Sâu tơ

Giới thiệu chung

Sâu tơ (Plutella xylostella (L.) có thể được coi là dịch hại nguy hiểm số một đối với các loại rau thuộc họ thập tự nói chung và trên cây bắp cải nói riêng ở nước ta và nhiều nước vùng ôn đới và nhiệt đới trên thế giới. Chúng có khả năng kháng thuốc rất nhanh, nên việc phòng trừ chúng nhiều khi gặp không ít khó khăn.

1.1 Triệu chứng, mức độ hại

Khi mới nở sâu non gặm ăn nhu mô ở mặt dưới của lá thành các đường rãnh nhỏ, đến tuổi 2 sâu ăn nhu mô lá thành các lỗ thủng chỉ để lại lớp biểu bì mờ ở mặt trên lá, từ tuổi 3 trở đi sâu ăn mạnh tạo thành các lỗ thủng trên lá. Nếu mật số cao (có khi tới hàng trăm con/ cây) chúng sẽ ăn hết mô lá, chỉ còn trơ lại gân lá, cây bắp cải sẽ trở lên xơ xác, còi cọc, có thể bị chết (nếu cây còn nhỏ), không thể cuốn bắp được (nếu cây ở giai đoạn đang trải lá bàng chưa cuốn bắp) hoặc cho năng suất rất thấp (nếu đang cuốn bắp trở đi).

1.2 Nhận dạng

Con trưởng thành dài 6-7 mm, sải cánh rộng 12-15 mm, màu xám đen. Cánh trước màu nâu xám. Khi đậu cánh xếp xiên hình mái nhà, cuối cánh hơi cao lên, mép ngoài có lông dài, trên đầu có hai rây dài.

Trứng rất nhỏ (mắt thường khó nhìn thấy), hình bầu dục, kích thước 0,44 x 0,26 mm.

Sâu non có 4 tuổi, tuổi 1 có màu tương tự màu của lá cây bắp cải, sau đó chuyển dần sang màu xanh lá cây nhạt, đẫy sức dài 10-12 mm.

Nhộng màu vàng nhạt, dài 5-6 mm, kén mỏng, hình thoi. 

Trưởng thành Trứng Sâu non Nhộng

(Nguồn Internet)

1.3 Sinh vật học

Ban ngày trưởng thành thường ẩn náu dưới tán lá rau và nơi kín đáo. Chiều tối bay ra giao phối và đẻ trứng (thường hoạt động nhiều từ chập tối tới nửa đêm). Sau khi vũ hóa trưởng thành có thể giao phối ngay, và sau 1-2 ngày thì đẻ trứng. Trứng được đẻ rời rạc hoặc thành từng cụm 3-5 quả ở mặt dưới lá. Trong điều kiện nuôi trong phòng thí nghiệm một con cái đẻ trung bình khoảng 140 quả (cao nhất có thể tới 400 quả). Thời gian trứng khoảng 3  ngày.          

Sâu non thường sống ở mặt dưới lá, thích ăn lá non và lá bánh tẻ. Khi bị khua động sâu non thường nhả tơ lẩn trốn. Đẫy sức sâu nhả tơ dệt kén hóa nhộng ở mặt dưới lá.

1.4 Sự phát sinh phát triển

Sâu tơ có thể chịu đựng được sự giao động tương đối lớn của nhiệt độ, chúng có thể sinh trưởng, phát triển và sinh sản trong khoảng nhiệt độ từ 10-40 độ C, nhưng thích hợp nhất là khoảng 20-30 độ C. Nhìn chung sâu tơ ưa khí hậu ôn hòa.

Thực tế đồng ruộng cho thấy: tùy theo tập quán canh tác, điều kiện nhiệt độ và ẩm độ của từng vùng, từng vụ rau, tùy theo giống rau, cách bón phân…mà sâu gây hại nhiều hay ít. Những vùng trồng tập trung chuyên canh những loại rau thuộc họ thập tự thường là những vùng bị  sâu tơ phát sinh gây hại nặng. Những vụ rau trồng trong mùa khô thường bị sâu tơ gây hại nhiều hơn ở những vụ rau được trồng trong mùa mưa (do mưa nhiều sâu non dễ bị nấm Beauveria basiana và vi khuẩn Bacillus thuringiensis gây bệnh). Những giống bắp cải có lá dầy, cứng (thường là những giống trồng ở vùng nóng) thường bị sâu tơ gây hại ít hơn những giống có lá mềm (giống được trồng ở vùng lạnh, những vụ rau trồng trong mùa lạnh). Ruộng bắp cải được bón quá nhiều phân đạm, cây rau mềm yếu cũng là những ruộng bị sâu tơ gây hại nhiều hơn…

Để hạn chế tác hại của sâu tơ, phải áp dụng kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sau đây là một số biện pháp chính:

Biện pháp canh tác

Sau khi thu hoạch, phải dọn sạch tàn dư của cây bắp cải đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy, để hạn chế mật số sâu ở vụ sau.

Phải ươm giống bắp cải trong nhà lưới để hạn chế sâu tơ đến đẻ trứng.

Nên trồng xen thêm một số loại rau có mùi khó chịu như cà chua, hành tỏi...để “xua đuổi” con trưởng thành của sâu tơ đến đẻ trứng trên cây rau bắp cải.     

Nên tưới cải bằng vòi phun mưa vào buổi chiều mát để ngăn cản việc giao phối của con trưởng thành và rửa trôi bớt sâu non và trứng trên cây rau.

Sau vài vụ trồng bắp cải, nên luân canh với những loại rau mầu không thuộc họ thập tự như: hành, dưa leo, bầu, bí, mướp, cà chua, ớt, ngò gai, bắp, khoai lang, đậu nành…tốt nhất là với cây trồng nước (lúa, rau muống, rau nhút…).

Trước khi đưa cây giống ra trồng ngoài ruộng sản xuất, nên phun một đợt thuốc trên vườn ươm, hoặc nhúng cây con vào dung dịch nước thuốc đã pha để tiêu diệt sâu non và trứng trên cây giống.

Phải kiểm tra vườn bắp cải thường xuyên để phát hiện sớm và phun xịt thuốc diệt trừ sâu kịp thời, khi sâu còn nhỏ tuổi, bằng những loại thuốc trừ sâu sinh học (hoặc đặc trị, có phổ hẹp) để hạn chế khả năng kháng thuốc của sâu và bảo vệ thiên địch.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Trên đồng ruộng có khá nhiều loại thiên địch có khả năng không chế rất hữu hiệu mật số sâu tơ, những loại thiên địch này có thể gây bệnh cho sâu như nấm Beauveria basiana, vi khuẩn Bacillus thuringiensis, nhiều loài ong và ruồi ký sinh, trong đó ong ký sinh Cotesia plutellae có lúc ký sinh tới 22-24% sâu non sâu tơ trên ruộng, hoặc côn trùng bắt mồi ăn thịt như bọ rùa đỏ (Micraspis discolor Fabr.), bọ rùa 8 chấm (Harmonia octomaculata Fabr.), bọ rùa 6 chấm (Menochilus sexmaculatus Fabr.), bọ rùa chữ nhân (Coccinella transversalis Fabr.), bọ cánh cộc (Paederus guscipes Curt.) và một số loài nhện bắt mồi khác. Những loài thiên địch này rất dễ bị tiêu diệt bởi thuốc trừ sâu, vậy mỗi khi sử dụng thuốc trừ sâu cần phải cân nhắc thật kỹ, sao cho ít ảnh hưởng nhất đến chúng.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)