Bọ xít xanh

Giới thiệu chung

Cùng với sâu vẽ bùa, sâu xanh ăn lá, sâu đục thân, sâu đục trái, rầy mềm, rầy chổng cánh, rệp sáp… thì bọ xít xanh (Rhynchocoris serratus (Donovan) /R. humeralis (Thunberg)/R. poseidon (Kirkaldy) thuộc họ bọ xít năm cạnh (Pentatomidae), bộ cánh nửa (Hemiptera) cũng là một loài côn trùng thường xuất hiện và gây hại trên nhóm cây có múi (nhất là cam, quýt, chanh).

Ngoài Việt Nam, các nhà chuyên môn còn ghi nhận bọ xít xanh có mặt và gây hại cam quýt ở nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ, Philippines, Singapore…

1.1.Triệu chứng và mức độ gây hại 

Bọ xít xanh gây hại bằng cách cả con trưởng thành và con ấu trùng đều dùng vòi dài chích sâu vào trong trái non cam quýt để hút dịch, làm trái thiếu dinh dưỡng bị chai, sượng, vàng úa dần rồi thối và rụng. Nếu trái đã lớn mới bị chích hút thì trái cũng sẽ thối dần và rụng do bị bội nhiễm nấm và một số vi sinh vật khác. Những chỗ bị bọ xít cắm vòi vào để chích hút nhựa, lúc đầu chỉ là một chấm nhỏ, sau đó sẽ phát triển thành một quầng màu nâu trên vỏ trái. Sự thiệt hại do bọ xít gây ra quan trọng nhất là giai đọan trái còn nhỏ, trong một ngày một con bọ xít có thể chích hút nhiều trái.

Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Cần Thơ thì tại Đồng bằng sông Cửu long bọ xít xanh thường gây thiệt hại khá nhiều cho nhà vườn, có những vườn thiệt hại lên tới 80%.

1.2.Đặc điểm nhận dạng

Con trưởng thành có màu xanh lá cây, bóng (dễ lẫn với màu lá), khá lớn (chiều dài cơ thể khoảng 20-22mm, chiều rộng khoảng 15-16mm). Kim chích hút dài tới cuối bụng. Phía sau của ngực trước có hai gai nhỏ chìa ra hai bên và cong về phía sau, dọc hai bên mép bụng có hình răng cưa. Chính giữa mặt bụng có một đường nổi rõ rệt.

 

Con trưởng thành và ấu trùng Bọ xít xanh

Trứng rất tròn, mỗi ổ có khoảng 12-15 trứng, xếp thành 2-3 hàng, có khi thành từng đám hơi tròn, lúc mới đẻ có màu trắng trong, sau chuyển dần thành màu vàng trắng đục, lúc sắp nở màu sậm hơn và có màu đen trên phần đầu. 

 Ấu trùng có 5 tuổi, lúc mới nở dài khoảng 2,5-3mm, cơ thể hình bầu dục, màu vàng nhạt, mỗi bên bụng có 8 điểm đen, vòi dài cuộn trước ngực. Càng lớn cơ thể ấu trùng càng chuyển dần sang màu xanh. 

- Tuổi 1, cơ thể dài 2,5-3mm, hình bầu dục, màu vàng nhạt, mỗi bên bụng có 8 điểm đen.

- Tuổi 2, cơ thể dài khoảng 6mm, phần bụng phía mặt lưng có 3 điểm đen.

- Tuổi 3, cơ thể dài khoảng 8mm, màu vàng tươi, mắt kép lồi ra hai bên.

- Tuổi 4, thân màu vàng xanh, đã bắt đầu xuất hiện mầm cánh.

- Tuổi 5, thân màu xanh lá mạ, đầu và ngực màu xanh đậm, mầm cách đã lộ rất rõ bên ngoài cơ thể.

Thời gian ấu trùng khoảng 25-29 ngày.

Trong đời sống của mình, bọ xít xanh thường tiết ra mùi hôi rất đặc trưng.

Trứng Bọ xít xanh

1.3.Đặc điểm sinh vật 

Con trưởng thành ít hoạt động, nhất là những ngày nắng to, thường chỉ hoạt động nhiều vào lúc sáng sớm và chiều mát, khi trời nắng gắt (nhiệt độ trên 30 độ C) chúng thường ẩn nấp trong tán lá hoặc những trái không bị chiếu nắng. Thời gian sống của con trưởng thành khoảng 30 ngày. Sau khi giao phối khoảng 1-2 ngày con cái bắt đầu đẻ trứng, con cái thích đẻ trứng ở những vườn cam quýt đã già, hoặc vườn có cành lá sum xuê. 

Trứng được đẻ thành từng ổ khoảng 12-15 trứng, xếp thành 2-3 hàng (hoặc thành đám hơi tròn) trên trái hoặc ở những lá gần trái. Thời gian trứng khoảng 6-8 ngày.

Ấu trùng (bọ xít non) mới nở sống tập trung xung quanh ổ trứng, và thường quay chụm đầu lại với nhau để giữ ẩm độ. Sang tuổi 2 phân tán dần đến các trái non xung quanh để chích hút dịch trái. Mỗi khi thay da lột xác ấu trùng phải cắm vòi vào trái, do đó trên vỏ trái thường bắt gặp xác của ấu trùng thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau. Thời gian ấu trùng khoảng 25-29 ngày.

Toàn bộ chu kỳ sinh trưởng của bọ xít xanh khoảng 32-38 ngày.

1.4. Đặc điểm phát sinh phát triển

Ở các tỉnh Phía Nam có thể bắt gặp bọ xít xanh rải rác quanh năm trên vườn cam quýt. Tuy nhiên, loài bọ xít này chỉ có mật số cao vào giai đoạn cây cam quýt có trái non, vì trái non là nguồn thức ăn của chúng.

Thực tế vườn cây cho thấy bọ xít xanh thích sinh sống ở những vườn cam quýt tốt rậm rạp, sum xuê hoặc những vườn cam quýt đã già cỗi. Những vườn cam quýt luôn trảng nắng thường là những vườn bị bọ xít gây hại ít hơn những vườn khác. Trong một cây, những trái nằm khuất trong tán lá, chỗ mát thường bị chúng gây hại nhiều hơn so với những trái nằm ngoài bìa tán luôn luôn có nhiều nắng.

Biện pháp canh tác

- Không nên trồng quá dầy, đồng thời thường xuyên tỉa bỏ những cành nhánh bị sâu bệnh, cành già, cành tăm, cành không có khả năng cho trái nằm khuất trong tán lá… để vườn cam quýt không bị um tùm rậm rạp, bít bùng hạn chế con trưởng thành cái bay đến đẻ trứng tạo ấu trùng gây hại cho trái. 

- Chăm sóc cho cây sinh trưởng khỏe, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để điều khiển cho cây cam quýt ra trái tập trung, tránh để cây ra trái lai rai, cách làm này có tác dụng cắt đứt nguồn thức ăn phù hợp cho chúng trên vườn cây. Biện pháp này cần vận động nhiều chủ vườn xung quanh cùng tiến hành đồng loạt thì mới mang lại hiệu quả cao.  

- Nên trồng xen kẽ một cách hợp lý một số cây cao có tán lá rộng trong vườn cam quýt để tạo tiểu khí hậu mát mẻ cho vườn cây trong những tháng mùa khô nắng nóng, thực tế sản xuất ở các tỉnh Phía nam cho thấy biện pháp này đã mang lại hiệu quả khá rõ nét.

- Nếu điều kiện nhân lực cho phép, có thể dùng vợt bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, hoặc tìm ngắt ổ trứng tiêu hủy.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Trong điều kiện tự nhiên của vườn cây, trứng của bọ xít xanh thường bị nhiều loại ong ký sinh tấn công như Trissolcus latisulcusAnastatus spp. Nhện bắt mồi, nấm ký sinh Metarhizium anisopliaeBeauveria  bassianaMermis spp…cũng góp phần đáng kể trong việc không chế mật số bọ xít xanh trên vườn cây. Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của các nhà chuyên môn Trường Đại học Cần Thơ thì kiến vàng Oecophylla smaragdina có khả năng khống chế sự gây hại của bọ xít xanh rất có hiệu quả.

Biện pháp thuốc BVTV

- Khi cam quýt tượng trái non trở đi đến một tháng sau đó, cần kiểm tra vườn cây thường xuyên để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ bọ xít kịp thời. Để tránh lãng phí thuốc, đồng thời để bảo vệ môi trường và đặc biệt là tập đoàn thiên địch trên vườn cây, khi phát hiện mật số bọ xít cao (bình quân 3-5 con/100 trái) thì tiến hành phun thuốc. Sau phun khoảng 7-10 ngày, nếu mật số bọ xít còn cao thì có thể phun thêm lần 2.

 Không nên phun thuốc tràn lan, nên tập trung ưu tiên những chỗ có nhiều bọ xít bu bám trên trái (nhất là con ấu trùng vừa nở chưa kịp phân tán).

(Liên hệ với chúng tôi)

NGUYỄN DANH VÀN