Sâu vẽ bùa

Giới thiệu chung

Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella Stainton) thuộc họ Ngài đục lá (Phyllocnistidae), Bộ cánh vẩy (Lepidoptera), là một loài sâu hại rất phổ biến và quan trọng ở tất cả các vùng trồng cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi, phật thủ, quất…)  của nước ta hiện nay, chúng là loài sâu nguy hiểm nhất trong số những loài sâu hại trên lá của nhóm cây có múi. 

Ngoài Việt Nam chúng còn được ghi nhận có mặt và gây hại ở một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nêpan, Nhật Bản, Philippines, Pakistan,…

1.1 Triệu chứng và mức độ hại

Sau khi nở sâu non đục ngay vào dưới biểu bì lá thành những đường hầm dài ngoằn ngoèo (như đường vẽ trên các lá bùa, nên sâu có tên gọi là “sâu vẽ bùa”). Sâu sống bên trong những đường đục và gặm ăn lớp tế bào nhu mô diệp lục. Lớp biểu bì khi mới bị tách khỏi nhu mô lá thường trong bóng, do đó rất dễ nhầm lẫn với vệt chất nhầy của ốc sên để lại trên mặt lá khi di chuyển.   

Sâu đục ăn tới đâu, bài tiết phân tới đó, nên vệt phân sâu là đường liên tục như một sợi chỉ chạy dài theo đường đục của sâu ở phía chính giữa. Phân sâu lúc đầu có màu xanh vàng, về sau chuyển sang màu nâu sẫm. 

Sâu vẽ bùa có thể phá hại trên cả hai mặt lá, trên bề mặt của chồi non và cả trên vỏ trái (thường gặp trên trái bưởi). Nếu nặng sẽ làm cho lá cam quýt co rúm, quăn queo (xem ảnh), ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quang tổng hợp tạo vật chất hữu cơ nuôi cây, các chồi non có thể bị ngừng sinh trưởng. 

Ngoài gây hại trực tiếp, những vết thương cơ giới do sâu tạo nên trên bề mặt lá, chồi non, vỏ trái, sẽ là những cửa ngõ tạo điều kiện cho vi khuẩn bệnh loét cam (Xanthomonas citri) xâm nhập, gây hại, hủy hoại bộ lá, chồi non và vỏ trái. 

Lá cam quýt bị co rúm, quăn queo do sâu vẽ bùa tạo nên còn là nơi trú ẩn của nhiều loại sâu hại cam quýt khác như châu chấu, rệp bột tua ngắn, nhện đỏ... 

 

1.2 Đặc điểm nhận dạng

Trưởng thành của sâu vẽ bùa là một loại ngài nhỏ, thân dài khoảng 2mm, sải cánh rộng 4 - 5mm. Toàn thân có màu vàng nhạt phớt, ánh trắng bạc. Cánh trước có hình lá liễu, phần gốc cánh màu xám nhạt, phần còn lại có màu bạc trắng, hơi ngả vàng. Từ gốc cánh có 2 vân dọc màu đen kéo dài đến giữa cánh. Khoảng 1/3 về phía mút cánh có một vân xiên tựa hình chữ Y. Đỉnh mút cánh có một chấm đen lớn. Phía đầu mút cánh, lông mép cánh khá dài, màu đen ở mút lông, tạo nên 3 vạch vân xiên. Cánh sau rất hẹp (tựa hình kim), màu xám đen, hai rìa lông bên ngoài rất dài, màu xám nhạt.

Trứng hình bầu dục dẹp, rất nhỏ, kích thước khoảng 0,2 - 0,3mm. Khi mới đẻ có màu trong suốt, sắp nở có màu trắng đục.

Sâu non mới nở dài khoảng 0,5 mm, đầu màu nâu, mình màu xanh nhạt và gần như trong suốt. Đẫy sức dài khoảng 4 mm, màu vàng xanh đục, mình dẹp có 13 đốt, chân ngực và bụng đều thoái hoá, đốt cuối có hình ống dài. Đầu nhỏ, nhọn, kiểu miệng trước. Ở giai đoạn tiền nhộng, mình sâu chuyển sang dạng hình ống màu trắng vàng, đục.

Nhộng dài khoảng 2 - 3 mm, hai đầu thon nhỏ, lúc đầu có màu vàng nhạt, về sau chuyển sang màu nâu vàng, với một gai rất nhỏ trên đầu, cạnh bên mỗi đốt thân có một u lồi, trên đó có một sợi lông. 

1.3 Đặc điểm sinh vật

Con trưởng thành có xu tính yếu đối với ánh sáng. Ban ngày lẩn trốn trong tán lá cây, ban đêm bay ra hoạt động (mạnh nhất vào khoảng 19 - 21 giờ). Sau khi bắt cặp khoảng 12 - 15 tiếng con cái bắt đầu đẻ trứng. Khoảng 85% trứng được đẻ trong vòng hai ngày đầu. Trứng thường được đẻ ở mặt dưới của lá và chồi non, phần lớn tập trung ở hai bên gân chính, trung bình khoảng 2 - 3 trứng trên một lá hay một chồi non. 

Con cái thích đẻ trứng ở những vườn cam quýt còn nhỏ (dưới 3 - 4 năm tuổi), trên những lá non (có độ dài từ 2 - 4cm).

Sâu non có 4 tuổi, thời gian sâu non khoảng 5 - 20 ngày (tùy theo điều kiện ngoại cảnh). Khi vừa nở sâu đục ngay vào dưới lớp biểu bì lá, tạo thành những đường hầm ngoằn ngèo khắp mặt lá, nhưng không bao giờ cắt ngang hoặc nhập chung vào những đường đục của những sâu vẽ bùa khác sống trên cùng một lá. Sâu đục tới đâu lớp biểu bì phồng lên tới đó. Tuổi sâu càng lớn đường đục càng dài và rộng. Có thể nhìn thấy sâu non rất nhỏ (vài mm) màu xanh lợt (lúc mới nở) hoặc xanh vàng, trắng hơi vàng (khi tuổi lớn hoặc sắp hóa nhộng) ở cuối đường đục.

Sâu non vẽ bùa chỉ có thể sống được trong điều kiện độ ẩm không khí bão hoà, nên khi mưa to, gió lớn làm rách lớp biểu bì trên đường đục, sâu sẽ chết sau một thời gian ngắn. Đẫy sức, sâu đục ra phía ngoài mép lá, nhả tơ, dệt kén kéo gấp phiến lá lại che kín tổ kén, tổ kén có màu gỉ sắt, sau khi vũ hoá, vỏ nhộng thường nhô một phần ra ngoài tổ kén. Thời gian nhộng khoảng 7 - 15 ngày.

Cho đến nay, việc tìm hiểu các tuổi của sâu vẽ bùa vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Trong điều kiện nhiệt độ ở Nghệ An 25,3 - 22,50C (mùa thu), theo dõi ngoài đồng ruộng, vòng đời của sâu vẽ bùa khoảng 22 - 26 ngày. 

1.4 Đặc điểm phát sinh phát triển

Sâu vẽ bùa có thể phát sinh và gây hại quanh năm. Tuy nhiên, mức độ tác hại của sâu còn phụ thuộc vào điều kiện thức ăn, đặc điểm của giống cam quýt, thời tiết…

Thực tế đồng ruộng cho thấy sâu vẽ bùa thường gây hại nhiều vào các đợt cây cam quýt ra đọt non, lá non. Những giống cam quýt có lá mỏng, non mềm, mật độ túi tinh dầu cao thường bị sâu gây hại ít hơn những giống khác. Trời nắng nóng khô hạn làm cho lá mất nước nhiều dễ bị héo tạm thời cũng dễ làm cho sâu non bị chết hàng loạt. Những vườn biết cách áp dụng những biện pháp kỹ thuật để điều khiển cho cây ra đọt non, ra hoa trái tập trung, thường cũng là những vườn ít bị sâu gây hại hơn những vườn khác, do nguồn thức ăn phù hợp cho sâu bị đứt đoạn, không thường xuyên có mặt trên vườn cây. 

Biện pháp canh tác

Để hạn chế tác hại của sâu vẽ bùa, có thể áp dụng kết hớp một số biện pháp chính sau đây:

Chăm sóc cho cây sinh trưởng khỏe, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để điều khiển cho cây ra đọt, lá non tập trung, hạn chế nguồn thức ăn phù hợp cho sâu liên tục có mặt trên vườn cây sẽ có tác dụng hạn chế tác hại của sâu vẽ bùa. Biện pháp này cần vận động nhiều chủ vườn xung quanh cùng tiến hành đồng loạt thì mới mang lại hiệu quả cao.

Phải kiểm tra vườn cây thường xuyên, nhất là những giai đoạn cây ra đọt, lá non, lá bánh tẻ…để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ sâu kịp thời. 

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Ở giai đoạn sâu non và nhộng của sâu, có thể bị ong thuộc các họ EncyrtidaeEulophidae ký sinh với tỷ lệ khá cao (có khi lên tới 70%). Để bảo vệ những loài ong ký sinh này, không nên lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học, chỉ nên phun xịt thuốc khi có từ 10% lá bị hại trở lên mà tốc độ gây hại của sâu vẫn tiếp tục gia tăng.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)

Nguyễn Danh Vàn