Thối gốc vi khuẩn

Giới thiệu chung

Tên tiếng Anh: Bacterial foot rot

Bệnh thối gốc vi khuẩn được phát hiện lần đầu tiên trên những thí nghiệm tại Viện Di truyền, Mishima, Shizuoka, Nhật Bản, vào tháng bảy năm 1977 và người ta xác định vi khuẩn này có nhiều điểm tương đồng với Erwinia chrysanthemi Burkholder, McFadden và Dimock. 1a  

Theo T.W Mew bệnh này cũng được phát hiện trên giống IR 36 tại IRRI vào năm 1979. Những báo cáo về bệnh thối gốc vi khuẩn này cũng được công bố tại Hàn Quốc, Ấn Độ năm 1979. 2

Ở Trung Quốc bệnh thối gốc vi khuẩn được phát hiện vào tháng 9 năm 2011 tại Quảng Đông. 3 

Bệnh được mô tả bằng hình ảnh rất rõ ở Hoa Kỳ 4 như hình bên dưới:

Ở Việt Nam bệnh xuất hiện gây hại ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung.

Hình 1: Những cây lúa bị bệnh. Hình 2: Rễ lúa bị thâm đen. Hình 3: Đốt lúa bị bệnh.

1.1 Triệu chứng

S. H. Ou 5 mô tả chi tiết bệnh thối gốc vi khuẩn như sau: Bệnh phát sinh trên cây lúa đầu tiên từ những lá thìa (Hình 4). Sau đó bệnh lan đến bẹ lá, tạo thành những vết bệnh nâu đậm và trở thành thối đen. Bệnh phát triển làm lá vàng, khô héo và rủ xuống. Một cách chậm rãi vết bệnh lan đến gióng, đốt, thân, rễ và làm cho các bộ phân này thối nhũn. Chính vì vậy mà ta dễ dàng nhổ được các dảnh lúa ra khỏi gốc. Các đốt có màu đen khi bị bệnh. Trên thân xuất hiện những vết đen kéo dài theo chiều dài của thân tạo thành những vết thối đen cùng với những giọt nước (dịch vi khuẩn) xuất hiện trên bề mặt. Lá lúa lúc đó bị khô héo, cuộn lại và chuyển màu. Từ những đốt phía dưới bị bệnh, vi khuẩn xâm nhập đến rễ. Chúng làm cho rễ bị thối đen. Khi vi khuẩn xâm nhập vào bẹ thì chúng tạo thành những vết mọng nước sau 20 giờ. Bẹ lá phía trên khô héo sau 2 ngày. Sau đó 3-4 ngày vết bệnh kéo dài ra toàn bộ bẹ lá. Bệnh có thể gây hại thân, gióng, đốt và cả những cuống bông lúa. 

Hình 4: Lá thìa (Lugule - Lá thìa: mỏng. Nằm ở các bẹ lá và phiến lá. Bề mặt nhăn nhụi hoặc có lông tơ. Độ dài, màu sắc và hình dạng lá thìa khác nhau tùy theo giống).

1.2 Nguyên nhân

Bệnh thối gốc vi khuẩn được nhiều tác giả xác định là do Erwinia chrysanthemi Burkholder, McFadden và Dimock gây ra. (Cũng có tài liệu xác định tên vi khuẩn này là E. chrysanthemi pv. zeae (Sabet) Victoria, Arbeleda, and Muňoz).

Bệnh thối gốc vi khuẩn có những biểu hiện bệnh lý giống với thiệt hại do sâu đục thân gây ra (dễ dàng nhổ được thân) hoặc bệnh bạc lá Xanthomonas oryzae - X. campestris pv. oryzae (vết bệnh hại trên lá). 1a

Bệnh thối gốc vi khuẩn cũng có triệu chứng giống với một số vi khuẩn hại cùng thời kỳ như như Pseudomonas oryzicola, P. fuscovaginae và P. pacini. Tuy nhiên, điều khác biệt là gốc lúa bị thối và thân dễ kéo ra khỏi gốc. 1a

Một bệnh vi khuẩn hại lúa tương tự đã được quan sát thấy ở Indonesia năm 1964. Tuy nhiên, một điều khác biệt là vi khuẩn chỉ hại bẹ lá của vài dảnh trong khóm. Vi khuẩn này được xác định là Erwinia carotovora. 1a

Vi khuẩn E. chrysanthemi có thể gây hại trên ngô nhưng độc lực thấp hơn ở trên lúa. 1b

Khi những khóm lúa bị nhiễm bệnh thì nó có thể truyền bệnh cho những cây khỏe xung quanh nhờ vào nước (Goto,1979).

1.3 Phát sinh gây hại

Ở Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bệnh thường gây hại trên các giống OM 4900, Jasmin 85, OM 4218, OM 5472,… trên những chân ruộng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Bệnh có thể phát triển thành dịch, gây hại nghiêm trọng trên các chân ruộng làm đất cho vụ sau không kỹ. 

Ở Bình Định, Chi cục BVTV cũng xác định bệnh thối gốc vi khuẩn xuất hiện và gây hại trên các vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và vụ 3 trên địa bàn tỉnh là vi khuẩn Erwinia carotovona. 6

Biện pháp canh tác

Vệ sinh đồng ruộng thật kỹ trước khi gieo sạ nhất là trên các ruộng đã bị nhiễm bệnh trước đó. Đảm bảo thời gian cách vụ ít nhất 3 tuần để hạn chế ngộ độc hữu cơ.

Chọn giống chống chịu bệnh, loại bỏ giống nhiễm nặng ngoài đồng.

Nên sạ thưa hợp lý. Tốt nhất nên sạ theo hàng để cho tán lá lúa thông thoáng.

Xử lý hạt giống bằng nước nóng 54oC. 

Bón phân cân đối, không thừa đạm, tăng cường Kali và Silic. Tuyệt đối không bón phân đạm, phun phân bón lá, chất kích thích tăng trưởng khi lúa đang bị bệnh. Chỉ bắt đầu bón phân và chăm sóc lúa bình thường nếu kiểm tra thấy rễ lúa ra trắng và lúa phát triển trở lại.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)

D.A.M

Tài liệu tham khảo