotium,…) cũng có triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, ở phân thân gốc của cây bị bệnh do R.solani thường hình thành những hạch nấm màu nâu, mềm. Còn Sclerotium lại hình thành những hạch nấm màu đen, cứng.

Nguồn bệnh ở giai đoạn cây con trên có thể còn làm cho cây bắp cải bị thối gốc, thối bắp ở giai đoạn sau.

Thối gốc bắp cải do R.solani

1.2 Nguyên nhân

Nấm gây thối rễ bắp cải là Rhizoctonia solani.

R.solani có thể tồn tại nhiều năm trong đất bằng những hạch nấm có đường kính 1 – 3 mm, hình dạng không đồng đều, màu nâu tối. Bên ngoài hạch nấm có một lớp vỏ dày giúp cho chúng có thể tồn tại trong những điều kiện bất lợi (khô hạn, nóng, lạnh, hóa chất,…). Hạch nấm có thể tồn tại và di chuyển dễ dàng nhờ nước. R.solani cũng có thể tồn tại dưới dạng sợi nấm trên tàn dư thực vật. 4

Trong quá trình hoạt động của mình, rễ bắp cải sản sinh một số chất. Những chất này kích thích sự nảy mầm của những sợi nấm, hạch nấm R.solani có sẵn trong đất và giúp chúng xâm nhập vào trong cây. Nhờ vào nguồn dinh dưỡng của cây mà sợi nấm từ trong cây phát triển ra các tế bào bề ngoài của lá. Ở đây, các sợi nấm hình thành các vòi nấm để tiếp tục quá trình lây lan của mình sang các tế bào khác. Trong quá trình lây nhiễm nấm hình thành các enzyme ngoại bào khác nhau từ đó làm suy giảm các thành phần của thành tế bào như cellulose, cutin hay pectin,… Một khi các tế bào của cây chết thì nấm lại hình thành các hạch. Từ đó một quá trình lây nhiễm và phát triển mới lại bắt đầu với một chu kỳ mới như mô tả trên. 4

1.3 Phát sinh gây hại

R.solani qua đông bằng sợi nấm hoặc hạch nấm trên tàn dư cây trồng của vụ trước. Sau khi gặp điều kiện nhiệt độ thích hợp, độ ẩm đất cao thì hình thành các đảm bào tử . Nhiệt độ phù hợp cho nấm phát sinh gây hại dao động từ 13 – 30oC. Tuy nhiên, thích hợp nhất là 18 – 23oC.

Các mầm bệnh có thể lây lan nhờ sự di chuyển của nước trong đất, nước tưới từ nguồn có tồn tại các hạch nấm, đất có tàn dư cây bị bệnh vụ trước và dụng cụ lao động, hạt giỗng nhiễm bệnh,… Chúng có thể xâm nhập vào cây qua rễ, các lỗ khí khổng, vết thương cơ giới,…

R.solani tồn tại trong đất là vô hạn. Nó có phổ ký chủ rộng, bao gồm một số loại rau khác cũng được trồng luân canh với bắp cải.

Để quản lý dịch hại cần áp dụng các biện pháp:

Biện pháp canh tác

Xử lý hạt giống bằng nước nóng hoặc các loại thuốc hóa học.

Nên gieo bầu trước khi cấy. Bầu và đất phải được xử lý cận thận trước khi gieo. Loại bỏ kịp thời các cây bị bệnh ngay từ bầu.

Tránh cấy cây con trong điều kiện đất quá ẩm ướt. Trong thời cây con phát triển, sau những cơn mưa to cần xới xáo kịp thời để hạn chế điều kiện thích hợp cho sự  phát sinh, phát triển của nấm bệnh. Tránh để các lá phía dưới tiếp xúc với đất. 

Làm đất sau thu hoạch nên lựa chọn những ngày khô ráo để hạn chế rễ cây đứt gãy.

Thực hiện chế độ tưới hợp lý. Tránh tưới đẫm. Không sử dụng nguồn nước tù đọng.

Luân canh với những cây trồng không cùng ký chủ của R.solani.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)

D.A.M