Bù lạch

Giới thiệu chung

Cùng với sâu xanh ăn lá (bướm phượng), sâu vẽ bùa, rệp sáp, rầy chổng cánh, sâu đục thân, đục trái, rầy mềm …thì bù lạch (bọ trĩ) cũng là những loài côn trùng thường xuyên xuất hiện và gây hại, nhiều khi rất trầm trọng trên cây cam quýt (đặc biệt là cây cam sành), ở nước ta hiện nay, không những làm thất thu về năng suất, sản lượng mà còn làm cho mẫu mã trái cam quýt xấu, mất giá trị thương phẩm, rất khó tiêu thụ…

Theo các nhà chuyên môn thì bù lạch (họ Thripidae, bộ Thysanoptera) hại trên cây cam quýt có hai loài: Scirtothrips  dorsalis và Thrips sp. nhưng gây hại phổ biến và quan trọng nhất chỉ có loài Scirtothrips dorsalis. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu về loài Scirtothrips dorsalis. Ngoài cam quýt, loài này còn hiện diện trên một số cây trồng khác như xoài, nho, điều (đào lộn hột), dâu, ớt, hành, trinh nữ (xấu hổ), thầu dầu, lạc (đậu phộng), hoa sen, hoa hồng, cao su, bông vải, một số loài cỏ… 

Bù lạch hại cam quýt phân bố khá rộng, ngoài Việt Nam còn thấy chúng hiện diện trên các vườn cam quýt của Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Myanmar, Indonesia, Bangladesh, Brunei, Pakistan, Sri Lanka, Papua New Guinea, Hoa Kỳ, Australia, Châu Phi, các quần đảo Solomon…

1.1.Triệu chứng và mức độ gây hại

Bù lạch gây hại bằng cách cả con trưởng thành và con ấu trùng đều tập trung chích hút nhựa của đọt lá non, hoa, nụ hoa và đặc biệt là trái non (lúc trái vừa tượng, cánh hoa vừa rụng, cho đến khi có đường kính khoảng 3-4cm). Nếu nặng, có thể làm lá non bị biến màu, cong queo. Trên trái non, bù lạch ẩn nấp ở bên dưới lá đài, chích hút dịch của tế bào biểu bì vỏ trái, làm túi tinh dầu của tế bào bị vỡ tràn ra ngoài tạo thành những mảng màu xám bạc trên vỏ trái, trong quá trình lớn lên của trái mảng màu này cũng lớn dần theo và lộ ra phía ngoài lá đài thành vòng sẹo lồi hình tròn rất đặc trưng bao quanh lá đài (không thể lẫn với triệu chứng của những loại dịch hại khác trên cây cam quýt), chính những mảng màu này làm cho vỏ trái xấu xí, mất giá trị thương phẩm. 

1.2.Đặc điểm nhận dạng

Cơ thể của bù lạch rất nhỏ, con trưởng thành có kích thước khoảng 0,1-0,2mm, màu vàng đến vàng cam, cánh hẹp, hai bên rìa cánh có nhiều sợi lông nhỏ dài.

Trứng rất nhỏ hình bầu dục, màu vàng nhạt.

Ấu trùng tuổi 1 có kích thước rất nhỏ, cơ thể trong suốt, bụng nở to hai bên, trên cơ thể có nhiều lông nhỏ mịn, chân dài, râu đầu có 7 đốt, hình ống tròn. Sang tuổi 2, ấu trùng có kích thước tương tự con trưởng thành, râu đầu có 7 đốt, râu môi dưới có 3 đốt, chưa có cánh, các lông trên cơ thể dài hơn tuổi 1, đầu đã hóa cứng. Giai đoạn tiền nhộng có màu vàng, râu ngắn, mập, hai mầm cánh đã lộ rõ ra ngoài cơ thể.

Nhộng có màu vàng sậm, mắt kép có màu đỏ, mầm cánh đã dài hơn, râu đầu ngắn, giai đọan này hoàn toàn không ăn.

Bù lạch trưởng thành

 

 

Di chứng để lại của bù lạch trên trái cam quýt

1.3.Đặc điểm sinh vật

Sau khi vũ hóa khoảng 3 ngày con trưởng thành cái bắt đầu đẻ trứng, trong điều kiện phòng thí nghiệm một con trưởng thành cái có thể đẻ 20-25 trứng, trứng thường được đẻ trong mô lá non, trái non hoặc trong cành non. Chu kỳ sinh trưởng của bù lạch rất ngắn (khoảng 13-20 ngày), trong đó giai đoạn nhộng khoảng 3-4 ngày.

Sau khi hoàn thành giai đoạn tuổi 2, một số ấu trùng rơi xuống đất để hóa nhộng, một số khác hóa nhộng trong các khe nứt của cây hoặc trong các lá cuốn lại.

1.4. Đặc điểm phát sinh phát triển

Thực tế sản xuất cũng như qua kết quả điều tra nghiên cứu của các nhà chuyên môn cho thấy, bù lạch có thể xuất hiện rải rác trên vườn cây mỗi khi cây ra đọt lá non, nhưng thường chỉ xuất hiện tập trung và có mật số cao nhất vào những thời điểm cam quýt ra hoa, đậu trái rộ. Bù lạch thường chỉ tập trung gây hại trên đọt non, hoa và đặc biệt là trái non. Tuy nhiên, nếu mật số cao bù lạch cũng có thể tấn công trên cả những trái đã lớn.

Quan sát thực tế cho thấy, ở các tỉnh Phía Nam bù lạch thường gây hại mạnh nhất trong những tháng nắng nóng của mùa khô. Trong một cây những trái nằm phía ngoài nắng thường là những trái bị bù lạch gây hại nhiều hơn những trái nằm khuất trong tán lá, những vườn cam quýt có trồng cây cao che bớt nắng cũng thường ít bị bù lạch gây hại hơn so với những vườn trảng nắng.

Biện pháp canh tác

Chăm sóc cho cây sinh trưởng khỏe, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để điều khiển cho cây cam quýt ra trái tập trung, tránh để cây ra trái lai rai, hạn chế nguồn thức ăn phù hợp cho bù lạch liên tục có mặt trên vườn cây, cắt đứt nguồn thức ăn của chúng trên vườn cây sẽ có tác dụng hạn chế tác hại của bù lạch. Biện pháp này cần vận động nhiều chủ vườn xung quanh cùng tiến hành đồng loạt thì mới mang lại hiệu quả cao.  

Ngoài ra, bón phân cân đối và hợp lý giữa đạm, lân và ka li, không bón quá thừa đạm cũng là những biện pháp giúp cây khỏe mạnh, có sức chống đỡ được với tác hại của bù lạch.  

Nên trồng xen kẽ một cách hợp lý một số cây cao có tán lá rộng trong vườn cam quýt để tạo tiểu khí hậu mát mẻ cho vườn cây trong những tháng mùa khô nắng nóng, thực tế sản xuất ở các tỉnh Phía nam cho thấy biện pháp này đã mang lại hiệu quả khá rõ nét

Khi tưới vườn nên áp dụng cách tưới phun mưa lên tán cây, biện pháp này ngoài tác dụng tạo mát mẻ cho vườn cây vào trong khô nắng nóng, mà còn có tác dụng rửa trôi bớt bù lạch.

Mỗi khi cam quýt vào mùa ra hoa kết trái, cần kiểm tra vườn cây thường xuyên để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ bù lạch kịp thời. Để tránh lãng phí thuốc, đồng thời để bảo vệ môi trường và đặc biệt là tập đoàn thiên địch trên vườn cây, khi phát hiện mật số bù lạch có khoảng 3 con/một trái non thì mới tiến hành phun thuốc.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Trong thực tế sản xuất trên vườn cam quýt có khá nhiều loại thiên địch của bù lạch như các loài bù lạch Frankliothrips megalopsScolothrips indicusErythrothrips asiaticus… ngoài ra Geocoris ochropterus cũng là loài thiên địch quan trọng của bù lạch.

Biện pháp thuốc BVTV

(Liên hệ với chúng tôi)

NGUYỄN DANH VÀN