Giới thiệu chung
Tên khoa học: Stenchaetothrips biformis (Bagnall) (Thysanoptera: Thripidae)
Tên Việt Nam khác: bù lạch, bù lửa
1.1 Triệu chứng, mức độ hại
Trưởng thành, ấu trùng hút nhựa từ lá làm cây sinh trưởng còi cọc, hút nhựa từ hoa lúa làm hạt lúa không thụ phấn. Lá lúa non mới bị hại có nhiều điểm trắng nhỏ, hay những đường sọc màu vàng sáng. Lá bị hại sẽ cuốn mép lại theo gân chính tạo thành ống tròn, ngọn lá bị hại trở nên khô vàng, quăn lại. Bị hại nặng và gặp hạn thì cây lúa khô héo nhanh và "cháy".
1.2 Nhận dạng
Trứng hình quả thận hoặc bầu dục với chiều dài 0,23mm. Ấu trùng có 2 tuổi, cơ thể ấu trùng tuổi 1 và tuổi 2 đều hình ống, nhẵn. Tiền nhộng màu vàng nhạt, vàng sẫm. Nhộng màu vàng sẫm, mắt kép màu nâu đỏ, mầm cánh kéo dài đến đốt bụng thứ 8. Trưởng thành có thân dài 1,0 - 1,2 mm
1.3 Sinh vật học
Trưởng thành sống ở mặt trên của lá, hoạt động nhanh nhẹn vào buổi sáng, khi bò trên mặt lá thường cong bụng. Trưởng thành cái đẻ trứng rải rác vào mô lá lúa, đẻ trên lá nõn nhiều hơn. Có khả năng di chuyển xa, không bị ánh sáng hấp dẫn. Ấu trùng mới nở sống tập trung ở lá nõn. Ấu trùng tuổi 1 và tuổi 2 hoạt động nhanh nhẹn vào lúc mát, sống tập trung ở chóp lá hoặc ở cả hai mặt phiến lá. Tiền nhộng, nhộng giả thường ở trong chóp lá, lá đã bị cuốn, bẹ lá sát thân cây và không hoặc ít di chuyển, nếu bị khua động thì di chuyển chậm chạp.
Thời gian vòng đời là 11-20 ngày. Trong đó, thời gian trứng: 3-6 ngày, ấu trùng (2 tuổi): 6-9 ngày, tiền nhộng: 1-2 ngày, nhộng giả: 1-3 ngày, thời gian trước đẻ trứng: 1 ngày. Bọ trĩ lúa sinh sản đơn tính (có tỉ lệ cái rất cao). Một trưởng thành cái đẻ 43-74 trứng. Tuổi thọ của trưởng thành là 16-21 ngày.
Ngoài lúa, bọ trĩ lúa còn dinh dưỡng trên ngô, cỏ môi, cỏ gấu, cỏ chỉ trắng, lồng vực cạn, lồng vực nước, cỏ tranh, cỏ gừng, cỏ trứng ếch, lác mỡ,…
1.4 Sự phát sinh phát triển
Nhiệt độ thuận lợi cho sự phát triển của bọ trĩ lúa ở khoảng 15-25oC, nhiệt độ cao trên 27oC làm suy giảm mật độ bọ trĩ lúa. Bọ trĩ lúa phát triển mạnh ở điều kiện khô hạn, ít hoặc không có mưa. Mưa kéo dài và mưa lớn làm giảm rõ rệt mật độ bọ trĩ. Giai đoạn lúa non đến đẻ nhánh thích hợp nhất cho bọ trĩ gây hại. Ở đồng bằng sông Hồng, lúa xuân (đặc biệt là Xuân muộn) ở thời kỳ con gái bị bọ trĩ lúa gây hại nặng hơn lúa mùa.
Hàng năm bọ trĩ lúa phát sinh trên đồng ruộng khoảng 8-10 lứa, trên mỗi vụ lúa có 3 lứa.
Những thiên địch phổ biến của bọ trĩ lúa ở Việt Nam chủ yếu gồm các côn trùng bắt mồi như các loài bọ rùa (Harmonia octomaculata, Micraspis discolor, Scymnus hoffmanni), bọ ba khoang (Ophionea spp.), bọ cánh cộc (Paederus spp.), các loài bọ chân bò (Bembidion spp., Clivina spp., Tachys spp.), bọ xít bắt mồi Orius ianthe.
Biện pháp canh tác
Vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt lúa chét, cỏ dại (đặc biệt cỏ môi) là ký chủ của bọ trĩ lúa.
Trồng lúa với mật độ vừa phải, không quá dày.
Bón phân cân đối và hợp lý. Không để ruộng thiếu nước khi bị bọ trĩ lúa gây hại.
Nơi có hệ thống tưới tiêu thuận lợi, ruộng lúa ở giai đoạn mạ bị bọ trĩ lúa hại nặng có thể cho nước ngập cây lúa trong 2 ngày để diệt bọ trĩ, sau đó rút nước.
Có thể xử lý mầm giống trước khi gieo bằng thuốc trừ sâu nội hấp.
Biện pháp lợi dụng thiên địch
Bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên của bọ trĩ lúa.
Biện pháp thuốc BVTV
Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.
(Liên hệ với chúng tôi)