Giới thiệu chung
Cùng với hòa bản và chác lác, cỏ lá rộng cũng là nhóm cỏ thường xuyên có mặt và gây hại trên ruộng lúa. Tùy theo điều kiện sinh thái của từng vùng, từng vụ lúa… mà thành phần của chúng trên ruộng lúa cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, có một số loài thường cùng xuất hiện trên ruộng ở nhiều vùng trồng lúa của nước ta như: Cỏ vẩy ốc (Rotala indica (Willd.) còn gọi là Luân thảo Ấn… Rau dừa nước (Ludwigia adscendens (L.) Hara) còn gọi là Rau dừa, Du long thái, Thủy long, Rồng nước… Cỏ xà bông (Sphenoclea zeylanica Gaertn.) còn gọi là cây Bồng bồng, Cỏ phổng… Rau mác bao (Monochoria vaginalis (Burm.f.) Presl.)….
Do khả năng sinh trưởng mạnh, nên những loài cỏ này thường cạnh tranh rất mạnh về thức ăn, ánh sáng với cây lúa, khiến cây lúa sinh trưởng kém, còi cọc, dễ gây thất thu năng suất nghiêm trọng.
Ngoài ra, nhóm cỏ này còn là nơi trú ngụ, tích lũy của nhiều loại dịch hại như sâu, bệnh, chuột, OBV…từ đó lây lan ra phá hại lúa.
1.1 Nhận dạng
a, Cỏ vẩy ốc:
Là cỏ thân thảo, hàng năm, mọc thẳng, có thể cao tới 20 cm. Thân hình vuông, có nhánh màu xanh hoặc hồng. Lá có phiến rộng 1,5-8 mm, hình bầu dục, mép lá cứng. Hoa ra ở nách lá, có 4 cánh, dài 3 mm, có 4 lá đài dính nhau thành hình chuông, quả nang dài 1,5 mm. Sinh sản bằng hạt.
b, Rau dừa nước:
Là cỏ thủy sinh, đa niên, mọc bò hay mọc nổi trên mặt nước, có thể dài tới 4m. Thân không có lông và sáng. Có phao nổi, xốp màu trắng, thẳng, mọc thành chùm ở lóng của thân và trên rễ. Lá mọc so le, hình trứng hay hơi thuôn, gần đến cuống hơi hẹp lại, đầu tù hay hơi tròn, dài 4-6 cm, đôi khi có lông. Hoa mọc đơn độc ở nách lá, có 5 cánh, màu trắng, dài 1-1,5 cm, Quả nang hình trụ dài 25 mm, trên mặt có lông, chứa nhiều hạt nhỏ. Sinh sản hữu tính (bằng hạt) và vô tính (bằng đoạn thân)
c, Cỏ xà bông:
Là cỏ thủy sinh, hàng năm, thân thảo, cao 0,3-1,5 m, thân đứng, mềm, xanh, phân nhánh. Lá không có lông, phiến nhọn, cuống ngắn và hẹp dần về phía chóp lá, thon dài 10 cm, rộng 3 cm. Phát hoa mọc ở phía gần ngọn, dạng hình trụ, dài 7,5 cm, rộng 1,2 cm. Hoa nhỏ, không cuống. Quả nang, đường kính 4-5 mm. Hạt nhiều, màu vàng nâu, dài 0,5 mm. Sinh sản bằng hạt. Là loài cỏ chính của vùng lúa nhiệt đới.
d, Rau mác bao:
Là cỏ hàng năm, bán thủy sinh, một lá mầm, có thể cao tới 50 cm, không có lông, màu sáng. Thân thẳng đứng, nằm trong bùn, không lộ rõ. Lá bóng, có đáy tròn hay hình tim, mũi nhọn, dài 2-12,5 cm, rộng 0,5-10 cm, cuống xốp rỗng, dài 10-20 cm, phát triển từ gốc. Phát hoa dạng chùm đính trên cuống đối diện với bẹ của lá bao hoa, gồm 3-25 chùm hoa màu tím hoặc cam. Cuống hoa dài 4-25 mm. Quả dài khoảng 1 cm, chia làm 3 thùy. Hạt nhiều, hình thuôn, có gân theo chiều dọc, dài khoảng 1 mm. Sinh sản hữu tính (bằng hạt) và vô tính (bằng củ)
1.2 Phát sinh gây hại
Mặc dù nằm ở những họ thực vật khác nhau, nhưng những loài cỏ này gần như có chung một đặc điểm giống nhau là thích sống ở những nơi ẩm ướt, thường xuyên có nước như ở đầm lầy, nơi hoang hóa có nước, đặc biệt là ở ruộng lúa, và chúng đều là những loại cỏ chính thường gặp trên ruộng lúa.…chúng đều có khả năng sinh trưởng mạnh, nên cạnh tranh rất nhiều với cây lúa, lấn át cây lúa, dễ gây thất thu năng suất nghiêm trọng.
Do thích hợp với điều kiện luôn ẩm ướt, có nước, nên ở những vùng thấp trũng (những cánh đồng chiêm trũng, những thung lũng ở trung du, miền núi…), những vụ lúa được canh tác trong mùa mưa (vụ mùa, vụ thu đông…) luôn có một lớp nước thường trực trên ruộng, thường bị nhóm cỏ này gây hại nhiều hơn những vùng, những vụ lúa thường thiếu nước trong ruộng.
Trong một ruộng lúa, những nơi trũng như nhong bơm tát nước, đường rãnh thoát nước, những lõm trũng trong ruộng thường là những nơi nhóm cỏ này phát triển mạnh hơn, nhiều khi lấn át cả cây lúa.
Để hạn chế tác hại của những loài cỏ lá rộng vừa nêu trên, phải áp dụng kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong Quy trình quản lý cỏ dại tổng hợp. Sau đây là một số biện pháp chính:
Biện pháp canh tác
Sau khi thu hoạch lúa nếu điều kiện cho phép (ruộng khô, không mưa, thời gian nghỉ giữa hai vụ lúa đủ dài) nên cày ải phơi đất kỹ để diệt cỏ, hạn chế cỏ lan truyền sang vụ sau.
Nếu ruộng ướt, trước khi làm đất phải thu gom hết cỏ, để khi cày bừa không phát tán cỏ rộng ra toàn ruộng.
Nếu diện tích lúa rộng, cỏ nhiều, thiếu nhân lực thu gom, mà điều kiện thời gian cho phép, trước khi làm đất khoảng 20-25 ngày có thể phun thuốc cỏ không chọn lọc, sau đó mới làm đất gieo cấy.
Phải cày bừa kỹ để chôn vùi hạt cỏ xuống tầng đất sâu, kết hợp san bằng mặt ruộng, đảm bảo mực nước đồng đều trên toàn ruộng, dùng mực nước khống chế hạt cỏ nẩy mầm.
Không dùng giống trôi nổi, phải mua giống xác nhận ở những cơ sở tin cậy. Giống phải đạt tiêu chuẩn không có qúa 10 hạt cỏ dại/ 1kg hạt giống.
Phải sàng sẩy kỹ hạt giống trước khi ngâm ủ để loại bỏ hạt cỏ.
Phân hữu cơ bón cho ruộng lúa phải được ủ kỹ để diệt hết hạt cỏ.
Lợi dụng và bảo tồn một số loài côn trùng ăn cỏ như bọ cánh cứng (họ ánh kim) thường ăn rau dừa nước, cỏ vẩy ốc rất mạnh.
Nếu làm tốt những biện pháp trên đây, còn có tác dụng hạn chế rất tốt nhiều loài cỏ thuộc họ hòa bản, họ chác lác và những loài cỏ khác trong nhóm cỏ lá rộng.
Ngoài những biện pháp trên thì việc dùng thuốc diệt cỏ là biện pháp không thể thiếu được, đôi khi mang tính chất quyết định.
Biện pháp thuốc BVTV
Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.
(Liên hệ với chúng tôi)