Sâu xanh

Giới thiệu chung

Sâu xanh ăn lá, còn gọi là Bướm phượng là một loài sâu ăn lá chính trên nhóm cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi, phật thủ). Chúng thuộc họ Bướm phượng (Papilionidae) bộ Cánh vẩy (Lepidoptera). 

Giống như nhiều quốc gia trồng cam quýt khác trên thế giới, ở nước ta cũng ghi nhận có khá nhiều loài trong họ Bướm phượng có mặt trên các vườn cây có múi từ Bắc chí Nam, tuy nhiên chỉ có ba loài sau đây thường xuất hiện và gây hại phổ biến nhất, đó là Bướm phượng vàng (Papilio demoleus), Bướm phượng đen còn gọi là Bướm phượng ngọc (P. polytes), và Bướm phượng lớn  (P. memnon), trong số này thì 2 loài P. demoleus và  P. polytes thường xuất hiện và gây hại nhiều hơn. Ngoài cam, quýt, chanh, bưởi, phật thủ, Bướm phượng còn hiện diện trên một số cây dại thuộc họ Cam trời, bưởi bung…

Cùng với Việt Nam Bướm phượng còn có mặt ở nhiều quốc gia thuộc châu Á như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand, Nhật Bản, Ấn Độ, Myanmar…và nhiều nước khác trên thế giới.
             
1.1. Triệu chứng và mức độ gây hại 

Khi còn nhỏ sâu non gậm khuyết mép những lá mới ra của chồi non, lớn lên ăn hết cả lá bánh tẻ, nếu thiếu thức ăn có thể cắn trụi cả lá già và cả phần non của thân chồi, làm cho chồi chỉ còn lại gai và gân chính của lá.   

Sâu non nhỏ tuổi có mầu nâu đen đậm, ít di chuyển gần như bất động, nếu không có kinh nghiệm hoặc không chú ý rất dễ nhầm tưởng đó là những cục phân chim (xin xem ảnh). 

Sức ăn của sâu rất mạnh, nhiều khi cắn trụi cả lá, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng quang hợp của cây, khiến cây sinh trưởng, phát triển kém, dễ gây thất thu rất lớn cho nhà vườn. Đặc biệt là những cây còn ở giai đoạn vườn ươm, nếu mất cảnh giác không phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ kịp thời sẽ làm cây suy yếu khó hồi phục.

 

1.2. Đặc điểm nhận dạng

a. Bướm phượng vàng (Papilio demoleus)

-Trưởng thành là một loài bướm khá lớn, thân dài khoảng 2,8-3,2cm, sải cánh rộng khoảng 8-12cm. Mặt trên cánh màu nâu đen, trên đó có nhiều đốm màu vàng tươi, kích thước không đều nhau, phủ nhiều vẩy nhỏ như phấn. Cánh sau không có đuôi, gần gốc trong có một đốm lớn hình bầu dục màu đỏ nâu, phía ngoài đốm này có một quầng màu xanh dương sẫm hay xanh lơ. 

-Trứng hình cầu, kích thước khoảng 1mm, lúc mới đẻ có màu vàng nhạt, sau chuyển sang màu vàng sáp rồi vàng xám, sắp nở chuyển sang màu sậm đen do ấu trùng được hình thành bên trong. 

-Sâu non mới nở có kích thước khoảng 2,5mm, mầu nâu sậm, có nhiều gai thịt nhìn xù xì, những gai nhỏ này sẽ dần biến mất khi sâu lớn, chỉ còn đôi gai trước và đôi gai sau. Về sau trên lưng xuất hiện những vệt trắng, sau lần lột xác thứ ba mình sâu chuyển sang màu xanh vàng hoặc xanh lá cây, trên lưng và hai bên hông cơ thể có nhiều vệt và chấm màu nâu hoặc đen. Hình dáng của sâu non ở những tuổi lớn rất khác với sâu non của các tuổi trước đó, phần lưng trở lên láng hơn, và có những lông nhỏ màu xanh lá cây, phần bụng có màu xám trắng, hai vùng này được ngăn cách nhau bởi một đường màu trắng. Đẫy sức sâu non có thể dài tới 5,5 cm. 

Sâu non họ Bướm phượng có một đặc điểm chung là đốt ngực thứ nhất rất to so với những đốt còn lại. Ở mặt lưng của đốt ngực thư nhất có một đôi tuyến hôi, khi bị đụng đến có thể nhô ra ngoài dưới dạng một đôi râu thịt màu đỏ, hình chứ V, tuyến này tiết ra mùi ngọt hắc để xua đổi kẻ thù. 

-Nhộng có hình thù rất đặc biệt, mút đầu phân làm 2 nhánh như sừng, phần bụng cong vồng ra phía trước, và nhô rộng sang hai bên thành 2 góc. Cơ thể nhộng có nhiều màu, phần lớn có màu xanh nhạt, đôi khi màu nâu xám hoặc nâu vàng. Nhộng dài khoảng 2,5-3,0cm. 

b. Bướm phượng đen (Papilio polytes):

Trưởng thành là một loại bướm lớn tương tự bướm phượng vàng, cơ thể dài khoảng 2,5-3,0cm, sải cánh rộng khoảng 8,7-10cm, đuôi cánh kéo dài rõ rệt. Bướm đực có màu đen như nhung, mép ngoài cánh trước có 9 chấm màu trắng vàng và giữa cánh sau có 7 chấm màu trắng vàng xếp gần như hình vòng cung. Ở loài này giống cái có hai loại hình:

 *Loại hình Cyrus: màu sắc tương tự như bướm đực, song kém rực rỡ hơn và ở mép ngoài cánh sau có thêm vài vệt đỏ nâu hình bán nguyệt, hoặc trên góc cánh sau có thêm một vệt đỏ nâu hình bầu dục.

 *Loại hình Polytes: nền cánh có màu xám nâu, mép ngoài cánh sau có vệt đỏ nhạt hình bán nguyệt, giữa cánh có 5 đốm lớn màu hồng nhạt.

- Trứng tương tự như trứng Bướm phượng vàng

- Sâu non mới nở có màu trắng vàng, tuổi 2 màu nâu vàng, tuổi 3 màu nâu xanh. Sâu non loài này nhìn chung ít xù xì hơn sâu non Bướm phượng vàng. Từ tuổi 4 sâu non có màu xanh lá cây, các vệt trên mặt lưng và mặt bên cơ thể ít hơn và thường có màu xám nâu. So với sâu non Bướm phượng vàng, sâu non Bướm phượng đen có bộ phận ngực lớn hơn.

-Nhộng hình dạng và màu sắc tương tự như nhộng Bướm phượng vàng, tuy nhiên có thể phân biệt được qua các đặc điểm sau: ở nhộng Bướm phượng đen 2 nhánh ở đầu kéo dài hơn, phần bụng cong hơn và nhô rộng sang 2 bên nhiều hơn.     

c. Bướm phượng lớn  (Papilio memnon):

Trưởng thành có kích thước khá lớn so với hai loài trên, chiều dài cơ thể khoảng 3,5-3,7 cm, sải cánh rộng khoảng 12,5-13 cm. Bướm đực có mầu đen, cánh sau có màu đen lẫn xanh dương. Bướm cái có cánh trước màu xám nâu đen, phần trên của gốc cánh có 4 đốm đỏ (hai to và hai nhỏ) rất đặc trưng, cánh sau có màu đen ở gốc cánh, trên nửa phần cánh còn lại có mầu trắng chia thành 6 ô, phần cuối của mỗi ô là 6 đốm đen trên nền đỏ cam rất đẹp. Do xuất hiện và gây hại ít hơn hai loài trên nên chưa có những nghiên cứu sâu về loài này.

 

 

 

1.3. Đặc điểm sinh vật

Tập quán sinh sống của trưởng thành các loài Bướm phượng đều tương tự nhau. Bướm thường vũ hoá rộ vào sáng sớm, các hoạt động bắt cặp, đẻ trứng chủ yếu vào buổi sáng (từ 8-10 giờ) một phần vào lúc chiều mát. 

Trong những ngày hè trời nắng to hoặc ban trưa, bướm thường đậu yên trong các tán cây râm mát. Thời gian sống của bướm đực khỏang 3-5 ngày, bướm cái khoảng 5-8 ngày. Một bướm cái có thể đẻ 75-120 trứng. Khi đẻ trứng bướm cái thường bay lượn trên các chồi non và đẻ rải rác từng quả ở mặt dưới của các lá non. Thời gian ủ trứng khoảng 3-7 ngày.

Sâu non có đặc điểm là sau khi nở hoặc lột xác, chúng thường ăn hết vỏ trứng hoặc xác vừa lột ra, không để lại dấu vết. Khi còn nhỏ sâu chỉ hại trên các lá non, bằng cách gậm khuyết mép những lá non ở ngọn chồi.

Lớn lên thích ăn lá bánh tẻ, có khi ăn hết cả lá, nếu thiếu thức ăn, sâu cắn trụi cả lá già và cả phần non của thân chồi, lúc này trên các chồi chỉ còn lại gai và gân chính của lá. Từ tuổi 4 trở đi, sâu thường ẩn nấp kỹ dưới tán lá, khi ăn mới di chuyển ra ngoài, màu sắc của sâu rất giống màu của lá, cành non nên đôi khi cũng khó phát hiện. Sâu non có 5 tuổi, thời gian sâu non khoảng 15-25 ngày.

Đẫy sức sâu hóa nhộng ở trên cây, mình nhộng bám chắc vào cành cây nhờ túm tơ ở mút bụng và sợi tơ treo vòng ngang lưng. Thời gian nhộng khoảng 7-10 ngày.

1.4. Đặc điểm phát sinh phát triển

Thực tế sản xuất cho thấy ở miền Bắc nước ta, bướm phượng có thể phát sinh phá hại quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là vào khoảng tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Về mùa đông vẫn có thể tìm thấy một số sâu non và nhộng Bướm phượng trên cam quýt, nhưng mật độ rất thấp không đáng kể.
 
Còn trong điều kiện tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu long và các tỉnh Phía Nam Bướm phượng có thể xuất hiện và gây hại quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là vào các đợt cam quýt ra đọt lá non. Những vườn cam quýt có tuổi nhỏ thường bị sâu gây hại hiều hơn những vườn đã già cỗi.

Biện pháp canh tác

Không nên trồng cam quýt quá dầy, thường xuyên tỉa bỏ những cành nhánh bị sâu bệnh, cành già, cành tăm, cành không có khả năng cho trái nằm khuất trong tán lá… để vườn luôn thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của sâu .

Chăm sóc cho cây sinh trưởng khỏe, phối hợp với các đợt “làm gốc” để sử lý cho cây ra đọt, ra hoa, trái tập trung, hạn chế nguồn thức ăn phù hợp cho sâu liên tục có mặt trên vườn cây. Biện pháp này cần vận động nhiều chủ vườn xung quanh cùng tiến hành đồng loạt thì mới mang lại hiệu quả cao.
  
Thường xuyên kiểm tra vườn cây (nhất là vào những giai đoạn cây ra đọt lá non) tìm thu gom trứng, bắt sâu trên các chồi, lá non, lá bánh tẻ (nếu mật số sâu chưa cao và vườn cây còn thấp). Ở các
tỉnh phía Bắc cần chú ý bắt diệt lứa sâu mùa đông đẻ giảm nguồn sâu cho năm sau.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Thành phần thiên địch của Bướm phượng rất phong phú và là yếu tố quan trọng trong việc khống chế sự gia tăng mật số của sâu Bướm phượng.

Theo tác giả Krihnamoorthy và Singh (1986) ghi nhận tại Ấn Độ thì trong điều kiện tư nhiên ong mắt đỏ Trichogramma chilonis có thể ký sinh đến 75% trứng sâu Bướm phượng. Farid (1987) cũng ghi nhận có đến 30-86% nhộng của P. demoleus bị tấn công bởi ong ký sinh Pteromalus puparum.

Theo Singh (1993) ấu trùng của sâu Bướm phượng có thể bị tuyến trùng Steinernema sp. ký sinh, theo Singh, loài tuyến trùng này có thể gây chết 90-100% sâu Bướm phượng trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đã ghi nhận kiến vàng Oecophylla smaragdina có khả năng rất cao trong việc hạn chế  sự bộc phát của các loài sâu Bướm phượng.
 
Theo một số tài liệu của tác giả Trung Quốc, sâu non của Bướm phượng thường bị hai loài ong Pteromalus puparum L. và Brachymeria obseurata Wek. ký sinh.

Biện pháp thuốc BVTV

Vào những đợt cam quýt ra đọt lá non, và giai đoạn lá bánh tẻ phải kiểm tra vườn cây thường xuyên, để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ sâu kịp thời.

NGUYỄN DANH VÀN