Giới thiệu chung
BỆNH VÀNG LÙN
1. Giới thiệu chung
Tên tiếng Anh: Rice Grassy Stunt Virus – RGSV
Bệnh còn có tên gọi khác như: Virus lúa cỏ, lại mạ…. Bệnh gây hại phổ biến ở các nước trồng lúa trong vùng đông nam Á. Năm 1962 bệnh phát sinh và gây hại ở Philippines. Ở Việt Nam, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên gây hại ở Quảng Bình năm 1966 – 1967 với tên gọi bệnh “lại mạ”. Năm 2006 bệnh bùng phát thành dịch và gây hại trên diện rộng ở 22 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long, miền đông nam Bộ một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Bệnh vàng lùn do virus gây ra và rầy nâu là môi giới truyền bệnh. Dịch bệnh thường đi kèm với dịch rầy nâu, do vậy tác hại cho sản xuất lúa càng thêm trầm trọng. Riêng năm 2006 ở các tỉnh phía Nam có 240.000 ha nhiễm rầy nâu nặng, 175.000 ha nhiễm bệnh virus lúa vàng lùn và lùn xoắn lá và đã phải tiêu hủy 25.220 ha lúa.
1.1 Triệu chứng
Cây lúa bị bệnh thấp lùn, còi cọc đẻ nhánh nhiều giống như bụi cỏ và không phát triển được. Lá lúa bị bệnh mọc thẳng, lá ngắn, bản lá hẹp và chuyển màu vàng. Trên lá lúa bị bệnh thường xuất hiện các vết đốm nhỏ mầu nâu gỉ. Cây lúa bị bệnh ở giai đoạn trước 30 ngày thường khô héo, chết hoặc bị “nghẹn đòng”, hạt lúa bị lép lửng nhiều và thường bị vỡ vụn trong quá trình xay xát. Cây lúa bị nhiễm bệnh ở giai đoạn sau 60 ngày thì hầu như không ảnh hưởng đến năng suất. Trên đồng ruộng, còn có những cây lúa bị bệnh có lá màu vàng tươi, lá xòe ngang gần giống với bệnh vàng lụi ở phía Bắc hay bệnh Tungro ở Khánh Hòa.
1.2 Nguyên nhân
Virus gây bệnh vàng lùn thuộc nhóm tenuivirus. Tiểu thể virus có dạng sợi vòng, rộng 6 – 8 nm, được tạo nên bởi 4 phân tử mạch đơn ARN mang điện dương và âm có vỏ bọc protein và enzyme tái tổ hợp ARN polymerase. Virus gây bệnh vàng lùn do rầy nâu là môi giới truyền bệnh.
1.3 Phát sinh gây hại
Virus không truyền qua hạt giống, đất, nước và qua vết thương cơ giới.
Virus gây bệnh lây lan trên đồng ruộng thông qua môi giới là rầy nâu.
Quan hệ truyền bệnh giữa virus và rầy môi giới theo kiểu bền vững. Rầy nhiễm virus truyền được bệnh đến khi chết. Rầy non có khả năng truyền bệnh cao hơn rầy trưởng thành. Tuy nhiên rầy trưởng thành có khả năng bay xa hoặc theo gió nên khả năng lây bệnh trên diện rộng cao hơn. Rầy nâu di trú từ vùng lúa bị bệnh là một trong những “nguồn bệnh di động” trên đồng ruộng.
Thời gian ủ bệnh trong cơ thể rầy từ 7 đến 13 ngày. Thời gian ủ bệnh trong cây lúa từ trên 5 - 14 ngày, thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của cây. Cây lúa càng non càng mẫn cảm với bệnh, cây lúa càng già ít mẫn cảm với bệnh nhưng là nguồn bệnh cho vụ lúa tiếp theo khi lúa chét mọc lên.
Trong vùng dịch, trên đồng ruộng có nhiều trà lúa khác nhau tồn tại là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh và gây hại. Cỏ lồng vực, cỏ đuôi phượng là ký chủ trung gian của bệnh.
Biện pháp canh tác
Cày lật gốc rạ trên các ruộng bị bệnh vụ trước ngay sau khi thu hoạch.
Thu dọn tàn dư, làm sạch cỏ bờ...
Gieo cấy bằng các giống kháng rầy nâu – môi giới truyền bệnh.
Kết hợp làm cỏ, nhổ vùi các các lúa bị bệnh.
Tiến hành gieo sạ “né rầy” đồng loạt trên diện rộng bằng cách theo dõi bẫy đèn để xác định đỉnh cao của các đợt rầy nâu. Thời điểm xuống giống tốt nhất là sau đỉnh cao của rầy môi giới vào đến 4 – 6 ngày.
Biện pháp thuốc BVTV
Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc trừ rầy nội hấp.
Đối với cây mạ, trước khi cấy tiến hành phun thuốc nội hấp 2- 3 ngày trước khi cấy đối với diện tích làm mạ để nhân giống ở các tỉnh phía Nam trong vùng có dịch. Giải pháp này nhằm chủ động hạn chế rầy nâu truyền bệnh cho lúa mới cấy.
Bảo vệ cây lúa non ở giai đoạn trước 40 ngày sau gieo sạ: Thường xuyên thăm đồng, kết hợp với theo dõi bẫy đèn để xác định mật độ rầy nâu truyền bệnh trên đồng ruộng. Khi cần thiết phải trừ rầy truyền bệnh thì ưu tiên sử dụng các loại thuốc nội hấp có hiệu quả cao trừ cả rầy non và rầy trưởng thành. Trong trường hợp cần thiết có thể hỗn hợp với các loại thuốc tiếp xúc để diệt rầy có hiệu quả nhanh hơn nhằm chống lây lan bệnh trên đồng ruộng.
Giai đoạn 40 ngày sau gieo sạ: Áp dụng hài hòa biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để hạn chế mật độ rầy nâu ở vùng lúa bị bệnh bằng các loại thuốc: sinh học (nấm Beauveria và Metarhizium… ), thuốc hóa học trừ nhóm thuốc chống lột xác, thuốc nội hấp, tiếp xúc...
(Liên hệ với chúng tôi)